Từ những con đường đầy bao cao su đến những đứa trẻ bị bỏ rơi:

Sau con đường đầy bao cao su là khát khao tình yêu thật lòng

17/12/2011 23:27
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Tình yêu đối với mỗi người khi đến tuổi trưởng thành là một điều tất yếu, thế nhưng đối với nhiều nữ công nhân thì đó quả là một mong ước quá xa vời...

Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội phải đến các cơ sở y tế nạo phá thai bắt nguồn từ những điều tưởng chừng như giản dị nhất đó là sự khao khát được yêu thương che chở, nhưng lại trao thân cho nhầm người. Nhiều trường hợp, các nữ công nhân bị chính người yêu mình bỏ rơi phải sinh con một mình rồi vì những lí do, áp lực khác nhau mà họ lại bỏ rơi đứa con mình đã sinh ra ...

Nhiều nữ công nhân đã chôn vùi tuổi xuân trong khu công nghiệp nhưng vẫn chưa tìm được hành phúc cho riêng mình
Nhiều nữ công nhân đã chôn vùi tuổi xuân trong khu công nghiệp nhưng vẫn chưa tìm được hành phúc cho riêng mình

Sau nhiều lần tiếp xúc với Nguyễn Thị T (trú tại xã Đông Mai, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh) hiện đang làm công nhân trong công ty Canon, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chị mới đồng ý chia sẻ những tâm sự được giữ kín trong lòng bấy lâu về cuộc sống của chính bản thân mình và những công nhân khác.

T cho biết, tại công ty của chị phần lớn là phụ nữ, tỉ lệ con trai chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng số công nhân. Trong khi đó phần lớn những nữ công nhân đều xuất phát từ các tỉnh lân cận và có hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả: “Một số công nhân học xong cấp 3 rồi đi vào đây làm luôn, một số khác cũng chỉ mới tốt nghiệp cấp 2 cũng đi làm. Những bạn này vừa mới rời ghế nhà trường và gia đình nên thời gian đầu cảm thấy rất cô đơn và trống trải. Khi nhìn một số công nhân khác có người yêu lo lắng, chăm sóc, những bạn này cảm thấy rất tủi thân và nhớ nhà", T cho biết.

Những viên vỉ thuốc tránh thai khẩn cấp được vứt ở các con đường vắng tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long
Những viên vỉ thuốc tránh thai khẩn cấp được vứt ở các con đường vắng tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long

T chia sẻ, với thời gian làm việc cả ngày, nhiều khi còn tăng ca vài tiếng khi về tới nhà các nữ công nhân đã mệt mỏi không còn nhiều thời gian và chỗ vui chơi tập thể để giao lưu kết bạn với những bạn nam khác. Hơn nữa dù có muốn thì cũng không có nhiều con trai để mà trò chuyện hay bắt đầu một mối quan hệ thân thiết hơn vì khu công nghiệp nhìn đâu cũng thấy toàn con gái. Chỉ một số nữ công nhân có bề ngoài ưa nhìn được các nam công nhân khác để ý đến.

T cho biết thêm, mặc dù đã 26 tuổi nhưng bản thân T hiện nay vẫn chưa có người yêu: “Bọn em đã chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong các nhà máy xí nghiệp nhưng lại chẳng thể tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Bây giờ em đã lớn tuổi rồi dù nên rất khó tìm được một tình yêu trọn vẹn. Bây giờ có người đến với mình là may rồi chứ còn thời gian đâu mà "kén cá chọn canh" nữa hả anh. Chính vì vậy bọn em bị lừa tình nhiều lắm. Nhiều bạn biết người yêu mình lừa gạt nhưng vẫn cố gắng níu giữ mối quan hệ đó”, T buồn bã cho biết.

Kết quả còn lại sau mỗi lần nam nữ công nhân "tâm sự" tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long
Kết quả còn lại sau mỗi lần nam nữ công nhân "tâm sự" tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long

Cũng theo lời T, nhiều gã “sở khanh” đã nắm bắt được tâm lý này của các nữ công nhân nên đã tiến hành “bắt cá nhiều tay”. Sau khi đã “no xôi chán chè” những gã “sở khanh” này sẵn sàng rời bỏ các cô gái bất cứ lúc nào. Nhiều bạn gái trước khi đi làm công nhân cũng đã có người yêu ở quê và vẫn liên lạc, nhắn tin bình thường. Chỉ đến khi, có người thông báo cho các cô ấy biết là người yêu ở quê sắp lấy vợ thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Thì ra trong lúc vẫn nói lời yêu thương, động viên các cô gái làm việc thì ở nhà những chàng trai này đã có cơ hội tìm hiểu các cô gái khác.

Nhiều công nhân tìm được người yêu là một chuyện nhưng tìm được chỗ để ngồi tâm sự, trò chuyện thì lại càng khó khăn hơn. Ở nhà tập thể nên tranh thủ những giờ nghỉ giải lao ít ỏi, nhiều nam nữ yêu nhau rủ nhau đi ra ngoài tâm sự, thê nhưng họ lại chẳng biết đi đâu. Xung quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long không có chỗ nào làm nơi riêng tư cho họ. Chính vì vậy nhà nghỉ và những con đường vắng là địa chỉ quen thuộc dành cho những nam nữ công nhân này. Chính những nơi này đã tạo lên nhiều hệ lụy đau lòng đối với nữ công nhân và tạo nên các con đường đầy bao cao su.

Nguyễn Tiến