Phóng viên "săn lùng" sát thủ Lê Văn Luyện, chuyện bây giờ mới kể

22/01/2012 12:15
Nguyễn Quyết
Để có được thông tin thuộc diện “hot” nhất này, phóng viên đã không kể ngày đêm theo dấu, “săn lùng” thông tin về gã “sát thủ” này.
Lê Văn Luyện bị bắt lúc 16 giờ ngày 31-8-2011 thì chỉ 1 giờ sau, thông tin chấn động này hiện diện ở vị trí nổi bật nhất trên các báo. Để có được thông tin thuộc diện “hot” nhất này, phóng viên Báo Người Lao động đã không kể ngày đêm theo dấu, “săn lùng” thông tin về gã “sát thủ” này
Bức ảnh Lê Văn Luyện đầu tiên được giới báo chí loan tin là do Nhà báo N.Quyết chụp tại Lạng Sơn
Bức ảnh Lê Văn Luyện đầu tiên được giới báo chí loan tin là do Nhà báo N.Quyết chụp tại Lạng Sơn

Khi vụ án thảm sát cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở phố Sàn (huyện Lục Nam - Bắc Giang) xảy ra ngày 24-8-2011, tính chất man rợ của nó đã khiến dư luận phải rùng mình. Nhiều tờ báo cử phóng viên ăn chực, nằm chờ tại tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội trên 60 km, để săn những thông tin nóng nhất. Các báo điện tử thể hiện hết vai trò nhanh nhạy của mình, cử phóng viên túc trực 24/24 giờ.

Ngay sau khi Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang xác định nghi phạm và ra lệnh truy nã đặc biệt Lê Văn Luyện trên toàn quốc thì cuộc "săn lùng" sát thủ này cũng càng trở lên nóng.

Một buổi sáng, nhiều phóng viên đang phỏng vấn người nhà nạn nhân, về nhà Lê Văn Luyện… thì giật nảy mình vì một báo ngành công an đưa thông tin: Đã bắt được Lê Văn Luyện ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội).

Người dân kéo đến xem nhà L:uyện (nhà 2 tầng bìa trái) khi hay tin hắn gây ra vụ thảm sát cướp tiệm vàng

Thông tin này “giật” như một luồng điện trong làng báo. Từ “sếp” đến phóng viên tới tấp hỏi nhau: Bắt lúc nào? Ở đâu? Bắt ra sao?... Đến khi Đại tá Nguyễn Văn Dư - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang - khẳng định: “Chưa bắt được nghi phạm và chưa có thêm thông tin gì” thì mới biết chính tờ báo ngành công an cũng bị “việt vị”.

Vì thực sự, lúc ấy, Lê Văn Luyện đang ở nhà cô ruột Lê Thị Định ở xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng - Lạng Sơn, một nơi rất gần đường biên giới. 

Ngày định mệnh

9 giờ sáng 31-8, sau 2 ngày khai thác thông tin ở Bắc Giang, có khoảng gần 20 phóng viên nhiều tờ báo đang có mặt ngồi nghe ngóng tình hìnhtại quán cafe bên cạnh trụ sở Công an tỉnh Bắc Giang. Lúc này . Một nguồn tin tin cậy từ Công an Bắc Giang cho biết, hiện đã “tung quân” một mũi lên Lạng Sơn, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan đề phòng Luyện trốn sang Trung Quốc.

Bằng nhạy cảm nghề nghiệp, sau khi đã có sự xác nhận chuyện trên, phóng viên Báo Người Lao độngcùng 3 tờ báo khác quyết định đi theo hướng mới: lên Lạng Sơn!

Đoán định sẽ có sự phối hợp giữa lực lượng công an và biên phòng để phòng trường hợp hung thủ trốn sang Trung Quốc, nhóm phóng viên quyết định vào đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh. Quả đúng vậy, các chiến sĩ biên phòng cho biết, mấy hôm nay đã nhận được ảnh và thông tin về Lê Văn Luyện. Biên phòng Việt Nam và Trung Quốc cũng đã gặp nhau để bàn biện pháp phối hợp.

Cũng tại đây, một manh mối thông tin khác vừa được tiết lộ: Thiếu tá Phạm Quốc Huy, Trưởng đồn biên phòng Tân Thanh cho biết cơ quan chức năng đã phát hiện được Luyện đã bán chiếc điện thoại tại huyện Văn Lãng.

