Nhiều người dân ở Sầm Sơn cảm thấy xấu hổ vì nạn chặt chém du khách

26/07/2012 10:17
H.T (Tổng hợp)
(GDVN) - "Người bán hàng ở Sầm Sơn có thể mời như van xin mình mua một thứ gì đó, nhưng ngay sau đó lại đỏ mặt lên chửi thẳng vào mặt mình để đòi thêm tiền của chính món hàng này...”, độc giả Đăng Quang chia sẻ.
Báo Giáo dục Việt Nam vừa đăng tải loạt bài phản ánh về tình hình phục vụ cũng như nạn chặt chém khách tại bãi biển Sầm Sơn thì cũng đồng thời nhận được hàng loạt ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Như một số bài viết đã đăng tải, ở bài viết này tòa soạn cũng xin trích dẫn những chia sẻ của độc giả về khu du lịch mà cứ mỗi lần nhắc đến người ta lại lên án gay gắt và ngao ngán lòng...
Từ dịch vụ chặt chém đến tệ nạn mại dâm
Dẫu biết tình trạng chặt chém khách du lịch và mại dâm là hai tệ nạn thường thấy ở hầu hết các khu du lịch tại Việt Nam. Nhưng để đến nỗi độc giả phải lên  mặt báo kêu than thì có lẽ không ở  đâu tiếng tăm như  đi du lịch ở Sầm Sơn.

Không chỉ là khách du lịch mà còn là người đã từng sống và công tác tại mảnh đất này, độc giả Đăng Quang ở địa chỉ email quangtdg@... cho biết: “Tôi đã công tác vài năm ở Thanh Hóa. Vì vậy, cũng nhiều lần ra Sầm Sơn cùng anh em bạn bè, đồng nghiệp. Không giống với các khu du lịch khác, bất cứ mua gì hoặc sử dụng dịch vụ gì đều phải mặc cả trước, nếu không sẽ bị "chém đẹp".

Người ta có thể mời như van xin mình mua một thứ gì đó, nhưng ngay sau đó lại đỏ mặt lên chửi thẳng vào mặt mình để đòi thêm tiền của chính món hàng này. Tôi coi đó là không có liêm sỉ nên tôi cũng chẳng mấy khi mua gì tại đây mỗi khi đi tắm Sầm Sơn.

Đền Cô Tiên tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Internet
Đền Cô Tiên tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, những người dân ở đại phương này lại không mấy khi gặp hoàn cảnh đó, hoặc có thì cũng dễ dàng đi đến thống nhất vui vẻ. Chúng tôi thường để các anh em ở nơi đây đứng ra trả tiền cho cả đoàn, như thế sẽ nhanh gọn và giá cả cũng hợp lý.

Tôi tin rằng nhiều người qua du lịch ở biển Sầm Sơn sẽ không muốn quay lại nữa. Nhưng tôi sợ rằng nhiều người (bây giờ đã rất nhiều rồi) khi nghe thấy đi biển Sầm Sơn là lại cảnh giác cao độ.


Không những bị “chặt chém” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, độc giả Nguyễn Quang Sơn còn chia sẻ với tòa soạn về chuyến đi còn gặp nhiều tại nạn tại bãi biển này: “Tôi suýt chết ở Sầm Sơn năm 2008 theo đúng nghĩa đen của từ này. Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy lạnh sống lưng. Đi tắm ở dưới bãi biển thì sụt cát rồi bị sóng ngầm cuốn ngược ra... , may mà biết bơi một chút không thì đã làm mối cho thần độc cước. Lúc ở trên bờ uống nước, dù đã mặc cả trước rồi nhưng vẫn bị chủ quán cho con trai vác dao đòi tiền như trấn cướp. Nếu không có bạn bè tôi can thì đã ăn dao của tụi nó. Tình cảm của tôi với khu du lịch này đã chết khi bị "chặt chém" từ năm đó rồi”. 
Nạn mại dâm tại khu du lịch này cũng nhan nhản không kém gì các dịch vụ chặt chém khác. “Tôi đến đây du lịch cũng từng bị chèo kéo, gạ gẫm, nhưng không đi. Một anh trong đoàn có hơi men nghe theo tay xe ôm về mất cả ví, đồng hồ, vừa xấu hổ mà không biết kêu ai, nên nhắc đến Sầm Sơn là đã sợ rồi” – chia sẻ của độc giả Nguyễn Lâm.

