Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa trong bài Hòa Phát - Những câu chuyện buồn, tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, dư luận bất ngờ với khu sinh thái được cho là có liên quan đến Tập đoàn Hòa Phát (mang tên Khu sinh Thái Hoà Phát).
Đáng chú ý đây là khu đất nông nghiệp nhưng người dân không hiểu vì sao lại có cả một quần thể được xây dựng hoành tráng như vậy.
Theo khảo sát của phóng viên, khi đi qua khu vực cầu Vĩnh Tuy địa phận thuộc quận Long Biên, một hình ảnh khá “lạ mắt” và nhức nhối khi giữa một vùng nông nghiệp trồng cây ăn quả bỗng dưng mọc lên tổ hợp bao gồm nhiều công trình, hạng mục khác nhau.
Cụm công trình này gồm 1 sân tập golf nhỏ với đủ các hạng mục như sân tập, khu phát bóng có mai che. Đặc biệt, khu vực này có nhiều nhà kiên cố lớn nhỏ với hồ cá, cây cảnh và bể bơi xung quanh.
Hai chữ Hòa Phát bị bóc gỡ sau khi có dư luận không ít người dân bất ngờ (Ảnh: TP) |
Tổ hợp này nằm ở trí khá đẹp khi tọa lạc ngay sát chân đê, cách ủy ban nhân dân phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) chỉ vài trăm mét.
Trước ngày 30/6/2018, người dân ở đây cho biết, khu tổ hợp này trưng biển có tên: “Khu sinh thái Hòa Phát” với màu giống với màu logo của Tập đoàn Hòa Phát, một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của cả nước.
Sau khi có dư luận, ngày 30/6/2018, theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hai chữ “Hòa Phát” trên biển hiệu đã bị bóc gỡ.
Nhiều người dân xung quanh khu vực cũng cảm thấy giật mình khi biết hai chữ “Hòa Phát” bị gỡ đi từ bao giờ bởi trước đó, biển hiệu đầy đủ của khu vực này là “Khu sinh thái Hòa Phát”.
Nhà kiên cố xây theo kiểu hiện đại nằm trong khu sinh thái này (ảnh: TP) |
Cũng theo phản ánh của người dân, khu đất có tổ hợp này trước kia vốn là đất nông nghiệp, nhưng từ nhiều năm nay khu đất này được làm thành sân golf nhỏ và được xây dựng nhà kiên cố.
Được biết, khu đất khoảng 2ha này được chính quyền sở tại giao cho một người có tên là Nguyễn Ngọc Quang thuê với mục đích trồng các sản phẩm liên quan tới nông nghiệp.
Lần tìm theo cụm từ "Khu sinh thái Hòa Phát”, vốn trùng tên với một tập đoàn khá nổi tiếng trong nước là Tập đoàn Hòa Phát đã có khá nhiều thông tin đáng lưu ý xuất hiện.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát có một thành viên Hội đồng quản trị mang tên trùng với người thuê khu đất trên là ông Nguyễn Ngọc Quang.
Khu tổ hợp sân golf của Khu sinh thái nhìn từ trên cầu Vĩnh Tuy (Ảnh: TP) |
Khu vực này hoạt động như biệt phủ khi không cho người ngoài thuê hay vào tham quan.
Liên quan đến khu đất này, trao đổi với phóng viên, đại diện một lãnh đạo của ủy ban nhân dân phường Long Biên cho biết, khu đất này được cho thuê từ thời xã còn quản lý (xã Long Biên, huyện Gia Lâm), lúc đó xã đấu thầu cho thuê.
Ngay khi thành lập quận Long Biên người thuê đất đã tiến hành xây dựng các công trình để… trồng cỏ (?)
Khi được hỏi người thuê khu đất này có sai phạm gì không, vị đại diện này cho biết về việc này Ủy ban nhân dân quận Long Biên đã có Kết luận thanh tra số 1011 vào năm 2011 nhằm thu hồi lại khu vực này.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này không nói về vấn đề xử lý. Cũng theo vị lãnh đạo này cho biết, khu vực này nằm trong khu vực giải tỏa để làm thành phố ven sông.
Vị lãnh đạo này cũng hẹn phóng viên khi gặp mặt trực tiếp tại trụ sở sẽ trao đổi cụ thể. Tuy nhiên, dù đặt lịch làm việc từ ngày 30/6/2018 nhưng phóng viên vẫn chưa có được lịch hẹn làm việc với Ủy ban nhân dân phường Long Biên.
Qua điện thoại, đại diện truyền thông của Tập đoàn Hòa Phát cho biết, khu sinh thái Hòa Phát không liên quan đến Tập đoàn Hòa Phát mà khu đất này đứng tên sử dụng của một trong những thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hòa Phát.
Nhiều hoạt động kỷ niệm của công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã được tổ chức tại Khu sinh thái Hòa Phát này. (Ảnh chụp màn hình) |
Đại diện truyền thông này không lý giải được vì sao khu sinh thái này bóc gỡ hai chữ Hòa Phát.
Đại diện truyền thông của tập đoàn Hòa Phát cũng hứa sẽ trả lời các câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam qua thư điện tử.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tổng diện tích đất nông nghiệp tại địa bàn các xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát gồm hơn 132.000 ha, trong đó có 744 ha sử dụng vi phạm; tổng diện tích đất công, đất chưa sử dụng tại các xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát gồm gần 30.000ha, trong đó có 665ha đất sử dụng vi phạm. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến 2017, toàn thành phố mới xử lý, khắc phục vi phạm được 279ha (đạt 37,5%) đất nông nghiệp; xử lý, khắc phục 163ha (đạt 24,6%) đất công, đất chưa sử dụng bị lấn chiếm. |