Quan xã bán đất trái thẩm quyền ung dung về hưu, dân bơ vơ đi tìm quyền lợi

16/11/2017 08:36
XUÂN QUANG
(GDVN) - Nhiều diện tích đất được xã Quảng Thái bán có dấu hiệu trái thẩm quyền trong nhiều năm. Dư luận nghi ngờ có sự bao che trong vụ việc này.

"Cầm đèn chạy trước ô tô"

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số hộ dân xã Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hóa) về những dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương.

Theo đó, trong nhiều năm trở lại đây, địa phương này có dấu hiệu bán trái thẩm quyền hàng chục lô đất nông nghiệp, với diện tích lên tới hàng nghìn m2 đất, thu tiền sai quy định, cấp đất trái thẩm quyền.

Vụ việc có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc chi tiêu số tiền thu được từ việc bán đất có dấu hiệu khuất tất, thiếu minh bạch. 

Biên bản bàn giao đất của xã Quảng Thái cho hộ ông Đ.T.L. năm 2015. Tuy nhiên, tại biên bản bàn giao đất này không ghi số, không ghi diện tích đất; không có số thửa đất, tờ bản đồ, không xác định vị trí thửa đất. Ảnh: XUÂN QUANG.
Biên bản bàn giao đất của xã Quảng Thái cho hộ ông Đ.T.L. năm 2015. Tuy nhiên, tại biên bản bàn giao đất này không ghi số, không ghi diện tích đất; không có số thửa đất, tờ bản đồ, không xác định vị trí thửa đất. Ảnh: XUÂN QUANG.

Sự việc chỉ được lộ diện khi nhiều hộ dân đã nhận bàn giao đất từ chính quyền, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được chấp thuận.

Ông Đ.T.L.(hộ dân thôn 7) cho biết, năm 2015, khi xã Quảng Thái có chủ trương bán đất, gia đình ông đã dùng số tiền dành dụm được, nộp cho xã 60 triệu đồng để “sở hữu” diện tích hơn 50 m2 đất thuộc khu vực xóm 7. 

“Họ bảo tôi cứ mua đi rồi sau này làm sổ đỏ sau. Sau khi nộp tiền đất cho xã, tôi đề nghị xã làm thủ tục, để cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ, nhưng họ nói là phải chờ.

Nhiều năm nay gia đình tôi vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất, mặc dù lô đất trên đã được chính quyền xã bàn giao từ lâu”, ông L. cho biết.

Ngay sau khi nộp đủ số tiền trên, tháng 3/2015, ông L. nhận được một tờ phiếu thu có đầy đủ chữ ký của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, kế toán.

Nội dung tờ Phiếu thu này ghi rõ lý do nộp tiền (đất ở), số tiền 60 triệu đồng cùng với đó là biên bản bàn giao đất.

Tuy nhiên, tại biên bản bàn giao đất không ghi số, không ghi diện tích đất; không có số thửa đất, tờ bản đồ, không xác định vị trí thửa đất.

Thửa đất của hộ gia đình bà K.T.M. (thôn 7) mua với giá 50 triệu đồng nhưng nhiều năm không được sang tên đổi chủ. Ảnh: XUÂN QUANG.
Thửa đất của hộ gia đình bà K.T.M. (thôn 7) mua với giá 50 triệu đồng nhưng nhiều năm không được sang tên đổi chủ. Ảnh: XUÂN QUANG.

Tương tự, bà K.T.M. (thôn 7) cũng phải bỏ ra số tiền 50 triệu đồng để mua mảnh đất diện tích gần 200 m2.

Bà M. nói: “Diện tích đất nói trên được gia đình khai hoang từ 1979. Đất không có tranh chấp và được gia đình sử dụng ổn định từ đó đến nay. 

Năm 2015, địa phương đề nghị gia đình tôi nộp 50 triệu để mua trên chính diện tích đất mà tôi đã khai hoang trước đó.

Khi nộp tiền xong, họ đề nghị gia đình nộp thêm 20 triệu nữa để làm sổ đỏ, nhưng tôi không đồng ý.

Đến nay, sau một thời gian dài, chúng tôi vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, bà M. thông tin.

Ngoài hai hộ dân nói trên, theo danh sách mà phóng viên tiếp cận được cho thấy, từ nhiều năm trở lại đây, tại các thôn thôn 1,4,7,8,9,10, có rất nhiều hộ dân mua đất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân xã bán có dấu hiệu trái phép.

Hộ được xã bán nhiều đất nhất là hơn 800 m2, ít nhất là 80 m2.