Dẫu biết là tệ nạn chung nhưng để đến nỗi khách du lịch phải thốt lên rằng: “Hết chặt chém khách lại đến mại dâm, không biết đây có phải là điểm du lịch hay là gì nữa.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Lộ liễu đến thế là cùng, cứ hễ ra đường là được mồi chài gái, sợ quá không biết mấy bác lãnh đạo quản lý ở đây có biết không?” như độc giả Hoàng Yến thì thật buồn quá Sầm Sơn ơi!
Sầm Sơn -  sự "xấu hổ" của những người làm du lịch?

Bên cạnh những phản ánh gay gắt về những vấn nạn ngang nhiên tồn tại và lộng hành tại bãi biển này thì cũng có một số ý kiến phản hồi của độc giả cảm thấy tiếc nuối và xấu hổ thay cho một khu du lịch đẹp và nổi tiếng. Đó không chỉ là suy nghĩ chung của nhiều độc giả ở các vùng miền khác mà còn là suy nghĩ chung của chính con người bản địa.


“Tôi là người con Thanh Hoá, thật buồn khi đọc những bài của du khách nói về cung cách phục vụ ở Sầm Sơn (tôi nghĩ là du khách không nói sai). Tôi thấy ở bãi biển Cửa Lò lại được nhiều người rất khen dịch vụ ở đây.

Từ đầu mùa hè nghe nói UBND thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa đã chấn chỉnh cách phục vụ, du khách đã mừng, ai dè vẫn như cũ. Vậy chính quyền thị xã Sầm Sơn đã làm gì? tại sao không tập trung giải quyết vấn nạn bắt chẹt khách để thu hút khách du lịch – một nguồn cung ngân sách đáng kể của địa phương?”, tâm sự của độc giả Lê Hùng ở địa chỉ email hoang.lv.59@...

Bãi biển Sầm Sơn tuyệt đẹp với làn nước trong xanh (Ảnh: Internet)
Bãi biển Sầm Sơn tuyệt đẹp với làn nước trong xanh (Ảnh: Internet)

Buồn và xấu hổ nhưng không che giấu, không ngụy biện cho cách làm du lịch đầy tai tiếng của quê hương mình, độc giả Lưu Đức Hanh ở địa chỉ email hanhld.jsc@... bày tỏ: “Tôi là người Thanh Hóa nhưng tôi đồng tình với việc tẩy chay cách làm du lịch theo kiểu chặt chém của một bộ phận người dân Sầm Sơn vì tôi thấy xấu hổ lắm. Không phải tôi nghe nói mà đã bị xử sự như các bạn đã nêu trong thời gian gần đây. Xấu hổ lắm! Tẩy chay đến khi nào từ quản lý đến ý thức của dân thật sự tử tế lúc đó mới xem xét. Cứ để xem họ làm du lịch với ai nữa”.

“Tôi là một người dân Thanh Hóa nhưng cũng cảm thấy xấu hổ cho cái cách làm ăn kinh doanh theo kiểu chộp giật của một số chủ kinh doanh. Làm thế thì đến bao giờ mới mở mắt ra được? Làm sao mà thu hút được nhiều khách đến với Sầm Sơn?” – chia sẻ của độc giả Nguyễn Văn Hạnh.

Tự hỏi, nếu cứ làm ăn thế này thì trong tương lai Sầm Sơn liệu có còn tồn tại trong lòng du khách với danh nghĩa là khu du lịch đẹp của miền Bắc nữa hay không?
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
H.T (Tổng hợp)