Ông chủ ĐH Hà Hoa Tiên: Chưa thực hiện đúng cam kết?

19/10/2011 21:52
Tư Khương
(GDVN) - Đó là khẳng định của KS Nguyễn Xuân Mừng khi nhận định về đường lối phát triển mà ông chủ trường ĐH Hà Hoa Tiên - KS Đặng Lê Hoa đã và đang thực hiện...

“Sau ‘khi bỏ rơi’ các GS-TS, Giảng viên không một lời giải thích, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Hà Hoa Tiên, ông Đặng Lê Hoa đã đi "mời" một đội ngũ giảng viên khác về dạy cho trường.

"Từ đó khiến cho thương hiệu và uy tín của trường không được như trước, chất lượng không đảm bảo đã dẫn đến không tuyển được sinh viên như chỉ tiêu mong muốn. Tất cả những cam kết, dự định nêu ở trong đề án, trong tờ trình lên Bộ giáo dục & đào tạo và Thủ tướng Chính phủ về nhân sự, về chương trình giảng dạy đều không làm đúng hướng cam kết.”._Ông Mừng cho biết. 

KS Nguyễn Xuân Mừng nghi ngờ về "khả năng" làm giáo dục của ông chủ trường Hà Hoa Tiên
KS Nguyễn Xuân Mừng nghi ngờ về "khả năng" làm giáo dục của ông chủ trường Hà Hoa Tiên

Qua điều tra, phóng viên đã tiếp cận được với những thông tin trong hồ sơ đề án khả thi thành lập trường đại học Hà Hoa Tiên (quyển 1 – Thuyết minh, tháng 3/2007), nội dung trong đó có ghi rõ: Trường ĐH Hà Hoa Tiên xét tuyển, đào tạo 8 khoa và 26 ngành. Về đội ngũ cán bộ công nhân viên của trường gồm:

Ban giám hiệu có người đứng đầu là Hiệu trưởng: chủ trương mời người nước ngoài đã từng làm công tác quản lý ở trường Đại học mang tầm cỡ quốc tế, có trình độ quản lý tổ chức tốt vững vàng là cầu nối giữa trường ĐH Hà Hoa Tiên với các trường đại học có uy tín ở nước ngoài, thu hút nhiều nhà khoa học nước ngoài tham gia giảng dạy tại trường.  

Công ty Cổ phần Hà Hoa Tiên dự định mời đội ngũ giảng viên người nước ngoài trước mắt là 2 khoa Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin.

“Nhưng sự thực thì chưa có một ông Hiệu trưởng người nước ngoài nào về nắm giữ vị trí quản lý ở trường ĐH Hà Hoa Tiên cả”._Ông Mừng cho hay.

Phí bên trong trường ĐH Hà Hoa Tiên vẫn là những phòng học bỏ trống và những sân chơi đầy cỏ dại
Phí bên trong trường ĐH Hà Hoa Tiên vẫn là những phòng học bỏ trống và những sân chơi đầy cỏ dại

Chưa hết, trong bản cam kết của đề án khả thi trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ giáo dục & đào tạo, UBND tỉnh Hà Nam đề án cũng đã nêu rõ: Trong khi chưa có quyết định thì quyền hiệu trưởng là một GS-TSKH là một trong những ủy viên trong Hội đồng chức danh GS nhà nước, có uy tín. Nhưng đó chỉ là... lời hứa..., bởi vì chỉ hơn 1 tháng, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho thành lập trường ĐH Hà Hoa Tiên, ông Đặng Lê Hoa lúc đó là Chủ tịch HĐQT đã đơn phương chấp dứt hợp đồng với GS-TSKH Nguyễn Văn Thái, vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường để bổ nhiệm một người mới...   

Ông Mừng còn cho biết thêm: Tại hồ sơ đề án khả thi thành lập trường đại học Hà Hoa Tiên (Quyển II – phụ lục 3) cũng đã trình bày rõ về việc Xây dựng giáo trình giảng dạy tiên tiến. Nhập khẩu chương trình giảng dạy: Hội đồng cố vấn tư vấn cho Hội đồng Quản trị nhập khẩu các chương trình giảng dạy của các trường có danh tiếng ở nước ngoài, trước mắt là hai khoa Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin. Đồng thời mời giảng viên người nước ngoài giảng dạy cho hai khoa này – phấn đấu xây dựng chất lượng học tập của hai khoa này đạt chuẩn quốc tế… Nhưng trên thực tế, điều này vẫn chưa trở thành hiện thực.

Trong đề án khả thi cũng đề cập về Quy mô đào tạo: Tổng số sinh viên và nhà trường quản lý 10.000 – 20.000 sinh viên. Mỗi năm tuyển sinh 2.500 - 5.000 sinh viên (trong đó lao động xuất khẩu là 500; đại học 4.500 sinh viên)…

Điều này khác xa với thực tế thực hiện của trường ĐH Hà Hoa Tiên. Mặc dù đã nhiều lần phóng viên đặt lịch, liên hệ với lãnh đạo nhà trường để tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của trường, nhưng mọi nỗ lực, cố gắng chúng tôi đều không nhận được sự cộng tác từ phía nhà trường.

Lý giải về điều này, KS Nguyễn Xuân Mừng cho rằng: “Nguyên nhân chính là việc nhà trường không giữ được đội ngũ GS-TS, GV ban đầu có uy tín và chất lượng, có kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm giảng dạy. Thay vào đó là một đội ngũ giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm, khiến cho uy tín và tầm vóc của nhà trường không đủ để thu hút sinh viên vào học…”. 

Còn nữa... 

Tư Khương