Phụ huynh "tố" trường QT Singapore tự ý thay đổi chương trình học?

13/11/2012 07:05
Duy Châu
(GDVN) - Dù học phí lên tới 200 triệu đồng/năm học nhưng trường quốc tế Singapore Cầu Giấy (Hà Nội) lại tự ý thay đổi chương trình học mà không có sự bàn thảo, thống nhất với phụ huynh, đồng thời không tổ chức hội cha mẹ học sinh trong trường..., gây ra nhiều khó khăn, bức xúc đối với các bậc phụ huynh.
Trong đơn gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một nhóm phụ huynh trường quốc tế Singapore (SIS) ở Cầu Giấy (Hà Nội) phản ánh, trước năm học 2012 – 2013, các phụ huynh có nhận được tờ thông báo nộp tiền học của SIS ngày 24/05/2012 yêu cầu đóng tiền cho con em mình trước ngày 29/06/2012.
Đơn trình bày của các bậc phụ huynh trường quốc tế Singapore gửi báo GDVN.
Đơn trình bày của các bậc phụ huynh trường quốc tế Singapore gửi báo GDVN.

Vào ngày 05/07/2012 khi phần lớn các gia đình đều đã đóng tiền học phí thì nhận được thông báo về sự thay đổi chương trình học một các rõ rệt. Theo đó, môn tiếng Trung sẽ được thêm vào chương trình học và thành môn bắt buộc, môn Toán và Khoa Học dạy bằng tiếng Anh (Maths & Science) sẽ bị loại khỏi chương trình và số giờ học giáo dục thể chất sẽ giảm từ 2h xuống còn 1h/tuần. Khi nhận được thông báo thay đổi chương trình học quá khác biệt so với các cam kết, thỏa thuận của nhà trường trong chương trình học, các phụ huynh đã gửi rất nhiều thư tới ông Shane Blood, hiệu trưởng của SIS, thể hiện sự bất ngờ của chúng tôi và đề nghị giải thích cho sự thay đổi một cách rõ rệt này. Tuy nhiên, ông Shane Blood luôn né tránh việc giải thích một cách tường tận, có cơ sở pháp lý và khoa học đối với phụ huynh. Việc thay đổi chương trình học này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kiến thức học sinh cần có để thi tốt nghiệp cấp II và thi sát hạch khi quyết định đi du học, các phụ huynh đã quyết liệt yêu cầu nhà trường giải thích. Cuối cùng, ông Shane Blood đồng ý sẽ tổ chức một buổi họp toàn trường để trả lời tất cả các câu hỏi của các bậc phụ huynh liên quan tới việc học tập của con em tại SIS với điều kiện các câu hỏi phải được nộp trước. Các phụ huynh đã soạn các câu hỏi này và nhờ cô Phương, thư ký của ông Shane Blood, đưa lại cho ông ta và ông Ricky Tân (chủ đầu tư của Tập đoàn SIS)  vào ngày 02/10/2012. Nhưng tới nay, chúng tôi vẫn chưa được gặp ông Hiệu trưởng và ông chủ tịch Ricky Tân để nhận được những câu trả lời chính thức và thỏa đáng của nhà trường. Cuộc họp như đã hứa của ông ấy với chúng tôi vẫn chưa diễn ra và chúng tôi cũng không được hẹn khi nào ông sẽ tổ chức.
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)
"Chúng tôi thực sự quan ngại về việc thay đổi chương trình học vì nó đã đi quá xa so với chương trình, mục đích và phương pháp giáo dục, điều mà chúng tôi đã được hiểu và quyết định ký hợp đồng với nhà trường ngay từ khi đăng ký học cho các con.

Việc này thực sự khó thuyết phục chúng tôi bởi sự bất hợp lý, không hỗ trợ và hướng dẫn cho các con có một kiến thức phổ thông, một thể chất tốt hay đơn giản qua một cuộc thi sát hạch khi các con quyết định đi du học có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Canada, Úc, Singapo.

Hơn nữa, nếu việc thay đổi được nhà trường nghiên cứu kỹ và đưa ra áp dụng thì tại sao không thỏa thuận trước với chúng tôi hoặc ít nhất cho chúng tôi biết trước khi chúng tôi đóng tiền học phí cho con học tiếp năm học mới với SIS Cầy Giấy?

 Đây có phải là một động thái có chủ ý, đặt chúng tôi trước “sự đã rồi” và có dấu hiệu không minh bạch", trích đơn của các phụ huynh.

Không tổ chức Hội cha mẹ học sinh

Không chỉ vậy, theo phản ánh của các bậc phụ huynh, tại đây, không tổ chức loại hình Hội cha mẹ và giáo viên hay cử Đại diện phụ huynh vào Ban Kiểm soát của nhà trường.

Việc giao tiếp với nhà trường hoàn toàn là trên cơ sở cá nhân, cha mẹ không có cơ hội gặp gỡ với nhau, cũng không có cơ hội gặp gỡ chung với các giáo viên chủ nhiệm và bộ môn...

"Chúng tôi đã đề nghị với nhà trường và Chủ đầu tư nhiều lần về nguyện vọng của cha mẹ là tổ chức Hội phụ huynh để có thể liên lạc với nhà trường, than gia vào các hoạt động giám sát chất lượng hay tư vấn cải thiện chất lượng học tập và sinh hoạt của các con chúng tôi.

Tuy nhiên, nhà trường kiên quyết từ chối đề nghị này và không nêu được lý do tại sao", trích đơn các bậc phụ huynh gửi báo GDVN.

Cũng theo các bậc phụ huynh: "Trong khi các gia đình mong muốn đầu tư vào giáo dục tốt hơn cho con em với học phí khoảng 200 triệu đồng một năm đóng cho SIS và hi vọng có được các kết quả xứng đáng thì chúng tôi đang rơi vào một tình cảnh tiến thoái lưỡng nam, bị coi thường.

Có nhiều gia đình quyết định chuyển trường cho con ngay sau khi nhận thấy thái độ đối xử thiếu tôn trọng từ trường SIS và sự thay đổi căn bản chương trình học. Họ vừa bức xúc và vừa thiệt hại lớn về vật chất khi mất hết khoản tiền đã đóng hết cho học kỳ I năm 2012 cho SIS.

Có gia đình đã đóng hết 100% tiền học năm 2012 – 2013 và con mình chưa học ngày nào nhưng vẫn bị nhà trường trừ 30%".

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc...

Độc giả chia sẻ về thủ tục chuyển đổi sang tên đổi chủ xe máy ở Hà Nội, xin gửi về báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Duy Châu