Sai phạm nghiêm trọng trong thu hồi đất tại dự án đề-pô xe điện Hà Nội

06/12/2014 06:44
Ngọc Quang
(GDVN) - Hàng trăm triệu đồng đã bị chi sai pháp luật khi giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án đề-pô xe điện, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội có biết không?

Hàng trăm triệu đồng chi sai luật

Ngày 16/10/2014, trả lời cử tri về yêu cầu cung cấp các vị trí đất tại xã Tây Tựu nay là phường Tây Tựu bị thu hồi để phục vụ vào dự án xây dựng Đề pô  xe điện tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn – Ga Hà Nội), Chủ tịch UBND phường Tây Tựu cho biết là các thửa đất bị thu hồi thuộc bản đồ đất nông nghiệp số tờ bản đồ 27(324-A-I), tờ bản đồ số 28 (324-A-II), tờ bản đồ 30 (324-A-III).

Tuy nhiên, cử tri đã phát hiện ra ít nhất có tới 7 thửa đất của 4 hộ gia đình nằm ở các tờ bản đồ khác không thuộc dự án đề-pô xe điện, nhưng vẫn được nhận tiền đền bù.

Gia đình ông Nguyễn Tự Hùng bị thu hồi 340m­2 thuộc thửa số 453 tờ bản đồ 9, 336m2 thuộc thửa số 197(1) tờ bản đồ 18, 72m2 thuộc thửa số 39(1) tờ bản đồ 23.

Gia đình ông Chu Thiên Sửu bị thu hồi 337m2 thửa số 38 tờ bản đồ 19.

Lấy phiếu tín nhiệm cách đây vài ngày tại HĐND thành phố, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND thành phố đã giành vị trí thứ ba trong số những người có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất. Người dân mong rằng, Chủ tịch thành phố Hà Nội sẽ có những biện xử lý vi phạm nghiêm trọng này, đồng thời giải quyết những bất công mà nhiều người dân Tây Tựu đang phải gánh chịu.

Gia đình ông Nguyễn Khắc Hỗ bị thu hồi 360m2 thửa số 80(1) tờ bản đồ số 22, 415m2 thuộc thửa số 204(2) tờ bản đồ số 7.

Gia đình ông Chu Thiên Linh bị thu hồi 107m2 thuộc thửa số 247(1) tờ bản đồ số 8.

Cả 4 hộ gia đình đã được nhận tiền bồi thường cho 4 thửa đất nói trên từ năm 2007 (dù đất không thuộc dự án Đề-pô xe điện).

Về mặt quả lý nhà nước, tất cả các thửa trên đều được bà Nguyễn Thị Nắng Mai (hiện là Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm) năm 2009 với tư cách Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm (cũ) xác nhận trên giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất của các hộ là thu hồi theo Quyết định 1481/QĐ-UB ngày 21/9/2006 của UBND TP Hà Nội về việc thu hồi 161.892m2 đất tại các xã Tây Tựu, Minh Khai huyện Từ Liêm, giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất xây dựng Đề pô xe điện thuộc Dự án đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn – Ga Hà Nội).

Gia đình ông Chu Thiên Sửu đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn sử dụng bình thường khu đất này.
Gia đình ông Chu Thiên Sửu đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn sử dụng bình thường khu đất này.

Tại sao những thửa đất không nằm trong dự án đề-pô xe điện lại được lập phương án đền bù hàng trăm triệu đồng?Qua xác minh thực tế, phóng viên được biết hiện cả 4 gia đình trên đều đang canh tác bình thường trên những thửa đất được “gắn mác thu hồi giả” nhưng lại nhận tiền “đền bù thật”.

Trả lời phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Việt – Chủ tịch UBND phường Tây Tựu thừa nhận, việc đền bù cho các hộ dân nói trên ở những thửa đất không thuộc dự án đề-pô xe điện là sai về mặt luật pháp, nhưng lại “hợp lòng dân”.

“Hồi đó có chủ trương cho hoán đổi diện tích từ thửa nọ sang thửa kia của cùng một hộ”, ông Việt nói.

Theo lời ông Việt, để lên phương án bồi thường đất, hoa màu… thuộc thẩm quyền của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm).

“Theo tôi cứ gặp trực tiếp đồng chí Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng. Hiện nay, anh Vinh (ông Nguyễn Kim Vinh – Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm – PV) vẫn đang làm giai đoạn 2. Hỏi chỗ đó thì đúng thẩm quyền, đúng người giải quyết. Khi một đồng ngân sách về giải phóng mặt bằng chuyển đến cho người dân nhận cũng phải sáu bảy chữ ký và sáu bảy con dấu, vì vậy hỏi chỗ ấy là đúng nhất, chính xác nhất và đúng thẩm quyền giải quyết nhất”, ông Việt cho biết.

Phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Kim Vinh – Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm để trao đổi về phản ánh của người dân. Tuy nhiên, ông Vinh trả lời: “Hồ sơ đã xong, quận chỉ xem lại khi có đơn thư”.

Gia đình ông Chu Thiên Linh được đền bù tiền và vẫn canh tác bình thường.
Gia đình ông Chu Thiên Linh được đền bù tiền và vẫn canh tác bình thường.

Đền bù không công bằng, chỗ cao chỗ thấp, dân biết kêu ai?

Ngày 31/12/2007, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm có quyết định về việc thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng đề pô-xe điện tại xã Tây Tựu, huyện Từ  Liêm, Hà Nội thu hồi 1014m2 đất nông nghiệp thuộc thửa 203, tờ bản đồ số 27 của gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng. Trong điều 2 của quyết định này có nêu: “Trung tâm phát triên quỹ đất có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Tây Tựu và các phòng ban có liên quan thuộc huyện lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của nhà nước”.

Trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu thừa nhận chuyện đền bù cho các hộ dân trên là sai luật. Theo ông Việt, để làm rõ thì phải hỏi Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm).

Vậy mà trước đó hơn 9 tháng, tại quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 29/3/2007, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ra quyết định về việc phương  án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (đợt 5) tại xã Tây Tựu Dự án Xây dựng Đề-pô xe điện thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội trong đó đưa ra một danh sách bồi thường tiền đủ loại (tiền bồi thường, hỗ trợ đất; tiền bồi thường, hỗ trợ công trình xây dựng; tiền bồi thường, hỗ trợ cây cối hoa màu; tiền đào tạo hỗ trợ chuyển nghề; tiền hỗ trợ ổn định đời sống; tiền công tôn tạo đất; tiền công đào ao; tiền thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng) đối với 18 gia đình trong đó có gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng. Và coi đó là thời điểm phê duyệt phương án chính thức.

Do không chấp nhận những bất hợp lý nêu trên gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng (đại diện ủy quyền là ông Nguyễn Khăc Kiên – con trai ông Lượng) và các gia đình ông Chu Hữu Hùng, Nguyễn Thị Chung đã khiếu nại liên tục nhiều năm nay.

Trong hành trình đi tìm công lý họ tiếp tục phát hiện một sự thật “choáng váng” nữa: Ngày 29/11/2007, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông Nguyễn Long Thăng (ở thôn Nguyên Xã, Minh Khai, Từ Liêm) phục vụ cho dự án Đề-pô xe điện.

Do không đồng tình với nội dung quyết định này, gia đình ông Nguyễn Long Thăng đã thực hiện khiếu nại và đến năm 2009, UBND huyện Từ Liêm đã phải giải quyết quyền lợi cho gia đình ông Thăng căn cứ vào Nghị định 84/2007/NĐ-CP với mức đền bù là 162.000đ/m2 cao hơn mức 108.000đ/m2 đối với trường hợp áp dụng cho nhà ông Nguyễn Khắc Lượng và nhiều gia đình khác ở xã Tây Tựu.

Vậy là tại cùng một dự án, nhưng trường hợp của ông Nguyễn Long Thăng (xã Minh Khai) thì được áp dụng Nghị định 84/2007/NĐ-CP và có mức bồi thường cao hơn các hộ dân khác ở xã Tây Tựu.

Như vậy, cho đến thời điểm này, tại dự án đề-pô xe điện đã xảy ra hai chuyện quá rõ ràng: Thứ nhất là đền bù không công bằng giữa các hộ dân như trường hợp gia đình ông Nguyễn Long Thăng và ông Nguyễn Khắc Lượng; Thứ hai là nhiều thửa đất không nằm trong dự án đề-pô xe điện lại được “làm phép” để moi tiền ngân sách.

Khi lấy phiếu tín nhiệm cách đây vài ngày tại HĐND thành phố, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND thành phố đã giành vị trí thứ ba trong số những người có phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất. Điều đó chứng tỏ, ông Thảo đã có nhiều nỗ lực hơn trong thời gian gần đây. Nhưng liệu Chủ tịch thành phố có biết những sai phạm tày đình này của cấp dưới?

Người dân mong rằng, qua những phản ánh trên, Chủ tịch thành phố Hà Nội sẽ có những biện pháp đủ mạnh để giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho các hộ dân ở xã Tây Tựu đang bị đối xử bất công, đồng thời xử lý những cá nhân và tập thể đã rút hàng trăm triệu đồng tiền ngân sách đền bù cho những thửa đất không nằm trong dự án đề-pô xe điện.

Ngọc Quang