Nhiều điểm chưa rõ trong vụ án “bảo mẫu” khiến cháu bé chấn thương sọ não

29/03/2017 08:45
An Nguyên
(GDVN) - Gia đình cháu bé cho rằng, vết thương nặng ở đầu phải do ngoại lực tác động mạnh chứ không thể là ngã từ trên nôi xuống đất.

Chiều ngày 27/3, Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Tố Vững (sinh năm 1981, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về tội: “vô ý gây tổn hại cho sức khỏe người khác”.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Liên Chiểu, mặc dù không có chứng chỉ hành nghề do cơ quan nhà nước cấp nhưng Vững vẫn nhận trông giữ trẻ trái phép tại nhà riêng.

Bị cáo Vững tại phiên tòa. Ảnh: CTV
Bị cáo Vững tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Ngày 18/7/2016, Vững nhận giữ cháu Lương Công C. (sinh năm 2015, con của anh Lương Công Th., trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) và để cháu bé ngủ trong nôi rồi bỏ đi rửa chén.

Nhiều điểm chưa rõ trong vụ án “bảo mẫu” khiến cháu bé chấn thương sọ não ảnh 2

Nỗi ám ảnh của một cô giáo từng bị bạo hành khi là trẻ mầm non

(GDVN) - Ngày tôi học mầm non, chính tôi cũng là nạn nhân của các vụ bạo hành đến từ các thầy cô. Điều này đã in đậm trong tâm trí mặc dù khi đó tôi còn rất nhỏ...

Cháu C. không có ai trông coi nên tỉnh giấc và ngã từ trên nôi xuống đất. Sau đó, Vững gọi điện cho vợ chồng anh Th. đến đón con về.

Tại đây, anh Th. phát hiện con trai nằm bất động, mắt trợn ngược nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hậu quả khiến bé C. bị chấn thương sọ não, thương tích 74%.

Tại phiên tòa, anh Th. không đồng tình với quan điểm truy tố tội danh của Viện kiểm sát mà cho rằng, phải truy tố Vững về tội “cố ý gây thương tích” mới đúng.

Lý giải điều này, anh Th. nói, nếu con trai ngã trên nôi xuống đất thì không thể dẫn đến thương tích nặng như vậy. Vì khoảng cách từ nôi xuống đất rất ngắn, chỉ khoảng 60cm.

Ở đây, phải do một ngoại lực tác động mạnh như va đập vào tường mới gây chấn thương sọ não, phù não, nứt vỡ xương sọ…

Tuy nhiên, bị cáo Vững khai rằng, sau khi cho cháu C. ăn xong thì đặt vào nôi để ru ngủ. Thấy cháu bé đã ngủ nên bị cáo đi ra phía sau rửa chén.

Được 15 phút thì nghe tiếng “bịch” nên chạy lên xem thì thấy cháu C. bị ngã nằm bất tỉnh giữa nhà, mắt trợn ngược nên gọi điện báo tin cho gia đình.

Vững cũng nhiều lần khẳng định là cháu C. ngã từ nôi xuống chứ không hề có chuyện đánh đập, bạo hành.

Gia đình nạn nhân cũng đặt nghi vấn là cháu bé có thể đã bị tai nạn nhiều giờ trước đó nhưng không được đưa đi cấp cứu kịp thời, dẫn đến tình trạng chết lâm sàng.

Ngoài ra, cách đó mấy ngày, giữa vợ chồng anh Th. và Vững có xảy ra mâu thuẫn, xích mích về chuyện trông giữ con cái.

Hội đồng xét xử cũng đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề trách nhiệm của “bảo mẫu” trong việc trông giữ trẻ. Sự lơ là, thiếu quan tâm của Vững đã dẫn đến thảm kịch cho một cháu bé chưa tròn 2 tuổi.

Trong vụ án này, vẫn còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, lời khai của bị cáo có sự mâu thuẫn.

Cụ thể, Vững khai cháu C. có thể vịn nôi đứng dậy dẫn đến ngã xuống đất nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nạn nhân đứng vịn nôi.

Bị cáo khai tại thời điểm cháu C. ngã, trong nhà còn có con ruột 10 tuổi chứng kiến. Nhưng trong hồ sơ vụ án không thể hiện điều này mà chỉ có lời khai của một mình Vững.

Phía gia đình bị hại cũng khai nhiều lần phát hiện dấu vết thâm tím trên cơ thể con và báo lại nhưng Vững không trả lời.

Phiên tòa diễn ra đến đầu giờ chiều cùng ngày thì thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) thông báo tạm hoãn phiên tòa để bổ sung một số vấn đề liên quan.

Có mặt tại phiên tòa, chị Ngô Thị Y. (mẹ cháu C.) chia sẻ, mặc dù đã qua nhiều lần phẫu thuật nhưng cháu C. vẫn phải sống “đời sống thực vật”, mất hết khả năng nhận biết.

Cuộc sống của gia đình càng thêm chồng chất khó khăn khi phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc cho con. Chị Y. mong muốn Tòa xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, đòi lại công bằng cho con nhỏ.

An Nguyên