Đến khoảng 16 giờ 50 phút, nguồn tin từ cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang xác nhận, đơn vị này đã phối hợp lực lượng biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã bắt được Lê Văn Luyện tại Đồn biên phòng Na Hình, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) vào lúc 16 giờ cùng ngày. Thông tin này lập tức được báo về “bản doanh” tờ Người Lao động qua điện thoại để viết thành bản tin nóng đăng báo lúc 17 giờ.

Đồn biên phòng Na Hình cách TP Lạng Sơn khoảng 50 km, cách nhà hung thủ khoảng 150 km. Đồn biên phòng này nằm sát biên giới Trung Quốc, cách nhà cô ruột của hung thủ Luyện khoảng 5 km.  

Lập tức, phóng viên Người Lao động và 3 tờ khác hộc tốc lên ngay Đồn biên phòng Na Hình. Đường vào đồn Na Hình ngoằn nghèo, trắc trở, liên tục gấp khúc, cua tay áo. Đi được khoảng 20km thì chiếc xe 4 chỗ gầm thấp không thể đi tiếp được nữa.
Đường vào Đồn biên phòng Na Hình chiều ngày 31-8
Nhóm phóng viên quyết định gửi xe ô tô lại bên đường. Vừa thấy một thanh niên địa phương phóng xe máy trong núi ra, một phóng viên nhanh tay hơn các đồng nghiệp liền lao ra chặn lại, thuê chở vào đồn Biên phòng với yêu cầu đi nhanh nhất có thể. Nghe thấy thế cái giá 100 ngàn đồng liền được đẩy lên thành 200.000 đồng.

Bức ảnh Luyện đầu tiên

Trong tâm trạng như lửa đốt, phóng viên Người Lao động lao ngay vào mấy nhà dân ở ven đường để tìm xe ôm song không có nhà nào có. Lo lỡ thông tin nóng, chúng tôi quyết định cuốc bộ vào đồn biên cách cách đó hơn 20 cây số. Lúc đó trời đã nhá nhem tối.

Vừa đi vừa thở với tốc độ cao được gần 1 km với ba lô, đồ nghề lỉnh kỉnh thì bất ngờ một xe U-oát tiến đến. Chúng tôi liền đứng ra giữa đường vẫy dừng lại để xin đi nhờ. Thật may, đó là chiếc xe của biên phòng. Sau khi nghe phóng viên trình bày, chúng tôi đã được ngồi trên xe để vào chỗ Lê Văn Luyện bị bắt giữ.

Đến Đồn biên phòng Na Hình

Nhưng đến đồn biên phòng Na Hình thì bị chặn lại ở ngay cổng. Sau nhiều cuộc điện thoại đến các cấp lãnh đạo, đưa cả điện thoại từ “sếp của sếp” nhưng anh lính nhất định không mở cửa.

Đúng lúc này, trong đầu tôi loé lên một ý tưởng. Tôi hỏi anh lính gác: “Anh có chụp ảnh Luyện bằng điện thoại không?”. Người lính gật đầu và cho chúng tôi xem. Ngay lập tức, bluetooth được mở, bức ảnh truyền sang.

Bức ảnh đầu tiên về Lê Văn Luyện do "phóng viên" - người lính biên phòng cung cấp
Cánh phóng viên mừng còn hơn bắt được vàng, hô vang rồi nhanh chóng mở laptop ra lấy ảnh gửi về tòa soạn bằng USB 3G. Bức ảnh tuy mờ nhưng nó là bức ảnh đầu tiên chụp Luyện ở thời điểm bị bắt. Trước đó, hình ảnh duy nhất của gã sát thủ mà nhiều tờ báo cùng đăng lấy từ tấm hình của gia đình trông khác hẳn hình ảnh “bằng xương bằng thịt” mới nhất này.

Kiên nhẫn chờ đợi, đến 18 giờ 45 phút nhờ lệnh từ cấp trên, các phóng viên được cho phép vào bên trong Đồn biên phòng Na Hình song không được gặp Luyện mà tập trung tại một phòng họp cách nơi hắn đang bị lấy lời khai khoảng 30 mét. Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ, Đồn trưởng, đến thông báo về tình hình ban đầu.

Đồn trưởng Nguyễn Năng Nhạ thông báo thông tin đầu tiên về việc bắt giữ Lê Văn Luyện
Những thông tin này vô cùng quý giá, sốt dẻo và không kém phần kinh ngạc: Luyện khai hắn gây án một mình.

