Nhìn lại an ninh ở các bệnh viện sau vụ bắt cóc trẻ sơ sinh

13/11/2011 06:29
Thành Chung (tổng hợp)
(GDVN) - Quy trình giao, nhận, bảo vệ trẻ sơ sinh ở các khoa, phòng trong một số bệnh viện còn quá dễ dãi là điều kiện cho nhiều kẻ thực hiện hành vi xấu.
Vụ án cháu bé sơ sinh con của vợ chồng anh Chiều, chị Thơm (quê Hưng Yên) bị bắt cóc ngay trong chính bệnh viện (BV) Phụ sản T.Ư trong những ngày qua đã làm xôn xao dư luận về tính chất, thủ đoạn thực hiện hành vi của đối tượng đồng thời cũng cho thấy sự lỏng lẻo, dễ dãi, trong quy trình giao nhận, bảo vệ trẻ sơ sinh ở các khoa, phòng trong một số bệnh viện hiện nay.Dễ dàng tiếp cận trẻ sơ sinh Trong vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản T.Ư vừa qua, sau khi sinh bằng phương pháp mổ đẻ  vào đêm 2/11, chị Thơm và cháu bé được chăm sóc rất cẩn thận. Người thường xuyên túc trực bên hai mẹ con là cô em gái Trần Thị Dịu. Khoảng 10 giờ 30 ngày 3/11, một phụ nữ chừng 30 tuổi mặc áo blouse trắng, đầu đội mũ lưới màu xanh của bệnh viện, đeo thẻ đến hỏi han rồi bảo đưa cháu Trường đi xét nghiệm.

Quy trình giao, nhận, bảo vệ trẻ sơ sinh tại một số bệnh viện còn dễ dãi, lỏng lẻo là điều kiện cho nhiều đối tượng thực hiện hành vi xấu.
Quy trình giao, nhận, bảo vệ trẻ sơ sinh tại một số bệnh viện còn dễ dãi, lỏng lẻo là điều kiện cho nhiều đối tượng thực hiện hành vi xấu.
Chị Dịu đòi đi theo nhưng người này bảo người nhà ở lại. Trong khi phòng lấy máu làm xét nghiệm ở hành lang trước nhưng phụ nữ này lại bế cháu bé đi lối hành lang sau nên chị Dịu thấy nghi ngờ. Tuy nhiên, vì thấy “vị bác sĩ” này rất dứt khoát nên chị không dám đi theo nữa. Và rồi cháu Trường bị mất tích luôn từ đó. Thông tin về sự việc lập tức được báo lên lãnh đạo bệnh viện và cơ quan công an. Khi trả lời PV báo GDVN, ông Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BV Phụ sản T.Ư đã khẳng định, đây là sự việc cực kỳ hi hữu vì từ 50 năm qua kể từ khi thành lập, bệnh viện nơi đây chưa từng xảy ra sự việc nào đáng tiếc như vậy. Cũng như vậy, theo ghi nhận PV báo Tuổi trẻ, tại khu sinh dịch vụ (khu A) BV Hùng Vương (TP.HCM), trong các ngày cuối tuần có rất nhiều sản phụ cùng trẻ sơ sinh phải nằm trên các giường kê dọc hành lang các khoa hậu sản, hậu phẫu. Có nhiều giường, bà mẹ và người thân đều ngủ say đến nỗi  khi PV dừng lại bàn tán ngay bên cạnh trong thời gian khá lâu mà chẳng ai hay biết. Những người lạ mặt như PV có thể vào khu vực các khoa phòng nhưng không một lần có ai "hỏi thăm". PV cũng cho biết, mình có thể dễ dàng đến sát giường bệnh của sản phụ và trẻ sơ sinh trong các phòng hay các giường ở hành lang. Điều này cũng diễn ra tương tự tại khu sinh bảo hiểm (khu B) của Bệnh viện.
Cháu Phạm Xuân Hà đã trở về bên vòng tay của người thân
Cháu Phạm Xuân Hà đã trở về bên vòng tay của người thân
Trong khi đó, tại BV Phụ sản Hà Nội, BV ĐH Y Hà Nội, khoa sản BV Việt - Pháp, BV Từ Dũ (Tp. Hồ Chí Minh)... quy trình chăm sóc trẻ, thai phụ và cho trẻ xuất viện từ trước tới nay rất chặt chẽ. Khi nhân viên đưa trẻ đi đâu cũng đều phải có mẹ hoặc người nhà của bé đi cùng... Trả lời trên Vnexpress, bà Bùi Thị Chút, Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, từ trước tới nay, bệnh viện đã luôn đề cao cảnh giác và thực hiện việc giám sát chặt chẽ an ninh trong viện, nhất là khu có trẻ sơ sinh. Ngoài ra, bệnh viện cũng quy định, khi nhân viên y tế bế trẻ đi làm xét nghiệm hay tiêm thì đều phải có một người nhà đi kèm, vừa để đảm bảo an toàn, vừa hỗ trợ khi cần. Việc này cũng được phổ biến với người nhà bệnh nhân để họ nắm rõ. 
Vô tư đưa con trở về
Cũng trong vụ việc cháu bé Phạm Văn Trường (cháu bé bị bắt cóc đã đổi tên thành Phạm Xuân Hà) con của anh chị Chiều Thơm (Hưng Yên) bị bắt cóc vào ngày 3/11 cũng đã cho thấy vấn đề dễ dãi trong quy trình ra viện tại BV Phụ sản T.Ư. Đối tượng Nguyễn Thị Lệ đã vô tư bế cháu Trường từ khoa, ra khỏi cổng bệnh viện mà không vấp phải bất cứ sự "hỏi han" giấy tờ nào từ lực lượng bảo vệ được đánh giá là khá đông của bệnh viện. Và cho  đến ngày 6/11, 3 ngày sau khi cháu Trường bị bắt cóc, quy trình ra viện của các sản phụ vẫn  rất dễ dãi, lỏng lẻo. Theo ghi nhận của Tuổi trẻ và Vnexpress, trong sáng ngày 5/11 và chiều chủ nhật ngày 6/11, vẫn có rất nhiều sản phụ bế con ra khỏi cổng bệnh viện mà không hề phải xuất trình bất cứ một giấy tờ gì cho bảo vệ. Một gia đình sản phụ bế một bé gái ra viện về Thường Tín (Hà Nội), người mẹ trẻ cho hay gia đình đã tạm nộp viện phí 3,5 triệu đồng nên hôm nay ra viện không phải trình bất kỳ giấy tờ gì. Cùng thời điểm này, một gia đình khác với bốn người nhà và sản phụ cũng bế em bé mới sinh đi ra cổng phía đường Tràng Thi, nơi chiếc xe bảy chỗ đang đợi sẵn. Người bố trẻ cho hay bé sinh hôm 2-11 và hôm nay đợi đến “giờ đẹp” là ra về, hai ngày nữa mới quay lại làm thủ tục ra viện. “Từ tầng 5 bệnh viện ra đến đây không thấy ai hỏi gì” - ông bố trẻ nói. Chính bác sỹ Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thừa nhận với PV báo GDVN, sự việc mất bé sơ sinh xảy ra cũng một phần do chủ quan từ bệnh viện. Lâu nay bệnh viện cũng không có quy định kiểm tra giấy tờ xuất viện khi đưa bé ra cổng. “Quy trình này, chúng tôi làm bao nhiêu năm rồi mà đây là lần đầu tiên xảy ra mất bé”, bà Lan nói.

