"Nhóm người giết hại khỉ mang thai đã vi phạm luật pháp trắng trợn"

19/07/2012 10:10
Nam Phong
(GDVN) - Hiện nay, ở Việt Nam, tình trạng xâm hại động vật hoang dã (ĐVHD) còn rất phổ biến bởi nhận thức của người dân còn hạn chế. Hằng năm có hàng nghìn vụ việc xâm hại, săn bắn, buôn bán, tàng trữ ĐVHD trái phép được phát hiện và xử lý.

Xung quanh sự việc mà báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải về những bức ảnh trong trang Facebook có tên Quang Nguyen Van (Được ghi địa chỉ trong facebook là người ở Quảng Nam) ghi lại toàn bộ quá trình bắt, “hành hạ” và giết thịt một con khỉ một cách hết sức dã man.

Ngay lập tức những bức ảnh này đã bị cộng đồng mạng lên án vì hành động vô cảm. Trước khi giết con khỉ, một số thanh niên đã dùng dây trói chặt tay và chân con khỉ đang mang thai lại và nhét vào miệng điếu thuốc lá sau đó thi nhau chụp ảnh.

Những hình ảnh về việc giết hại hai con voọc chà vá chân xám được chia sẻ khắp các diễn đàn và hàng ngàn người bình luận lên án hành vi của Quang. (ảnh chụp lại màn hình.
Những hình ảnh về việc giết hại hai con voọc chà vá chân xám được chia sẻ khắp các diễn đàn và hàng ngàn người bình luận lên án hành vi của Quang. (ảnh chụp lại màn hình.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả trong và ngoài nước bày tỏ thái độ phẫn nộ, bức xúc với hành vi tàn bạo, dã man của nhóm thanh niên kể trên. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Việt Hưng – Phó GĐ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) xung quanh vấn đề này.

Vi phạm luật pháp một cách trắng trợn.

Ông Trần Việt Hưng – Phó GĐ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) chia sẻ về việc một số thanh niên giết hại hai chú khỉ (voọc chà vá chân xám) rồi đăng hình ảnh lên mạng khiến dư luận hết sức bất bình: “Hành động của cá nhân thành viên mạng Facebook Quang Nguyen Van và những thanh niên kia đã vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn Điều 190 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009.

Sở dĩ nói “vi phạm trắng trợn” bởi cậu ta đã không những giết hai con voọc chà vá chân xám mà còn đưa những hình ảnh cậu ta và đám bạn thích thú với việc giết hại hai con vật thuộc loài động vật hoang dã (ĐVHD) có nguy cơ tuyệt chủng cao lên chia sẻ trên mạng.”

Với hành vi ấy, các cơ quan thực thi luật pháp hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự.

Sự việc đã cho thấy sự vô nhân tính, coi thường pháp luật của người này. Hành vi đó đã phải nhận sự phản đối kịch liệt của dư luận xã hội. Điều này được chứng minh bằng việc đã có hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận lên án hành vi vi phạm luật pháp của cậu ta. Ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, sự việc được báo chí phản ánh trong mấy ngày gần đây cho thấy sự vô cảm không thể chấp nhận được của người thanh niên này và nó cần phải được lên án, cần được các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm minh theo quy định của luật pháp.

Việc xâm hại ĐVHD ở Việt Nam còn phổ biến và phức tạp

Theo ông Hưng, hiện nay, tình trạng xâm phạm tới ĐVHD ở Việt Nam còn rất phổ biến và phức tạp dù pháp luật vẫn có quy định về bảo vệ các loài ĐVHD (nếu như không muốn nói là hầu như không có ý nghĩa).

Việc đem chuyện giết hại hai con voọc thuộc danh mục của sách đỏ Việt Nam đã vi phạ nghiêm trọng và trắng trợn luật pháp.
Việc đem chuyện giết hại hai con voọc thuộc danh mục của sách đỏ Việt Nam đã vi phạ nghiêm trọng và trắng trợn luật pháp.