Ngay lập tức, nhóm phóng viên ít ỏi mỗi người một góc, chọn nơi có… ổ cắm điện để xạc laptop, điện thoại. Đến khoảng 20 giờ, một chiến sĩ biên phòng mang máy ảnh xuống cho chúng tôi xem. Đã có ảnh Luyện lớn hơn rồi!

Tiếp đó, thỉnh thoảng lại có người của đồn biên phòng tới thông báo cập nhật tình hình lời khai ban đầu của Luyện. Nhưng thông tin đắt giá này gần như được tường thuật trực tiếp tức thời trên báo Người Lao động Online  tối ngày 31-8 từ nơi cách biên giới không xa.

Chiếc điện thoại của tôi hoạt động hết công suất kể từ khi đến đồn biên phòng Na Hình. Điện thoại hết pin, chốc chốc lại phải nhờ điện thoại của các phóng viên khác gọi về cho “sếp” báo cáo tình hình.

Một bất ngờ, 20 giờ 35 phút, Đồn trưởng Nguyễn Năng Nhạ thông báo: Các phóng viên đã được phép chụp ảnh Lê Văn Luyện. Ngay lập tức, mấy anh em lao lên căn phòng đang lấy lời khai của Luyện, tay lăm lăm máy ảnh.

Vừa thấy mặt tên sát thủ gây ra vụ án kinh hoàng, phóng viên một tờ báo ở Hà Nội quá búc xúc quát lên: “Thằng kia, ngẩng mặt lên! Tội của mày đáng bị tùng xẻo!”. Câu quát bất ngờ khiến không chỉ Luyện và cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong phòng cũng… “sốc”! Ngay lập tức, một sĩ quan biên phòng phải nhắc nhở: “Lúc này đang cần động viên tâm lý của Luyện, không được manh động”.
Bức ảnh Lê Văn Luyện đầu tiên của phóng viên Người Lao động

Không thể “độc quyền”

Tranh thủ từng giây, từng phút, chúng tôi tranh thủ quay phim, chụp các góc khác nhau trong khi Luyện thì không tỏ ra thái độ gì, cúi gằm mặt xuống bàn và trang giấy. Chúng tôi tác nghiệp trong tâm lý căng như dây đàn: phần vì phải làm sao tường thuật nhanh nhất, đầy đủ; phần vì sợ sẽ đưa Luyện đi luôn mà chưa khai thác đủ thông tin; phần vì liên tục vừa tác nghiệp vừa nghe điện thoại đồng nghiệp; phần vì đã thấm mệt và thấy cồn cào vì đói…

Cái lệnh “mở cửa” như xua tan tất cả mệt mỏi, căng thẳng trước đó với các phóng viên. Ai cũng hối hả lao vào tác tác nghiệp, tường thuật. Thỉnh thoảng lại chạy lên nơi lấy lời khai của Luyện để xem có diễn biến gì mới rồi lại “phi xuống” hì hục gõ bàn phím, hì hục tháo thẻ nhớ lấy ảnh gửi về tòa soạn.

Ban đầu, có phóng viên cũng bàn với nhau giữ một số thông tin và bức ảnh “độc” cho báo giấy ra ngay mai (1-9) song máu nghề nghiệp và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu thông tin tối đa của độc giả, không ai bảo ai mà ai cũng đưa tất cả những thông tin mà mình có lên Online gần như tức khắc. Cứ thể, thông tin và hình ảnh đầu tiên tại nơi bắt giữ Lê Văn Luyện được cập nhật từng phút, từng phút trên online của Báo Người Lao động.

Cận cảnh Lê Văn Luyện tại Đồn biên phòng Na Hình
Lúc này tại Bắc Giang, mấy chục anh em phóng viên các báo khác ngồi ở quán café túc trực, liên tục chát, gọi điện để cập nhật thông tin từ “chiến trường” Lạng Sơn. Nhưng quả thực lúc ấy, tất cả những thông tin gì chúng tôi có thì đều thể hiện trên mặt báo online.

Thông tin và hình ảnh từ Người Lao động Online và 3 tờ báo khác có mặt tại trực tiếp tại Đồn biên phòng Na Hình gần như tức khắc được “chuyển” sang hàng chục tờ báo trang báo khác trên mạng. Clip độc quyền của Người Lao động về Luyện tại đồn biên phòng cũng bị “copy” sang nhiều tờ báo mạng khác.

