Những dấu hiệu bất thường trong vụ tố cáo giữ người trái phép tại tỉnh Hà Nam

26/02/2017 07:30
Diệu Linh
(GDVN) - Luật sư Phan Thị Hương Thủy cho biết, bà đã gửi đơn khiếu nại tới Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Nam theo điều 330 Bộ Luật tố tụng hình sự.

Sau khi Công an huyện Lý Nhân và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lý Nhân ra quyết định giải quyết tố cáo giữ người trái pháp luật tại Công ty Cổ phần Thương Mại Lý Nhân, Luật sư Phan Thị Hương Thủy (đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Nam theo điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy tiếp tục khiếu nại tới Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Nam.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy tiếp tục khiếu nại tới Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Nam.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy cho biết, quá trình xác minh và ra kết luận ở vụ việc này có nhiều dấu hiệu cần phải làm rõ:
 
Thứ nhất, để có căn cứ quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự nhiệm vụ của Cơ quan điều tra phải tiến hành mọi biện pháp mà pháp luật hình sự quy định để xác định sự thật. 

Nếu không tiến hành đầy đủ, bỏ sót chứng cứ, thu thập chứng cứ không đầy đủ, đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện mà đưa ra quyết định không khởi tố vụ án thì sẽ dẫn tới dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
 
Tại đơn tố cáo của tôi tố cáo ông Ngô Văn Tám và một số cổ đông có 3 hành vi: Giữ người trái pháp luật; Làm nhục người khác; Cưỡng đoạt tài sản.
 
Do đó, Cơ quan điều tra  cần phải chứng minh từng hành vi phạm tội và đồng thời phải làm rõ các dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan có liên quan đến hành vi đó. Nhưng trong kết luận xác minh thì chỉ chủ yếu nói về hành vi giữ người trái pháp luật còn 2 hành vi khác thì chỉ đề cập sơ sài, thiếu căn cứ, lập luận thuyết phục.

Tại bản kết luận xác minh tuy có nêu tôi và 2 con đã bị giữ lại không cho về lúc 12 giờ như kế hoạch tôi đã yêu cầu ban đầu và chúng tôi đã phải đi báo Cảnh sát 113 đến giải cứu, phải đem đơn tố cáo hành vi giữ người trái pháp luật đến công an để trình báo và công an huyện đã phải cử cán bộ đến hiện trường... cũng đã thể hiện trong kết luận.
 
Như vậy, chính cơ quan điều tra cũng đã xác định có việc giữ người ngoài ý muốn, không đúng thẩm quyền vì cho rằng tôi vẫn cần ở lại để lấy biên bản làm việc.
 
Kết quả xác minh cho thấy ngoài ông Ngô Văn Tám tại buổi họp có những người khác, nhưng lại không làm rõ tên, tuổi, địa chỉ, nhân thân của từng người và vai trò của họ tại cuộc họp.

Thứ hai, về khám nghiệm hiện trường: Điểm c khoản 3 điều 10 Thông tư liên tịch số 06 cũng quy định hoạt động kiểm tra xác minh sơ bộ ban đầu cũng phải tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Hoạt động này là quan trọng vì việc khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa của vụ án. Người bị hại có quyền được tham gia việc khám nghiệm hiện trường.

Nhưng trong bản kết luận xác minh của Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT thể hiện chỉ khám nghiệm phòng họp.

Như vậy là phiến diện không đầy đủ bởi vì hiện trường nơi xảy ra tội phạm không chỉ bó hẹp tại phòng họp mà cả khuôn viên tại địa chỉ 174 Trần Nhân Tông thuộc sở hữu của Công ty Lý Nhân.

Bất thường nữa là không mời chúng tôi là người tố cáo tham gia chứng kiến để trình bày ý kiến; không tiến hành đối chất, nhận dạng những người tham dự buổi họp, làm rõ hành vi giữ người, làm nhục và cưỡng đoạt tài sản.

Kết quả xác minh đã cho rằng không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật vì cửa ra vào phòng họp vẫn mở, nhưng lại không đề cập gì đến cổng bên ngoài đường đã bị khóa và chúng tôi cùng tài sản (xe ô tô) đã bị giam lỏng ở trong khuôn viên trụ sở công ty mà không thể đi ra ngoài đường để về Hà Nội, có nghĩa là quyền tự do dịch chuyển thân thể đã bị hạn chế trái pháp luật bởi những người không có thẩm quyền.

Thứ ba, về đánh giá chứng cứ: Tôi đã cung cấp các bức ảnh chụp cổng của Công ty Cổ phần Thương mại Lý Nhân; ảnh chụp quanh cảnh phòng họp của công ty (trên tường có đồng hồ, các bức ảnh đều có ghi thời gian chụp).

Qua bức ảnh chụp cổng tại số 174 Trần Nhân Tông cho thấy trong khuôn viên có 1 doanh nghiệp khác và khuôn viên của doanh nghiệp này đã được ngăn cách bằng 1 cánh cổng khác.

