Vụ khiếu kiện kéo dài giữa Cty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình và Cty CP Đầu tư Bất động sản Hapulico:

"Quyết định thu hồi bản án 'có hiệu lực pháp luật' là sai trái"

18/04/2012 10:35
Thu Huyền - Bá Ước
(GDVN) - Đó là khẳng định của LS Xuân Bính- Văn phòng luật sư Khánh Hưng (Hà Nội) xung quanh vụ việc TAND TP Hà Nội xét xử vụ tranh chấp giữa Cty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình và Cty CP Đầu tư Bất động sản Hapulico...

Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, đương sự thực hiện đầy đủ trình tự kháng cáo theo quy định nhưng không hiểu sao Thẩm phán -TAND Hà Nội vẫn cố tình xác nhận để văn thư đóng dấu “Án có hiệu lực pháp luật” rồi gửi sang cơ quan Thi hành án.

Sau khi các cơ quan báo chí lên tiếng, mới đây Phó chánh án TAND Hà Nội đã phải ký quyết định  yêu cầu thu hồi bản án trên, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ kháng cáo chuyển lên TANDTC.

Được biết, Cty Ba Đình đã làm đơn gửi nhiều cơ quan chức năng “tố” Thẩm phán Nguyễn Văn Bốn cố tình tước đoạt quyền kháng cáo hợp pháp của đương sự.
Được biết, Cty Ba Đình đã làm đơn gửi nhiều cơ quan chức năng “tố” Thẩm phán Nguyễn Văn Bốn cố tình tước đoạt quyền kháng cáo hợp pháp của đương sự.


Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 3/1/2012, giải quyết tranh chấp giữa Cty Ba Đình và Cty Hapulico, Cty Ba Đình có đơn kháng cáo gửi TAND Hà Nội. Đến ngày 10/01/2012, TAND Hà Nội ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm gửi Cty Ba Đình.

Trong thông báo này, TAND Hà Nội xác định “đơn kháng cáo hợp lệ” và yêu cầu Cty Ba Đình liên hệ với cơ quan Thi hành án nộp tiện tạm ứng án phí phúc thẩm. Thực hiện đúng thông báo trên, ngày 13/01/2012 đại diện Cty Ba Đình đã đến Cục Thi hành án dân sự Hà Nội nộp tiền tạm ứng án phí. Theo phản ánh của Cty Ba Đình, cty đã đem biên lai thu tiền của Cục THA dân sự Hà Nội nộp cho thẩm phán Nguyễn Văn Bốn -TAND  Hà Nội.

Đáp ứng đầy đủ thủ tục kháng cáo, TAND Hà Nội cấp cho Cty Ba Đình bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM- ST ngày 03/01/2012. Bản án này được đóng dấu “ÁN CHƯA CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT”. Sau đó, chẳng hiểu vì động cơ gì, Thẩm phán Nguyễn Văn Bốn lại ký xác nhận để văn thư cấp bản án “có hiệu lực pháp luật” cho Cty Hapulico.

Về phía Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, sau khi nhận được bản án trên có đóng dấu “ÁN CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT” đã vội vàng ra quyết định thi hành án mà không kiểm tra xem xét việc đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

các tòa tháp 21 và 24 tầng đã xây thô
các tòa tháp 21 và 24 tầng đã xây thô


Đáng lưu ý, chính cơ quan này trước đó đã thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Cty Ba Đình. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao Thẩm phán Nguyễn Văn Bốn và Cục Thi hành án dân sự Hà Nội lại có sự “nhầm lẫn” nhịp nhàng như vậy? Số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà Cty Ba Đình phải nộp chỉ vẻn vẹn 200 nghìn đồng.

Sau khi, báo chí lên tiếng và Cty Ba Đình có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng, ngày 12/4/2012, bà Ngô Thị Minh Ngọc- Phó Chánh án TAND Hà Nội ký quyết định số 496/2012/QĐ-CA với nội dung: “Yêu cầu thẩm phán ra Thông báo thu hồi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật số 01/2012/KDTM-ST ngày 3/1/2012….Hoàn chỉnh hồ sơ kháng cáo chuyển lên Tòa phúc thẩm-TANDTC xem xét giải quyết kháng cáo theo quy định của pháp luật”.

Về trách nhiệm để xảy ra sự việc trên, TAND Hà Nội chỉ nêu chung chung “Việc thẩm phán ký bản án có hiệu lực pháp luật thi hành, căn cứ vào đương sự có yêu cầu nên cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội ra quyết định thi hành án bản án là Thẩm phán chưa thận trọng xem xét kỹ các tình huống sau phiên tòa”

Còn nữa, để thoái thác trách nhiệm, trong quyết định trên, tại mục “nhận thấy” và “xét thấy” lại nêu: “Từ đó đến nay, TAND Hà Nội không nhận được Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Cty Ba Đình…”. Đây cũng là lý do, TAND Hà Nội “giải thích” cho việc Thẩm phán ban hành bản án “Có hiệu lực pháp luật” sai trái nêu trên. Ngược lại, về phía Cty Ba Đình, Cty này khẳng định đã nộp Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (bản gốc) cho Thẩm phán Nguyễn Văn Bốn. Hiện, Cty chi còn bản phô tô để gửi đi các cơ quan chức năng khiếu nại sự việc trên.

Trả lời phóng viên báo chí vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh- Chánh tòa Kinh tế- TAND Hà Nội cũng trả lời chung chung: Không có quy định nào về việc phải xác nhận việc “tiếp nhận biên lai thu tiền án phí” của đương sự. Như thế, căn cứ vào đâu để TAND Hà Nội cho rằng Cty Ba Đình không nộp cho TAND Hà Nội biên lai thu tiền án phí phúc thẩm?

Dư luận đặt câu hỏi, liệu Thẩm phán có dựa vào kẽ hở trong khâu tiếp nhận biên lai để “đánh bẫy” đương sự? Nếu đương sự không khiếu nại, công luận không lên tiếng thì Cty Ba Đình nghiễm nhiên bị tước đoạt quyền kháng cáo hợp pháp của mình.

Thu Huyền - Bá Ước