Đến 21 giờ 40 phút thì những giây phút tác nghiệp quý giá của chúng tôi cũng khép lại. Đồn biên phòng Na Hình bàn giao Lê Văn Luyện cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang. Lúc này, Luyện được ăn cơm, uống nước và chờ di lý về Bắc Giang. Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cũng tổ chức cơm nước chiều sau mấy giờ khai thác “nóng” Luyện.

Di lý Lê Văn Luyện từ Đồn biên phòng Na Hình về Bắc Giang tối 31-8

Phóng viên Người Lao động và các tờ báo khác thì vẫn vừa phải hoàn thiện nốt bài online, vừa viết bài cho báo giấy ngày mai 1-9. Các chiến sĩ biên phòng liên tục lên mời các phóng viên cùng ăn cơm song không anh em nào rời bàn phím được. Chúng tôi chỉ xin mấy chai nước lọc uống cho đỡ khô họng rồi lại cắm mặt vào bàn phím gõ bài.

Bữa cơm nguội ở đồn biên phòng

Khoảng 22 giờ, Lê Văn Luyện được hộ tống ra chiếc Hummer H2 đang đỗ trong sân đồn biên phòng. Cánh phóng viên thốt lên: Sát thủ kinh hoàng đi xe “hầm hố”.

Sau khi Luyện được di lý về Công an tỉnh Bắc Giang cách đó trên 150 km, nhóm phóng viên hoàn thiện nốt bài viết, nhấn send gửi tòa soạn. Nhìn ra, kim đồng hồ đã chỉ 22 giờ 30 phút.

Lúc này thì bữa cơm của biên phòng cũng đã tàn. Chúng tôi cũng không khách sáo nữa, mấy anh em lao xuống, nhận ly rượu chúc mừng của Đồn trưởng Nguyễn Năng Nhạ rồi lao vào nồi cơm nguội. Khi đã qua giai đoạn hăng máu tác nghiệp, nhóm phóng viên mới thấy quá mệt.

Khoảng 23 giờ, ăn xong thì nhóm phóng viên lại hối hả lên đường ngược về Bắc Giang. Song vấn đề nan giải đặt ra là làm thế nào để trở lại chỗ ô tô bỏ lại bên đường lúc vào đồn biên phòng lúc chiều. Lại phải chờ mất 30 phút sau, đồn biên phòng mới bố trí được 3 xe máy chở anh em ra ngoài.

Con đường lúc vào khó khăn như thế nào thì lúc ra khó khăn hơn bội phần vì lầy lội và bị xe tải cầy nát. Đến gần chỗ đỗ xe ô tô thì xe máy không đi được nữa vì quá lầy. Anh em phóng viên lại xuống cuốc bộ, mò mẫm trong đêm núi rừng tới chỗ để ô tô.

Song như trêu người đám phóng viên đang mệt mỏi, chiếc xe số tự động không đề được vì hết điện. Giữa vùng núi hoang vu vào nửa đêm, mấy anh em dường như rất ít hy vọng có một chiếc xe tải nào đó đi qua để nhờ nguồn điện.

Đến gần 1h sáng ngày 1-9 vẫn không có xe nào chạy qua, trong khi cũng không thể nhờ ai ở đồn biên phòng vì lúc đó đã cách quá xa rồi. Hết than vắn, đến thở dài. Đột nhiên, một phóng viên quyết định “thử vận may” lại lần nữa. Khực, khực, khực! Không được! Kéo khoá, thử lần 2. Xẹt, xẹt! Máy nổ. Anh em nhảy cẫng lên sung sướng, hát hò ầm ĩ cả núi đồi. Chúng tôi đã có thể theo Luyện về Bắc Giang được rồi.

Đến khoảng hơn 2 giờ sáng, cánh phóng viên tạt vào quán đêm ở TP Lạng Sơn ăn bát cháo cho ấm bụng rồi lại tất cả trở về Bắc Giang.

Mệt là nhưng ai cũng vui vì đã “thắng quả đậm” trong chuyến “săn” gã sát thủ gây ra vụ án bàng hoàng dư luận cả nước những ngày qua.

Đến gần 5 giờ sáng, nhóm phóng viên “săn” Luyện mới về đến khách sạn ở Bắc Giang để nghỉ ngơi. Anh em tự cho phép mình ngủ một giấc đến hơn 8 giờ, rồi lại đến thẳng Công an tỉnh Bắc Giang để bắt đầu một ngày tác nghiệp mới trong vụ án thảm sát cướp tiệm vàng Ngọc Bích.

Nguyễn Quyết