Hằng năm, có tới hàng ngàn vụ xâm hại ĐVHD bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, những con số này chưa phản ánh hết thực tế của việc xâm hại ĐVHD ở Việt Nam. Theo đánh giá chủ quan của anh Hưng thì nó mới chỉ chiếm khoảng 20% trên thực tế.

Qua đường dây nóng miễn phí 18001522, từ năm 2005 tới nay, đã có khoảng 5.000 vụ việc được người dân gọi tới thông báo về các vụ việc xâm hại ĐVHD. Những vụ việc này được ENV thông báo tới các cơ quan hữu quan và cùng điều tra làm rõ, xử lý.

Hiện nay, theo thông tin từ ENV cho hay, việc vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD rất phổ biến, ngay như ở những nhà hàng, thực đơn vẫn quảng cáo về các món được chế biến từ ĐVHD. Theo ông Hưng, việc này có thể bị xử phạt hành chính tới 1 triệu đồng.

Mặc dù hiện nay, nhận thức của bộ phận giới trẻ về việc bảo vệ ĐVHD đã được nâng cao rất nhiều, người dân đã bước đầu có ý thức. Bằng chứng là việc người dân đã gọi điện tới đường dây nóng phản ánh các vụ việc và đặc biệt trong trường hợp này, đã có hàng ngàn người lên án hành vi giết hại hai con voọc chà vá chân xám. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận lớn người dân chưa có ý thức bảo vệ ĐVHD, chưa được biết tới việc phải bảo vệ ĐVHD như thế nào.

Ở Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 100 cá thể voọc chà vá chân xám, phân bố chủ yếu ở 5 tỉnh Nam Trung bộ.
Ở Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 100 cá thể voọc chà vá chân xám, phân bố chủ yếu ở 5 tỉnh Nam Trung bộ.

Bên cạnh đó, dù Việt Nam đã có hệ thống quy phạm pháp luật về việc bảo vệ ĐVHD, nhưng từng đó là chưa đủ, và đặc biệt là việc thực thi pháp luật ở nước ta chưa có hiệu quả.

Tại các nước phát triển, việc bảo vệ ĐVHD được người dân rất coi trọng và hiểu rõ về tầm quan trọng của nó. Nhiều trường hợp, những cá thể ĐVHD bị chết và được phát hiện đã được thông báo tới cơ quan chức năng tới xử lý và đưa xác về bảo tang. Không người nào giết mổ ĐVHD để chế biến thành các món ăn như ở Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam, việc xuất hiện tên các loài ĐVHD trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn là không ít – ông  Hưng chia sẻ.

Những chuyên viên của ENV cho hay, qua những hình ảnh được đăng tải trên trang mạng xã hội của thành viên Quang Nguyen Van là voọc chà vá chân xám thuộc loài linh trưởng. Nó được sếp trong danh sách những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo quy định của Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thì voọc chà vá chân xám này thuộc nhóm 1B với các loại động vật như hổ, gấu, hổ mang chúa… (nghiêm cấm toàn bộ những hành vi săn bắn, nuôi, nhốt, giết mổ…). Loài voọc này phân bố chủ yếu trên địa bàn từ Quảng Nam tới Kon Tum.

Hiện nay, loài voọc chà vá chân xám là 1 trong số 25 loài linh trưởng đang bị nguy cấp nhất trên thế giới. Các nhà khoa học tin rằng hiện chỉ còn chưa đầy 1.000 cá thể còn sống sót.

ENV là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên ở Việt Nam chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường. Với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về những vấn đề môi trường, liên quan tới việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, các hệ sinh thái… Nhằm nâng cao nhận thức công chúng về các vấn đề buôn bán động vật hoang dã với đường dây nóng miễn phí tiếp nhận thông tin từ tất cả mọi người về việc buôn bán, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD trái phép. Đây cũng là đơn vị thường xuyên làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng, theo dõi và điều tra các vụ việc cho tới khi kết thúc.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về lên án nạn săn bắt và giết hại động vật hoang dã theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Nam Phong