Phụ huynh phản ứng gay gắt vì hiệu trưởng, lãnh đạo phòng thiếu trung thực

10/10/2016 06:08
Chí Nhân
(GDVN) - Nhiều phụ huynh đã tỏ ra phản ứng gay gắt vì hiệu trưởng cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo trả lời trước công luận thiếu trung thực.

Lãnh đạo có nói dối?

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh “Phụ huynh bức xúc vì sách VNEN mua về không học, trả lại nhà trường không nhậnđã có nhiều ý kiến phản hồi của phụ huynh, học sinh về việc trả lời dư luận thiếu trung thực của lãnh đạo phòng, hiệu trưởng hai trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và trường Lê Hồng Phong (TP. Phủ Lý – Hà Nam).

Theo phản ánh của phụ huynh có con, em là học sinh lớp 2 đang theo học tại 2 trường trên, trong thời gian nghỉ hè (cuối năm lớp 1 đến đầu năm lớp 2) các em được nhà trường đăng ký mua sách thử nghiệm VNEN (có giá trị trên 300.000 đồng) nhưng không phổ biến, không thông báo đến các phụ huynh việc mua sách và học chương trình VNEN.

Hiện tại các học sinh tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai đang dùng 2 bộ sách (một bộ sách giáo khoa thủ nghiệm, một bộ sách giáo khoa hiện hành) (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Hiện tại các học sinh tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai đang dùng 2 bộ sách (một bộ sách giáo khoa  thủ nghiệm, một bộ sách giáo khoa hiện hành) (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Sau đó, nhà trường lại yêu cầu các học sinh về nhà xin tiền phụ huynh nộp tiền sách, khi học sinh mang sách về nhà, rất nhiều phụ huynh khá bất ngờ và phản đối, vì trước đó họ chỉ nhận được thông báo là đăng ký mua sách giáo khoa.

Khi vào đầu năm học mới, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và phổ biến, triển khai chương trình mô hình trường học mới (VNEN).

Tuy nhiên đa số các phụ huynh không đồng tình, buộc nhà trường phải dạy theo phương pháp truyền thống hiện hành.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Lê Thị Thúy Nga_Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, bà Đỗ Thị Bích Thuận _Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong cùng bà Nguyễn Thị Ngà_Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phủ Lý cho rằng, trước khi triển khai đã thông báo và phổ biến cho phụ huynh biết và đăng ký, việc thu hồi lại sách là hoàn toàn không thể.

Đồng thời, một số lãnh đạo trên còn cho biết, chỉ bổ sung sách thực nghiệm có 3 cuốn gồm Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội(giá trị hơn 30.000 đồng).

Phụ huynh phản ứng vì bị ép mua sách

Trước việc trả lời trên của một số lãnh đạo trong nghành giáo dục TP. Phủ Lý- Hà Nam, nhiều phụ huynh có con, em đang theo học tại hai trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong đã tỏ ra bức xúc, đồng thời gửi phản hồi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng đó là những câu trả lời thiếu trung thực.

Phụ huynh cho rằng nhà trường "ép" học sinh, phụ huynh mua sách thử nghiệm VNEN khi chưa phổ biến, giải thích cho phụ huynh biết (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Phụ huynh cho rằng nhà trường "ép" học sinh, phụ huynh mua sách thử nghiệm VNEN khi chưa phổ biến, giải thích cho phụ huynh biết (Ảnh phụ huynh cung cấp)

“Việc đồng chí trưởng phòng, và 2 Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong, trường Nguyễn Thị Minh Khai, trả lời dư luận rằng họ đăng ký, phát sách cho học sinh là đều từ sự tự nguyện.

Điều này, 3 đồng chí lãnh đạo này nói hoàn toàn sai, khi các em đi học vào cuối năm lớp 1 thì được các thầy, cô phát sách cho các em mang về, bản thân chúng tôi cũng không biết VNEN nó là cái gì?

Chỉ biết con mang một tập sách về nhà, đến khi nhà trường yêu cầu đến để họp lấy ý kiến thì chúng tôi mới biết.

Đa số chúng tôi không nhất trí học theo chương trình mới và yêu cầu phải học chương trình cũ. Khi có phản đối của phụ huynh nhiều quá thì nhà trường mới cho học chương trình cũ.