Do đó việc Cơ quan điều tra cho rằng Công ty Cổ phần Thương mại Lý Nhân đóng cổng chỉ để bảo vệ tài sản bên trong là không có căn cứ.

Các bản ghi âm đã cung cấp cho Cơ quan điều tra chứa đựng những lời lẽ - thể hiện hành động mà ông Ngô Văn Tám cùng một số cổ đông dùng để thực hiện hành vi làm nhục và cưỡng đoạt tài sản của tôi.

Căn cứ vào điều 74 Bộ luật hình sự, các tài liệu đồ vật này có dấu hiệu tội phạm nên cũng được coi là vật chứng để cơ quan điều tra xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm. Nhưng trong bản kết quả xác minh của Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Lý Nhân không đánh giá các tài liệu này.

Cơ quan điều tra cũng không yêu cầu ông Ngô Văn Tám cung cấp các băng ghi âm, video, ảnh chụp để xem xét đánh giá các chứng cứ một cách toàn diện, khách quan.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy tố cáo tới Công an huyện Lý Nhân đề nghị làm rõ ai đã khóa cổng Công ty Cổ phần Thương Mại Lý Nhân từ phía ngoài trong lúc bà và hai người con đang làm việc ở công ty? Ảnh do anh Nguyễn Tiến Thành (con rể bà Thủy) chụp lại khi phát hiện cổng bị khóa.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy tố cáo tới Công an huyện Lý Nhân đề nghị làm rõ ai đã khóa cổng Công ty Cổ phần Thương Mại Lý Nhân từ phía ngoài trong lúc bà và hai người con đang làm việc ở công ty? Ảnh do anh Nguyễn Tiến Thành (con rể bà Thủy) chụp lại khi phát hiện cổng bị khóa.

Thứ tư, về thu thập vật chứng: Tôi đã cung cấp các bức ảnh chụp cổng bị khóa – dấu hiệu rõ nhất của hành vi giữ người trái pháp luật, nhưng vật chứng (khóa và xích) đã không được Cơ quan điều tra thu thập và nêu trong kết luận xác minh.

Tôi cũng đã cung cấp ý kiến là trước đây cổng công ty Cổ phần Thương Mại Lý Nhân không bao giờ đóng và khóa cổng, nhưng lần này tôi đến thì thấy có hai cánh cổng sắt rất mới. Trong bản kết luận xác minh không đả động gì đến vật chứng quan trọng này, không xác định có phải là công cụ phạm tội không, thuộc sở hữu của ai…?

Thứ năm, về đối chất: Do lời khai của ông Ngô Văn Tám cùng một số cổ đông với tôi có mâu thuẫn (về thời gian ký biên bản, thời gian kết thúc làm việc) nhưng Cơ quan điều tra không cho hai bên đối chất. Do đó việc thể hiện thời gian trong bản kết quả xác minh phản ánh không đúng sự thật.

Ngoài ra, Luật sư Phan Thị Hương Thủy cho biết: “Tôi cũng đã đề nghị Công an xác minh ai gọi điện cho ông Hiển - cán bộ Công ty Cổ phần Thương mại Lý Nhân tham dự buổi họp ngày hôm đó, bởi vì sau cuộc điện thoại đó thì ông ông Hiển vào phòng nói mọi người phải có đơn báo công an tôi có biểu hiện lừa đảo thì mới khóa cổng giữ người giữ xe được. Nếu không làm đơn báo thì phải bắt buộc ra mở khóa cổng.

Một lúc sau thì cổng được mở ra và hai công an mới vào (trong đó có ông Phạm Văn Giang được Công an huyện Lý Nhân cử xuống hiện trường sau khi 113 trên tỉnh gọi xuống).

Việc xác minh ai đã gọi điện cho ông Hiển mở khóa cổng là hết sức cần thiết, vì đó là hành vi xóa dấu vết tội phạm cần truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng Công an huyện Lý Nhân không làm rõ chi tiết này.

Tôi cho rằng, bản kết luận xác minh dựa vào báo cáo của ông Phạm Văn Giang và Công an thị trấn Vĩnh Trụ để nói không có việc bắt giữ người trái pháp luật là không bào đảm nguyên tắc vô tư khách quan trong hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.

Ngay trong đơn tố giác ngày 17/10/2016, tôi đã đề nghị Công an tỉnh Hà Nam vào cuộc để đảm bảo khách quan, nhưng cho tới nay chưa nhận được văn bản trả lời của Công an tỉnh Hà Nam.

Với những dấu hiệu trên, tôi đề nghị Công an tỉnh Hà Nam xem xét lại vụ việc, nếu có dấu hiệu giữ người trái pháp luật thì phải xem lại quyết định không khởi tố của Công an huyện Lý Nhân”.

Diệu Linh