Những "lời khuyên" giúp ôsin tránh bị chủ nhà bạo hành

11/01/2012 07:10
Thành Chung
(GDVN) - Ngay từ đầu người giúp việc nên chủ động yêu cầu chủ nhà ký hợp đồng lao động và khi bị bạo hành cần phải mạnh dạn đứng lên tố cáo những hành vi đó...
Bên cạnh việc gióng lên những hồi chuông cảnh báo trong xã hội về tình trạng những người osin liên tiếp bị chủ nhà hành hạ, đánh đập một cách dã man, tàn nhẫn, các vụ việc này cũng đặt ra một vấn đề: vậy người osin cần phải làm gì để tránh bị chủ nhà bạo hành?. Và khi bị chủ nhà bạo hành thì cần phải làm gì?Chủ động yêu cầu được ký hợp đồng lao động Từ các vụ việc hành hung dã man người giúp việc xảy ra với bé Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán hàng bún phở ở Thanh Xuân (Hà Nội) hành hạ 13 năm trời, vụ cháu Hào Anh mới 14 tuổi, bị vợ chồng chủ trại tôm dùng những "hình cụ" dã man để đánh đập, đến vụ việc cô bé Nguyễn Thị G. bị bà chủ quán cạo đầu, xăm rết vào mặt, ngực và gần đây nhất là vụ bà Phạm Thị Phương (SN 1953, quê Ứng Hòa, Hà Nội) bị bà chủ nhà Tuyết Minh đổ nước sôi vào vùng kín, bắt ăn phân cháu...

Theo TS Bình: Ngay từ khi bắt đầu làm, người giúp việc cần chủ động yêu cầu chủ nhà được ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi hợp pháp. (Ảnh minh họa).
Theo TS Bình: Ngay từ khi bắt đầu làm, người giúp việc cần chủ động yêu cầu chủ nhà được ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi hợp pháp. (Ảnh minh họa).
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, chính từ việc không có hợp đồng lao động với những cam kết rõ ràng ngay từ đầu nên mới dẫn tới những trường hợp người giúp việc bị chủ nhà hành hung dã man như vậy. "Người giúp việc gia đình phải đòi hỏi minh bạch, công khai, thẳng thắn và phải có một hợp đồng lao động. Đó không phải dừng lại ở khía cạnh dân sự mà phải là hợp đồng lao động trong đó hàm chứa khía cạnh kiểm soát hành vi của cả hai phía, từ phía chủ lao động cũng như từ phía người cung cấp lao động, làm sao phải minh bạch, công khai về tiền lương, công việc, mối quan hệ xã hội, về sự ràng buộc, về ngày nghỉ... trước khi nói đến khia cạnh là người giúp việc gia đình, thậm chí còn có thể là một thành viên bổ sung của gia đình theo nghĩa nhân văn của thuật ngữ đó".Phải được đăng ký tạm trú Cũng về khía cạnh này, từ thực tế các vụ việc vừa qua, TS, Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân) đánh giá : "Người lao động trong một cơ quan còn có công đoàn, thanh niên, phụ nữ... nhưng đối với người giúp việc trong gia đình thì họ không hề được tham gia bất cứ tổ chức nào cả, vì vậy không ai đứng ra để bảo vệ quyền lợi của họ. Khi có sự việc xảy ra, thậm chí họ phải ngấm ngầm chịu đựng vì đồng lương của họ, thậm chí họ bị đe dọa nếu bỏ việc". TS Triển đưa ra lời khuyên: "Những người giúp việc khi đến làm tại gia đình nào thì nên yêu cầu chủ nhà phải đăng ký tạm trú tại địa phương. Khi bản thân đã tạm trú thì chắc chắn người giúp việc sẽ có sinh hoạt với cộng đồng như một công dân tại đó. Và nếu chẳng may có bị bạo hành thì cũng có được những chỗ dựa, chỗ kêu".Mạnh dạn tố cáo khi bị chủ nhà bạo hành Trong các vụ bạo hành người giúp việc gần đây, nạn nhân chủ yếu rơi vào trẻ em và người già (vụ em Bình, Hào Anh, bà Phương... - PV). Bởi đây là những nhóm đối tượng yếu thế và được cung cấp ít thông tin trong xã hội, nhận thức hạn chế và bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khác nhau nên việc tự giác tố cáo thường rất ít.

Người giúp việc và mọi người xung quanh nên mạnh dạn tố cáo những hành vi bạo hành của chủ nhà đến các cơ quan chức năng, để có biện pháp, hình thức xử lí nghiêm.
Người giúp việc và mọi người xung quanh nên mạnh dạn tố cáo những hành vi bạo hành của chủ nhà đến các cơ quan chức năng, để có biện pháp, hình thức xử lí nghiêm.
Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Tâm lí học Phạm Mạnh Hà, Giảng viên khoa Tâm lí, trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, trong những trường hợp này cần phải tăng cường sự hỗ trợ, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương, các đoàn thể và chính những người dân xung quanh để nếu phát hiện hành vi bạo hành có tính hệ thống, nghiêm trọng cần thông báo tới các cơ quan có trách nhiệm như chính quyền địa phương, cơ quan công an… Khi được thông báo, các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm, giải quyết triệt để, tiến hành theo dõi xem có tiếp tục tái phạm để có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn. Còn đối với những đối tượng đã trưởng thành, có khả năng nhận thức, tự bảo vệ mình, khi bị bạo hành, làm nhục… cần mạnh dạn tố cáo hành vi bạo hành, làm nhục tới các cơ quan có trách nhiệm. Mọi công dân đều có quyền được pháp luật bảo vệ.Về lâu dài nên tham gia các công ty, hội, nhóm để được bảo vệ quyền lợi

Từ thực tế các vụ việc vừa qua cho thấy, TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, những người giúp việc bị bạo hành là những người tự đi tìm kiếm việc làm nên việc họ bị rủi ro như vậy là chuyện rất dễ có thể xảy ra.
TS Hà đưa ra lời khuyên: "Nên thành lập ra những nhóm, hội hay như dạng một công ty, trong đó có người quản lí. Người quản lí đó sẽ nắm được tất cả các thông tin và cũng là người điều phối, lương bổng, đảm bảo quyền lợi cho người giúp viêc. Còn người giúp việc khi đã có những tổ chức trên thì nên tham gia vào, như vậy sẽ được trang bị thêm các kiến thức, được giới thiệu việc làm với các căn cứ pháp luật đoàng hoàng và được bảo vệ quyền lợi một cách hợp pháp khi bị xâm hại". Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, khung pháp lí đối với việc công nhận nghề giúp việc là một nghề, được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp cũng cần phải được thực hiện nhanh. Thêm vào đó, công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, đặc biệt tinh thần tố giác những hành vi tra tấn, hành hạ dã man người giúp việc của người dân xung quanh cũng cần phải được nâng cao. Chỉ khi nào cả xã hội cùng lên tiếng, cùng chung tay vào cuộc cùng với người giúp việc thì lúc đó những vụ bạo hành dã man người giúp việc mới thực sự bị loại bỏ.

Thông tin hấp dẫn:

Cô gái bị xăm rết

Quan chức chơi cờ tiền tỷ

Những con đường đầy bao cao su

Bạo hành dã man ở Vĩnh Phúc

Bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện Phụ sản TƯ

Lạc vào thế giới đêm Hà Thành

Điều kỳ diệu về cụ rùa Hồ Gươm

Những câu chuyện ở Trường bắn

Chọc gậy bánh xe

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Tra tấn ôsin dã man

Thành Chung