"Phạt thật nặng lỗi vi phạm đối với các phương tiện là hết tắc ngay"

14/04/2012 13:00
Độc giả Nguyễn Tuấn Kiên (Hà Nội)
(GDVN) - "Khi vi phạm lỗi nhẹ nhất cần phạt ngay 2 triệu đồng với xe máy, 10 triệu đồng với ôtô. Chưa đủ tuổi đi xe máy vi phạm thì tịch thu xe... sẽ góp phần giảm ùn tắc", độc giả Nguyễn Tuấn Kiên bày tỏ.
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên. 
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải một bài viết của độc giả Nguyễn Tuấn Kiên với nội dung hiến kế cho Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc chống lại vấn nạn ùm tắc cho Hà Nội và thu phí giao thông. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Thời gian vừa qua, câu chuyện về xung quanh đề án thu phí giao thông trong đó có thu phí hạn chế phương tiện cá nhân với mục tiêu chống ùn tắc, tai nạn giao thông mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất lên Chính Phủ đã làm dư luận không khỏi xôn xao bàn tán. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, độc giả đã được đưa ra, phê bình có, tán thành cũng có. Đồng thời cũng từ đề án này, rất nhiều các ý kiến đề xuất các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông cũng đã được đưa ra nên tôi không biết một vài cái ý kiến nhỏ này của mình có đem lại hữu ích gì hay không nhưng dù sao cũng mong muốn tòa soạn phổ biến đến mọi người, để cùng nhau đồng tâm, đồng lòng, quyết tâm giải quyết hữu hiệu, triệt để vấn nạn này và biết đâu một hạt muối cũng có thể góp phần làm tăng vị mặn cho nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Dân trí).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Dân trí).

Dưới góc nhìn của người thương xuyên tham gia giao thông ở nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Nội, tôi thấy có một thực trạng hiện nay mà chúng ta rất đáng lưu tâm để giải quyết ùn tắc. Đó chính là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán của một bộ phận người dân thiếu ý thức.

