Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể chuyện động vật hoang dã bị tàn sát dã man

31/07/2012 13:00
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Hai con voọc con đã ôm lấy vọọc mẹ đến chết khi con voọc mẹ này bị con người đánh bẫy không thể thoát ra ngoài. Đó chỉ là một trong những câu chuyện hết sức dã man về cách mà con người đã đối xử với động vật, đồng thời khiến nhiều người phải rơi nước mắt khi nghe và xem lại những bức ảnh mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã chứng kiến và ghi lại những cảnh này.
Trong thời gian qua, những câu chuyện về việc con người đối xử một cách tàn ác với các loài động vật và mới đây nhất là vụ việc xôn xao dư luận về một quân nhân đã đăng những bức ảnh giết hại con voọc đang mai thai đã khiến cho dư luận hết sức phẫn nộ.

Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người đã từng nhiều năm rong ruổi trên khắp các cánh rừng của cả nước và anh đã ghi lại những hình ảnh con người tàn sát thiên nhiên một cách không thương tiếc và lắng nghe những câu chuyện rùng rợn về vấn đề này.

Một bức ảnh từng được đăng trên nhiều báo, ngành kiểm lâm từng xin để… làm biểu tượng đau đớn: ba mẹ con nhà vọoc cùng chết vì một cái bẫy ở đỉnh Nâm Ninh, tỉnh Đắc Nông (Ảnh do nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chụp)
 Một bức ảnh từng được đăng trên nhiều báo, ngành kiểm lâm từng xin để… làm biểu tượng đau đớn: ba mẹ con nhà vọoc cùng chết vì một cái bẫy ở đỉnh Nâm Ninh, tỉnh Đắc Nông (Ảnh do nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chụp)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tâm sự: Trong một lần tác nghiệp, khám phá đỉnh núi Nâm Nung (đỉnh núi cao nhất của tỉnh Đăk Nông) cùng với một số lãnh đạo của tỉnh Đăk Nông tôi đã chứng kiến một nỗi đau tột cùng của ba mẹ con nhà vọoc đã ôm nhau chết trong rừng. 
Nguyên nhân cái chết là do voọc mẹ đi kiếm ăn bị trúng bẫy của cánh thợ săn kẹp “tay”, đành nằm ôm gốc cây chờ chết... Bẫy được cánh thợ săn tự chế bằng dây phanh xe đạp, xe máy buộc thòng lọng ở tán cây rừng, rồi đào hố, thả thức ăn vào đó để nhử. Bất kỳ con gì thò “tay” bốc thức ăn đều bị thòng lọng dây phanh “nắm lấy”, thít chặt rồi giữ rịt cho đến chết. Con vật rồi sẽ chết vì đói.
Mỗi sợi phanh xe đạp cũ, nhưng kẻ giết rừng có thể chế ra một cái bẫy. Và, con voọc mẹ này đã trúng bẫy rồi bị trói tay treo lơ lửng trên cây. Hai chú voọc con có thể là quá đau lòng cho voọc mẹ xấu số nên đã nằm phủ phục dưới chân mẹ và chết dưới cái bụng đói lả của mẹ.