Và nhà trường lại tiếp tục bán cho con em chúng tôi một bộ sách chương trình hiện hành cũ. Như vậy con em chúng tôi nộp 2 lần tiền sách”, phụ huynh N.T.D bức xúc trước sự trả lời được cho là thiếu trung thực.

Đồng quan điểm trên, phụ huynh  L.T.B cho biết: “Chúng tôi chỉ tự nguyên mua sách chương trình cũ thôi chứ không mua sách thực nghiệm VNEN. Còn sách VNEN là nhà trường ép đưa cho con chúng tôi mang về rồi bắt con em chúng tôi nộp tiền, chứ chúng tôi không tự nguyện.

Nếu như chúng tôi tự nguyện mua sách VNEN, như vậy đồng nghĩa với việc chúng tôi đã nhất trí cho con chúng tôi học rồi. Vậy mà các lãnh đạo lại trả lời là “đây là sự tự nguyện đăng ký mua sách của phụ huynh, học sinh”.

Còn mấy cô ấy nói sách thử nghiệm VNEN có 3 cuốn để tham khảo, và có giá chỉ hơn 30 nghìn đồng, nói thế là sai hoàn toàn.

Một bộ sách VNEN như vậy là hết mấy trăm nghìn đồng. Và bây giờ con em chúng tôi lại sử dụng cả 2 bộ sách,  như vậy là hoàn toàn sai luật, sai quy chế phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT. Đây là vi phạm quy chế chuyên môn”.

Nhiều phụ huynh còn cho biết thêm, khi cuối năm học lớp 1, các thầy cô giáo đã thông báo cho học sinh đăng ký mua sách giáo khoa lớp 2, các bậc phụ huynh tưởng rằng đây là sách truyền thống như mọi năm. Tuy nhiên khi học sinh mang sách thực nghiệm VNEN về họ mới biết đến và thắc mắc về số sách này.

“Nhà trường thông báo đăng ký mua sách giáo khoa, thì chúng tôi cứ tưởng là đăng ký mua sách giáo khoa truyền thống như mọi năm. Tuy nhiên nhà trường, không phổ biến, không lấy ý kiến gì về chương trình VNEN.

Đến lúc các cháu đưa sách  về, chúng tôi mới biết và thắc mắc là tại sao lại  mua sách thực nghiệm VNEN này?

Nhiều phụ huynh chúng tôi đặt vấn đề: Nếu như học sách truyền thống thì chúng tôi sẽ trả lại sách VNEN.

Các cô giáo trả lời: “Không thu hồi sách thực nghiệm VNEN là quan điểm của phòng, nếu như học truyền thống thì vẫn cho các cháu học, còn việc trả lại sách thực nghiệm VNEN là không được. Nếu mà các phụ huynh chấp nhận được như thế thì chúng tôi sẽ giảng dạy theo phương pháp cũ”.

Chính vì việc ép buộc thế nên nhiều phụ huynh chúng tôi mới phải chấp nhận không trả sách thực nghiệm để cho con em học sách cũ.

Để tránh kiện cáo và hợp lý hóa việc sai trái trên, họ đã bắt một số phụ huynh ký vào đơn chấp nhận mua cả sách mới và cả sách cũ. Nhưng học thì thì chỉ học sách cũ thôi. Nếu bây giờ hỏi về vấn đề này,  nhiều cô giáo sẽ đối phó bằng việc đưa giấy đơn cam kết của phụ huynh chấp nhận mua sách mới ra đối phó.

Là những người làm trong nghành giáo dục cần phải có sự mẫu mực, trung thực nhưng lại nói dối dư luận thì làm sao dạy được học sinh?”, một phụ huynh  bức xúc cho biết.

Trả lời những bức xúc trên, cô Đỗ Thị Bích Thuận, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong giải thích:

“Sách thử nghiệm (VNEN) là phải đăng ký trước từ tháng 4, và chúng tôi cũng đã phát cho phụ huynh từ tháng 5, phụ huynh cũng không có ý kiến gì cả.

Đến khi chuẩn bị cho năm học mới thì phụ huynh mới có ý kiến, thực ra trong số sách VNEN đã mua thì vẫn sử dụng cho năm học này, còn các bộ môn khác thì mua bổ sung thêm sách Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội thôi.

Học sinh đăng ký, phụ huynh nhận về từ cuối tháng 5. Thời điểm đó, phụ huynh không có ý kiến gì về sách, khi phụ huynh nghe nói nhiều nơi không học nên đã có ý kiến là không học chương trình mới này”.

Chí Nhân