Rất nhiều các tuyến đường mà tôi đi qua hàng ngày từ Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Nguyễn Trãi, Láng, Trường Chinh, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu... và rất nhiều tuyến đường, phố khác trên toàn thành phố tình trạng buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra ngang nhiên trong giờ cao điểm. Ngay trên tuyến đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), cảnh các quán nước, xe cộ để dọc ngang trên vỉa hè, người bán hàng rong bánh mỳ, hoa quả... tràn xuống lòng đường đứng rất ngang nhiên. Thời tiết oi nóng, đường lại đông, ùn tắc, vậy mà còn phải cố vòng, tránh những quán di động này thì thật là đã bức xúc càng thêm bức xúc hơn. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần có biện pháp mạnh, cấm tuyệt đối các hình thức kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nếu cố tình vi phạm thì phải phạt thật nặng, thu giữ xung công quĩ toàn bộ các vật dụng, phương tiện... Khi nào mà đường thông, hè thoáng thì chắc chắn rằng sẽ giúp giảm bớt cảnh ùn tắc giao thông xảy ra. Tôi cũng rất ủng hộ việc tăng mạnh chế tài đối với các trường hợp vi phạm để giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của mình, tôi thấy rằng, mức xử phạt của chúng ta hiện nay còn khá thấp, chưa đủ sức răn đe với những người vi phạm luật giao thông. Nhiều người dù biết là sai nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vì thế, tôi đề nghị nâng mức xử phạt lên thật cao. Đối với các trường hợp xe máy (phương tiện tham gia lưu thông nhiều nhất và là một phần nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông ở các đô thị hiện nay), khi vi phạm luật giao thông ở lỗi nhẹ nhất sẽ phải chịu phạt ở mức 2 triệu đồng. Các trường hợp điều khiển xe máy chưa đủ tuổi, lạng lách, đánh võng trên đường, đua xe, lấn làn gây ách tắc giao thông... ngoài việc bị phạt thì nên tiến hành tịch thu xe vào công quĩ, tước bằng lái xe (nếu có), cấm vĩnh viễn không được điều khiển phương tiện. Đối với ô tô cũng vậy, mức nhẹ nhất khi vi phạm luật giao thông sẽ phải đóng phạt 10 triệu đồng, thu bằng lái trong vòng 30 ngày. Các lỗi nặng hơn thì có thể ra quyết định phạt, tước bằng lái của lái xe, tháo biển của xe, cấm không được lái xe trong một thời gian... Thậm chí, theo tôi, cũng như xe máy ở trên nếu ôtô lấn làn, gây ùn tắc giao thông, biện pháp hữu hiệu nhất là có thể tịch thu xe?. 
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Như đã nói ở trên một chiếc xe máy có trị giá chục triệu đồng mà bị tịch thu vì cái tội vi phạm lấn làn gây ách tắc thì hoàn toàn xứng đang cho người tham gia giao thông kém ý thức. Với một chiếc xe ôtô tiền tỉ mà bị phạt hàng chục triệu thì tôi nghĩ ngân quỹ bảo trì , nâng cấp đường sá sẽ ngày càng dư dật. Thêm vào đó, theo tôi cần bổ sung thêm đối với với xe đạp khi vi phạm cũng cần phải phạt từ 300.000 - 500.000 đồng, tại sao tôi lại đưa thêm việc xử phạt xe đạp, bởi thực tế hiện nay, tình trạng xe đạp lưu thông trên đường vi phạm luật diễn ra rất phổ biến. Người điều khiển đi thành hàng 3, 4 trên đường, ngang nhiên đi vào đường cấm, sang đường vô tội vạ... Ngoài ra, nếu không đủ tiền nộp phạt hoặc không có tiền nộp phạt thì tiến hành tịch thu xe. Ngoài nâng mức xử phạt đối với người vi phạm, thì đối với người xử phạt, nếu có hành vi chung chi để bỏ qua lỗi và kể cả những người can thiệp, giúp đỡ người vi phạm cũng cần phải xử lý thật nghiêm, phạt tiền gấp 3 lần số tiền đã chung chi, đưa ra khỏi ngành và thậm chí là khởi tố để làm gương. Tôi khẳng định rằng với mức xử phạt nghiêm minh, cao như vậy và cách làm việc công minh thì chắc chắn vấn nạn ùn tắc giao thông sẽ được khống chế dần dần. Thêm vào đó, tôi cho rằng, việc trông giữ xe hiện nay ở các bãi gửi xe cũng cần phải được đưa về Nhà nước quản lý. Nhà nước nên xây các bãi đỗ hợp lý và thu mức phí 5.000 đồng với xe đạp, 50.000 đồng/ giờ/ đối với xe máy, 200.000 đồng/ giờ/ đối với ô tô. Khi nhà nước đưa mức phí cao như vậy thì bên ngoài chắc chắn những người trông lậu cũng sẽ có mức phí trông giữ cao không kém. Với mức giá gửi cao như thế thì người dân sẽ phải xem xét lại việc sử dụng xe cá nhân của mình vì tiền gửi xe còn đắt hơn tiền xăng... Các số tiền từ xử phạt, trông giữ xe sau khi thu được này sẽ được đầu tư vào việc nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông, phát triển các phương tiện công cộng... Làm như vậy, tôi nghĩ rằng chắc chắn, người dân sẽ từ đó nâng cao hơn nữa ý thức khi tham gia lưu thông trên đường. Và vấn nạn ùn tắc giao thông sẽ dần được tháo gỡ. Nhưng về lâu dài, theo tôi, cũng như hàng loạt các ý kiến của độc giả và các chuyên gia đã nêu thì việc nâng cấp mạng lưới hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường, đầu tư phát triển các loại hình phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm... là hướng đi đúng đắn, chính xác nhất để giải quyết vấn nạn này. Bên cạnh đó, khi các phương tiện công cộng khác chưa có thì một việc cũng cần làm ngay để người dân yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ xe buýt công cộng, đó là phải giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng của nhân viên xe buýt, tăng cường các đầu xe, tuyến mới, loại bỏ các xe buýt đã quá date... cộng thêm là cần phải xử lý thật nghiêm khắc, kể cả sửa luật, đưa ra khởi tố những đối tượng trộm cắp, móc túi ở các bến xe buýt. Khi xe buýt đã thực sự làm đúng như mục tiêu là phương tiện phục vụ cộng đồng văn minh, hiện đại thì chắc chắn sẽ tạo ra thói quen sử dụng phương tiện cộng cộng thay cho các phương tiện cá nhân của người dân ở các đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn ở các đô thị lớn, cần phải có sự vào cuộc của toàn dân. Vài lời góp ý của tôi ở đây, xin mọi người cùng bàn luận và xin chúc Ngài Bộ Trưởng luôn sáng suốt trong việc phục vụ nhân dân. Và tôi nghĩ Bộ Trưởng Thăng nên cùng với các cơ quan chức năng nghiên cứu ra chế tài để phạt cái tội này thì hay hơn là ra luật thu phí, vì với hình thức phạt nặng như vậy, chắc chắn sẽ là bài học để giáo dục, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.
Độc giả Nguyễn Tuấn Kiên (Hà Nội)