Nguyên Chánh tòa Hình sự Đinh Văn Quế tiếp tục kiến nghị về vụ án VNCB

10/01/2017 21:42
MINH MINH
(GDVN) - Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao tiếp tục gửi kiến nghị đến các cơ quan tố tụng...

Theo ông Quế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua lại VNCB với giá 0 đồng nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi của người gửi tiền vào VNCB.

Khi Nhà nước mua lại VNCB cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận những khoản tiền mà khách hàng đã gửi vào VNCB được bảo đảm.

Tại Bản kiến nghị lần đầu, ông Đinh Văn Quế đã nêu: hành vi của Phạm Công Danh có dấu hiệu của tội chiếm đoạt tài sản chứ không phải là cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay;

vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không xử lý Phạm Công Trung (em trai Phạm Công Danh);

Bản án không xác định tiền bị chiếm đoạt đi đâu, không buộc trách nhiệm bồi thường của các bị cáo là chưa đúng luật. Nay Bản kiến nghị của ông Đinh Văn Quế có bổ sung một số vấn đề.
Trách nhiệm của VNCB
Về 5.190 tỷ đồng bị rút khỏi tài khoản của Trần Ngọc Bích tại VNCB không có chứng từ, ông Đinh Văn Quế có ý kiến:

Bản án sơ thẩm nhận định có mối quan hệ  vay mượn của Phạm Công Danh với ông Trần Quí Thanh.

Phạm Công Danh tại Tòa.

 Phạm Công Danh tại Tòa.

Ông Thanh không thừa nhận việc này. Nhưng cứ cho rằng ông Thanh đồng ý cho Danh vay cũng không liên quan gì đến Trần Ngọc Bích. 

Thậm chí ngay cả khi Bích đồng ý cho Danh vay thì Danh cũng không có quyền tự ý lấy 5.190 tỷ đồng trong tài khoản của Bích.

Nếu Bích đồng ý cho vay thì Bích phải chuyển tiền hợp pháp cho Danh. Không có bằng chứng nào cho thấy Bích đồng ý cho Danh vay.

Cũng không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh rằng Trần Ngọc Bích đồng ý chuyển cho Phạm Công Danh số tiền này.

Việc Danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút tiền là hành vi chiếm đoạt tài sản của VNCB.

Danh còn tự ý rút 300 tỷ đồng của VNCB qua cầm cố 6 sổ tiết kiệm của Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang, Trần Hoài Phục nhưng không hề có hồ sơ, chữ ký của 3 người này.

Theo quy định pháp luật, VNCB phải chịu trách nhiệm về 5.490 tỷ đồng (5.190 tỷ đồng và 300 tỷ đồng).

Phạm Công Danh và đồng phạm phải bồi thường số tiền gây thất thoát cho VNCB. VNCB phải trả cho nhóm của Trần Ngọc Bích 5.490 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm không có bất cứ quyết định nào về trách nhiệm của VNCB là không đúng pháp luật.
Xử lý vật chứng rắc rối?
Theo ông Đinh Văn Quế, chưa có vụ án nào việc xử lý vật chứng lại “rắc rối, khó hiểu như vụ án này”.

Khoản 5.190 tỷ đồng, Tòa sơ thẩm xác định là vật chứng của hành vi cố ý làm trái, nhưng Bản án viết:

“Buộc thu hồi 5.190 tỷ đồng … là số tiền nhóm Trần Ngọc Bích vay”. Đã là tiền của nhóm Bích vay ngân hàng, để trong tài khoản của Bích tại ngân hàng, thì Phạm Công Danh phạm tội gì đi nữa số tiền này vẫn nằm trong VNCB, sao lại phải thu hồi? 

Vậy thu hồi tiền của ai? Chẳng lẽ thu hồi tiền của VNCB rồi lại giao cho VNCB ?

Căn cứ vào quy định nào của pháp luật  để thu hồi? Trần Ngọc Bích cũng như bao khách hàng khác làm sao biết được tiền của mình để tại ngân hàng lại bị Danh lấy ra để chi tiêu cá nhân.

Việc Danh lấy tiền từ VNCB ra không có chứng từ là lấy tiền của VNCB, chứ không thể nói lấy tiền của khách hàng cụ thể nào được.

Tòa sơ thẩm còn quyết định nhóm Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh “được xem còn thiếu” VNCB các khoản vay trước đó, mặc dù các khoản vay này đã tất toán.
Phạm Công Danh đã chuyển cho ông Trần Quí Thanh 5.190 tỷ đồng hợp pháp, ông Thanh đã chuyển số tiền này cho nhiều cá nhân để thanh lý các khoản vay trước đó.

Các quan hệ này không liên quan gì đến vụ án, không được nhắc đến trong Kết luận điều tra, Cáo trạng.

Tại tòa, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được trình bày ý kiến của mình, thậm chí có người còn không được triệu tập ra Tòa. 
Những người đã vay và trả hết nợ, không liên quan đến Phạm Công Danh, đến bất cứ mối quan hệ nào (nếu có) giữa Phạm Công Danh với Trần Quí Thanh hoặc Trần Ngọc Bích nay bỗng nhiên lại mắc nợ VNCB. Việc Tòa án quyết định các khoản vay này “được xem còn thiếu Ngân hàng VNCB” là chưa đúng pháp luật, xét xử ngoài phạm vi vụ án.

Ngoài ra, Tòa sơ thẩm còn buộc ông Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích và một số người khác phải nộp lại các khoản tiền được xác định là vật chứng trong hành vi “vi phạm quy định về cho vay” trả cho VNCB.

Các khoản này không phải là vật chứng theo luật định, vì không có giá trị chứng minh tội phạm mà cơ quan tố tụng đã thu giữ.

Giả thiết, cứ cho rằng khoản tiền 5.190 tỷ đồng trên tài khoản của Trần Ngọc Bích là “vật chứng của vụ án” như đã xác định sai, thì cũng phải trả lại cho Bích.

Theo luật định, với tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu. 

Khoản tiền 5.190 tỷ đồng là tiền hợp pháp nên không có lý do gì Tòa sơ thẩm lại buộc thu hồi.

Việc thu hồi này tạo ra tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến sự ổn định của các giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng.

Ông Đinh Văn Quế nhấn mạnh, từ việc xác định sai tội danh đã dẫn đến việc Bản án xử lý nhiều vấn đề khác chưa phù hợp.

MINH MINH