Đối tượng Nguyễn Thị Lệ bị bắt giữ và đưa về trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra.
Đối tượng Nguyễn Thị Lệ bị bắt giữ và đưa về trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra.
Trong khi đó tại BV Phụ sản Hà Nội, bất cứ ai bế trẻ ra khỏi viện đều bị chặn lại trước trạm bảo vệ ngoài cổng và phải trình đủ giấy ra viện, giấy chứng sinh. Trường hợp muốn ra viện sớm “theo giờ thầy xem” chỉ được chấp nhận khi sức khỏe cả mẹ con đảm bảo, được khoa cấp cho một tờ “giấy ra cổng” có chữ ký của đại diện khoa. “Bảo vệ sẽ giữ lại tờ giấy này, nếu không may có chuyện, người ký trên giấy sẽ chịu trách nhiệm” - TS Nguyễn Huy Bạo, giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, cho biết. Còn tại BV Từ Dũ (TP HCM) khi sản phụ hoặc bất cứ trẻ sơ sinh nào ra ngoài bệnh viện cũng đều phải trình giấy xuất viện có chữ ký của bác sĩ thì bảo vệ mới cho ra ngoài. Dù sau 5 ngày bị bắt cóc cháu bé Phạm Xuân Hà đã được lực lượng công an tìm thấy và trở về với bố mẹ Chiều Thơm, BV Phụ sản T.Ư an toàn trong ngày 8/11, kẻ bắt cóc, giả danh nhân viên bệnh viện  Nguyễn Thị Lệ cũng đã bị bắt giữ. Nhưng những lỏng lẻo, dễ dãi trong quy trình giao, nhận, bảo vệ trẻ sơ sinh vẫn đang là vấn đề đặt ra không chỉ với riêng BV Phụ sản TƯ mà còn với nhiều BV khác. Liệu có còn những trường hợp tương tự như trường hợp của trên xảy ra?. Đó là câu hỏi được đặt ra không chỉ của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà còn của tất cả các bệnh viện trên cả nước. Tăng cường kiểm tra, rà soát loại toàn bộ quy trình giao, nhận, bảo vệ trẻ sơ sinh cũng như đảm bảo an ninh, kiểm soát chặt chẽ việc xuất viện của sản phụ và trẻ, có lẽ chính là một liều thuốc hiệu quả trong lúc này với các bệnh viện.
Thành Chung (tổng hợp)