Thâm nhập thế giới đêm Đà thành (kỳ cuối):

Quá dễ để lách luật "múa cột" trước mắt cơ quan chức năng?

04/12/2011 13:15
Theo Công an Đà Nẵng
Hoạt động múa cột trong Nghị định không nói cấm mà cũng chẳng nói cho phép. Nếu xử lý thì cũng chỉ xử lý ở mức độ ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục.

Nếu dùng khái niệm vũ trường thì tại Đà Nẵng hiện chỉ còn duy nhất New Phương Đông. Nghĩa là chỉ trên một vài tiêu chí cơ bản về quy mô, chứ thực tình nếu đem soi với những quy định khắt khe thì toàn thành phố không có một vũ trường nào. Nhưng na ná vũ trường thì rất nhiều. Chính cái na ná này đã khiến cơ quan chức năng không có chế tài để xử lý các vi phạm.

Múa cột đã phổ biến tại các quán bar, vũ trường trong khi không có chế tài xử lý. Ảnh: C.K
Múa cột đã phổ biến tại các quán bar, vũ trường trong khi không có chế tài xử lý. Ảnh: C.K

Thử lấy một vài điều kiện để kinh doanh vũ trường theo Nghị định của Chính phủ như: diện tích sàn tối thiểu phải 80m2, người dưới 18 tuổi không được vào, nằm tách biệt với khu dân cư, cách âm tốt... thì không có một tụ điểm ăn chơi nào mà nhiều người vẫn gọi là “vũ trường” đạt tiêu chuẩn. Chính vì những ràng buộc ngặt nghèo xuất phát từ chủ trương “không cấm nhưng không khuyến khích” này mà những người đầu tư đã dùng một khái niệm rất vô chừng là “bar”. Từ này ở nước ngoài đã phổ biến, nhưng ở Việt Nam thì nó chưa có định nghĩa cụ thể, chưa trở thành đối tượng điều chỉnh của luật, chưa nằm trong diện quản lý của các ngành liên quan. Và đây là kẽ hở để sinh ra nhiều biến tướng, vì núp dưới vỏ bọc của “bar”, nhiều nơi có đủ các trò của một vũ trường nhưng nộp thuế ít hơn, đầu tư ít hơn mà chế tài cũng không khắt khe, nếu không nói là bỏ trống.

Ông Lưu Văn Học - Phó Chánh thanh tra Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho biết, những tụ điểm mà họ tự nhận là bar ấy do Sở KH&ĐT cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Sở VH-TT&DL có một chức năng rất nhỏ trong này là cấp phép biểu diễn các chương trình nghệ thuật, kiểm tra danh mục các bài hát biểu diễn. Chế tài để xử lý các vi phạm bên lĩnh vực văn hóa đối với các tụ điểm này cũng còn gặp rất nhiều lúng túng. Cũng theo đại diện thanh tra Sở thì hoạt động múa cột trong Nghị định cũng không nói cấm mà cũng chẳng nói cho phép. Nếu xử lý thì Sở cũng chỉ xử lý ở mức độ ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục.

Trong số các tụ điểm ăn chơi ở Đà Nẵng, ông Học cho hay F.T.V là điểm đã bị cơ quan liên ngành xử phạt nhiều lần vì hoạt động quá giờ cho phép và nhắc nhở về cách ăn mặc của nhân viên múa cột. Còn S.V.T. thì từng bị xử phạt vì nhiều thành viên của ban nhạc người nước ngoài (Philippines) xin nhập cảnh vào TPHCM nhưng lại biểu diễn ở Đà Nẵng trong khi Visa đã quá hạn.

Ngoài ra, cách đây mấy tháng, tụ điểm Sao MTV cũng bị xử lý vì tiếng ồn quá mức cho phép, người dân sống xung quanh làm đơn kiến nghị liên tục. Theo quy định, nếu không phải là vũ trường thì không được tổ chức khiêu vũ, vậy nhưng quy định này đã bị xé rào ở một số tụ điểm ăn chơi có tiếng. Còn hành vi múa lửa của những người pha chế rượu, theo ngành Văn hóa thì rõ ràng là có nguy cơ cháy nổ rất nguy hiểm, nhưng nếu kiểm tra và xử lý thì chắc chắn lại thuộc về CSPCCC.

Các quán bar đã xé rào với màn múa lửa của nhân viên pha chế rượu. Ảnh: C.K
Các quán bar đã xé rào với màn múa lửa của nhân viên pha chế rượu. Ảnh: C.K

Còn theo ông Trần Văn Thôi - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) thì hình thức hoạt động của các bar và vũ trường ở Đà Nẵng gần như giống nhau, nhưng bar lại không có chế tài xử lý trong khi vũ trường thì có quy định rất rõ. Các bar thì đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT nhưng gần như các mã ngành đều thuộc diện kinh doanh không điều kiện nên khó mà có cơ sở để kiểm tra, xử lý.

Hỏi về việc các nhân viên múa cột thường ăn mặc rất hở hang, sử dụng nhiều động tác kích động, kích dục, ông Thôi cũng thẳng thắn trao đổi: “Đây rõ ràng không phải là hoạt động khiêu vũ cũng chẳng phải một vở kịch múa nào. Nhưng trong tất cả các văn bản liên quan cũng không có văn bản nào nói đến múa cột cả. Vì thế cũng chẳng có căn cứ nào mà xử lý”.

Qua trao đổi với các đơn vị chức năng, các ý kiến đều cho rằng, nếu có chế tài cụ thể thì việc xử lý các sai phạm của những tụ điểm ăn chơi mà gần đây nhiều người gọi là bar thực sự không khó. Nhưng, nếu không có quy định cho loại hình này, không có căn cứ xử lý thì sẽ rất rối. Hành vi biến tướng lập lờ với rất nhiều hoạt động không được cho phép mấu chốt bắt nguồn từ những quy định ngặt nghèo về điều kiện kinh doanh vũ trường của Chính phủ cũng như lách thuế của các nhà kinh doanh. Theo thông tin mà chúng tôi có được thì ngành Văn hóa đang tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ra những quy định để quản lý, xử lý chặt chẽ các tụ điểm ăn chơi biến tướng này.

Các cơ quan quản lý nhìn nhận rằng, ở một thành phố lớn như Đà Nẵng, xuất hiện các quán bar, vũ trường cũng là một nhu cầu tất yếu về mặt tinh thần. Nếu hoạt động theo quy định, trong khuôn khổ pháp luật cho phép thì đây sẽ là nơi phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, khách du lịch các nơi lưu trú tại Đà Nẵng và cả người nước ngoài nữa.

Theo chúng tôi, ở khía cạnh tích cực thì điều này đúng. Tuy vậy, hình thức kinh doanh này bao giờ cũng có mặt trái, và xử lý được điều này thì không phải là đơn giản. Đi liền với vũ trường, với bar là việc sử dụng ma túy, là mại dâm cao cấp, là giang hồ, bảo kê, ô nhiễm tiếng ồn cùng nhiều hành vi vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội khác nữa. Ta không thể cấm người khác đi chơi ở vũ trường, ở quán bar, nhưng nếu làm tốt công tác quản lý thì sẽ biết được họ đến đó để chơi gì. Loạt phóng sự của chúng tôi sau chuyến xâm nhập các vũ trường, quán bar cũng chỉ mong nói lên điều đó.

Theo Công an Đà Nẵng