Hoặc cũng có thể là con voọc mẹ bị treo tay mắc bẫy khi đang còn căng bầu sữa nuôi hai con nhỏ, mỗi đứa con chỉ to hơn... bắp ngô răng ngựa một chút. Hai voọc con khát sữa, đói sữa đã nằm phủ phục dưới bầu vú bị treo lơ lửng dọc thân cái cây đã trói chết mẹ nó.
Trong quá trình tác nghiệp, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện chặt óc khỉ rồi vắt chanh vào óc ăn sống. Ngày xưa tôi đã làm những loạt bài phóng sự về nơi có nhiều khỉ nhất Hà Nội hiện nay là Đầm Long (Ba Vì), ở đây có món thực đơn là thịt khỉ. Tôi đã đăng trên báo Lao động từ ba năm nay nhưng không bị kiện vì những gì tôi đăng là sự thực.
Tôi có cả băng ghi âm, cả hóa đơn món thịt khỉ và những hình ảnh sát hại khỉ trên bàn nhậu (tất nhiên là không phải do tôi ăn). Sự thật là ở đấy người ta có nuôi khỉ và thịt, con khỉ nào bị thịt cũng dã man như con vọoc vừa rồi được báo chí đưa, có điều là chúng ta không quay được clip mà thôi.
Con voi khổng lồ và rất gắn bó với con người này đã bị giết chết ở huyện Lak, tỉnh Đắc lắc
Con voi khổng lồ và rất gắn bó với con người này đã bị giết chết ở huyện Lak, tỉnh Đắc lắc
Nhưng chuyện này còn rất nhỏ so với chuyện tày trời như là giết voi nhà. Con voi nhà là một con vật gắn liền với con người như một thành viên trong gia đình. Khi nó sinh ra là có một lễ cúng, trưởng thành có một lễ cúng, giao phối có một lễ cúng, đẻ con có một lễ cúng… và nó có một phả hệ như con người. Thế nhưng bây giờ người ta đối xử với nó như thế nào?
Cái nghề săn bắt và thuần dưỡng voi ở Đăk Lăc là một nghề cực kì độc đáo trên toàn thế giới này. Trong lịch sử, con voi cũng gắn liền với bao chiến công hào hùng của dân tộc. Thế nhưng chỉ vì chiếc ngà voi người ta giết voi, vì chiếc nhẫn lồng đuôi voi người ta cũng giết voi… Voi nhà bị tàn sát đến mức khủng khiếp khiến số lượng bây giờ chỉ chưa đầy 50 con. Nó giảm mất 9/10 trong vòng 20 năm qua. 
Voi bị giết nhiều đến mức, có một gia đình ở Đăk Nông thành lập cả nghĩa địa voi để chôn cất những con voi của mình đã bị sát hại. Có những con voi đã bị giết bởi 270 nhát chém, sau đó bị đốt đuôi, đập vỡ đầu. Cuộc hành quyết con voi đó cực kì dã man.

Khi con voi chết, lực lượng quân đội phải cầm súng đứng gác xung quanh con voi vì nếu không người ta sẽ đến xẻ thịt con voi để bán. Chính những ông chủ của con voi đó đã phải bí mật đào hố để chôn voi dưới sự giám sát của cơ quan chức năng vì nếu không sẽ bị người ta đào xác lên.

Tôi đã từng gắn bó nhiều với loài voi nên tôi biết, nó khôn như con người ấy. Một con vật khôn như vậy thì nó nghĩ gì trước khi nó chết, nó đau như thế nào trước khi nó chết và người chủ con voi và du khách sẽ đau như thế nào khi nó chết?
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng chia sẻ những thực trạng đáng buồn về việc bảo vệ động vật của các cơ quan chức năng. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này…
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, tại Ba Vì. Tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, hiện là phóng viên báo Lao động. Đã xuất bản 15 cuốn sách, trong đó một tập truyện ngắn, một tập truyện vừa, một tập tạp văn (in cùng em trai); và 12 tập bút ký, phóng sự: Trần gian còn một thứ nghề, Ký sự đồng rừng, Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha, Nến cong và lửa thẳng,… Đã công tác tại các cơ quan báo chí: Tạp chí Thanh Niên, báo Thanh Niên, Báo An ninh Thế giới, báo Lao Động. Đoạt 2 giải Báo chí Quốc gia và nhiều giải thưởng báo chí, văn chương khác.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng


Tham gia thỉnh giảng môn phóng sự, bút ký, phóng sự điều tra ở một số trường Đại học, cơ quan báo chí ở Hà Nội và nhiều Hội Báo chí, các Đài PTTH, Báo các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời là cố vấn dự án, thiết kế các chương trình Hành trình Việt Nam xanh.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về lên án nạn săn bắt và giết hại động vật hoang dã theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY. Tòa soạn sẽ đăng tải ý kiến và phản hồi ngay với độc giả.
(Ghi theo lời kể của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)
Nguyễn Tiến