Quan xã bán đất trái thẩm quyền ung dung về hưu, dân bơ vơ đi tìm quyền lợi ảnh 3

Chưa kỷ luật được vì Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Thái cáo bệnh

Tùy theo diện tích và vị trí của từng lô cụ thể, mức giá bán có dao động từ vài triệu cho tới vài chục triệu đồng/lô đất. 

Điều đáng nói là, rất nhiều lô đất đã được chính quyền xã cấp cho các hộ dân chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi đất, phê duyệt quy hoạch...

Tuy nhiên, theo quan sát, đã có rất nhiều hộ đã xây dựng các công trình kiên cố trên những diện tích đất được cấp trái thẩm quyền này.

Hầu hết các hộ dân mà phóng viên có dịp tiếp xúc đều khẳng định rằng họ không biết đây phần đất họ đã mua không nằm trong quy hoạch, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Câu hỏi đặt ra là, diện tích đất được Ủy ban nhân dân xã Quảng Thái cấp trái thẩm quyền trong nhiều năm qua có bị tịch thu không?

Cần phải nói thêm rằng, với nhiều hộ gia đình, số tiền mua đất đã nộp vào ngân sách xã là khoản tiền dành dụm cả đời, thậm chí là còn phải vay mượn của người thân...

Thông tin việc bán đất nông nghiệp trái phép của Ủy ban nhân dân xã Quảng Thái đang khiến người dân hết sức lo lắng. 

Những dấu hiệu sai phạm này đã diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận, đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết rứt điểm.

Có dấu hiệu thất thoát ngân sách nhà nước

Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn xã Quảng Thái, có tới 32 hộ dân được xã bán đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rất nhiều hộ dân được chính quyền cấp đất trái thẩm quyền.

Theo quy định, kể từ ngày nhận được quyết định bàn giao đất hoặc quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của cấp có thẩm quyền, cơ quan thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người đã trúng đấu giá để hoàn thiện thủ tục, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tuy nhiên, một lãnh đạo thuộc Chi Cục thuế huyện Quảng Xương (xin giấu tên), khẳng định với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, trong hồ sơ lưu trữ tại đơn vị không có danh sách thực hiện nghĩa vụ tài chính của 32 hộ dân như danh sách phóng viên cung cấp.

Do vậy, việc hoàn thiện thủ tục, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân nhận chuyển nhượng đất trái quy định là không thể.

Vấn đề đặt ra là, số tiền lên tới hàng trăm triệu thậm chí là hơn thế, mà người dân nói rằng đã nộp cho xã thông qua việc mua bán đất được dùng vào việc gì?

Ai phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm nói trên?

Hôm 6/11,trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trịnh Xuân Nam, cán bộ địa chính xã Quảng Thái khẳng định rằng, những lô đất bán trái thẩm quyền có nguyên nhân do tồn dư của lịch sử.

“Đây là những vi phạm do lịch sử để lại. Một số người từng làm cán bộ xã đã về hưu. Các bác làm sai (lãnh đạo xã thời kỳ trước) thì chúng tôi phải sửa sai.

Chúng tôi đã lập danh sách, báo cáo về huyện những trường hợp xã cấp đất trái thẩm quyền cho dân để xử lý”, ông Nam cho biết. 

Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Quảng Thái. Ảnh: XUÂN QUANG.
Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Quảng Thái. Ảnh: XUÂN QUANG.

Trong khi đó, ông Trần Phú Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Thái thì nói, lãnh đạo địa phương chưa nhận được phản ánh của người dân về vụ việc nói trên. 

Ông Dũng cũng không trả lời về số tiền bán đất trái thẩm quyền đã dùng vào việc gì.

Một điều khó hiểu là, tại kỳ họp thứ 4 khóa XXIV, Hội đồng nhân dân xã Quảng Thái, có ý kiến đề nghị làm rõ dấu hiệu vi phạm và xử lý cán bộ liên quan tới việc cấp đất trái thẩm quyền nói trên.

Tuy nhiên, những đề nghị này vẫn chưa được thực hiện. 

Một vấn đề khác, những dấu hiệu vi phạm về quản lý đất đai tại xã Quảng Thái kéo dài trong nhiều năm, tại sao cơ quan có thẩm quyền không vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm? Dư luận nghi ngờ có sự bao che trong vụ việc này.

Cũng liên quan tới vụ việc nói trên, trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Công- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương cho biết, lãnh đạo đơn vị sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin báo chí phản ánh. 

Ông Công cũng không đưa ra bình luận gì về những dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất tại xã Quảng Thái sau khi nhận được thông tin phản ánh của phóng viên.

XUÂN QUANG