Sau khi tốt nghiệp đại học, hai nữ sinh xứ Thanh vẫn lên đường nhập ngũ

15/02/2017 14:15
Nguyễn Huyền
(GDVN) - Em Lê Thị Thùy Linh sau khi đã tốt nghiệp 2 trường đại học vẫn quyết định đăng ký và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Bên cạnh hàng triệu thanh niên đang hăng hái lên được nhập ngũ, phục vụ cho quân đội, Tổ quốc, còn có những thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Hai nữ sinh sau khi tốt nghiệp đại học ở xứ Thanh nhưng vẫn tình nguyện lên đường nhập ngũ là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên học tập, noi theo.

Những ngày qua, gia đình cô gái Lê Thị Thùy Linh (ở phố Tây Sơn 3, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) không khỏi phấn khởi, vui mừng vì Linh đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Sau khi trúng tuyển và chuẩn bị lên đường nhập ngũ về Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Linh được rất nhiều người thân, bạn bè, hàng xóm phấn khởi, ủng hộ.

Đây sẽ là một chặng đường để Linh bước tiếp theo truyền thống của gia đình.

Cô gái Lê Thị Thùy Linh (ở phố Tây Sơn 3, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) không khỏi phấn khởi, vui mừng vì đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tiếp bước truyền thống của gia đình (ảnh N.Q)
Cô gái Lê Thị Thùy Linh (ở phố Tây Sơn 3, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) không khỏi phấn khởi, vui mừng vì đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tiếp bước truyền thống của gia đình (ảnh N.Q)

Từ nhỏ, Linh đã có ước mơ sẽ trở thành nữ chiến sỹ phục vụ trong quân đội nhân dân, bởi được sinh ra trong gia đình có truyền thống phục vụ trong quân đội.

Bố Linh là Trung tá Lê Văn Hiền - Trợ lý Quân lực, Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Còn mẹ Linh là Thiếu tá Lê Thị Lý, nhân viên Ban Thanh tra Quốc phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa.

Ông ngoại của Linh cũng từng chiến đấu anh dũng khắp các chiến trường và hi sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của Tổ quốc.

Chính truyền thống gia đình đã nuôi ước mơ trở thành chiến sĩ trong con người Linh ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán - Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội và ngành Quản lý đất đai - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Linh vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ phục vụ  trong quân đội, mặc dù rất nhiều công việc đang đón đợi Linh phía trước.

Đầu năm 2017, khi biết thông tin Bộ Tư lệnh Thông tin tuyển chọn quân nhân nữ, Linh đã tình nguyện nộp đơn.

Vượt qua các vòng sơ tuyển, khám tuyển, Linh là một trong hai nữ công dân của tỉnh Thanh Hóa chính thức có lệnh gọi nhập ngũ.

Đây không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân Linh mà còn là niềm tự hào của gia đình, bạn bè và bà con khu phố.

“Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường em đã có mơ ước trở thành người lính phục vụ quân đội, Tổ quốc giống ông bà, bố mẹ em.

Trúng tuyển đợt này là điều may mắn và hạnh phúc đối với bản thân và gia đình em.

Vào với môi trường quân đội, em sẽ phấn đấu, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với mong mỏi của gia đình và để thỏa niềm mong ước bấy lâu nay của em”, Linh tâm sự.

Với chị Lê Thị Lý (mẹ ruột Linh) thì đây không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào, niềm vui sướng, càng khiến chị không thể quên được những kỷ niệm cách đây 30 năm khi mới bước chân vào môi trường quân đội.

“Con gái vào bộ đội cứ như là mình của 30 năm về trước vậy, vẫn biết bộ đội ngày nay không như mình ngày xưa, nhưng vẫn thấy lo lắng hồi hộp, con là phận gái, môi trường quân đội chắc chắn sẽ vất vả gian khổ, không thoải mái tự do như cuộc sống của sinh viên cũng như sống với bố mẹ!

Từ hôm nhận được lệnh gọi nhập ngũ của cháu, tôi cũng đã dành nhiều thời gian tâm sự, động viên, hướng dẫn những điều cơ bản nhất của những ngày đầu vào quân ngũ cho cháu hiểu và quyết tâm phấn đấu vượt qua.

Rất may là cháu cũng hiểu được truyền thống của gia đình, cũng như ý thức được có bố và mẹ đều là quân nhân nên cháu rất tự tin và mong chờ ngày được chính thức học tập và rèn luyện trong môi trường Quân đội”, chị Lý chia sẻ.

Cùng chung ước mơ giống Linh, em Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1994, ở số nhà 37, phố Phạm Hồng Thái, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa cũng đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Bí thư tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng quà động viên Tuyết trước khi lên đường nhập ngũ (ảnh TH)
Bí thư tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng quà động viên Tuyết trước khi lên đường nhập ngũ (ảnh TH)

Nguyễn Thị Tuyết là con thứ 2 trong gia đình, ngay từ nhỏ, Tuyết đã được mẹ định hướng, nuôi ước mơ trở thành một nữ chiến sĩ, để tiếp nối truyền thống gia đình, năm 2016 sau khi tốt nghiệp văn bằng 2, (khoa Kế toán Trường Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội) Tuyết đã tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Được biết, Tuyết sinh ra trong gia đình có truyền thống phục vụ quân đội, mẹ Tuyết là thiếu tá Lê Thị Thủy, làm thủ kho quân khu, Phòng hậu cần, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, bố của Tuyết làm tại Bệnh viện y học dân tộc Thanh Hóa, anh trai Tuyết đang là sinh viên năm 3 của Học viện Biên phòng.

Theo kế hoạch, ngày 15/02 Tuyết sẽ tập trung tại K9-Bộ tư lệnh Biên phòng. Sau đó được đưa về Lương Sơn (Hòa Bình) để huấn luyện.

Từ 1/1/2016, công dân nữ đủ 18 tuổi được đi bộ đội

Theo Luật nghĩa vụ quân sự chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016, công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên sẽ được tham gia phục vụ quân đội nếu có nguyện vọng.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến ĐB đề nghị cần rà soát các quy định để đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc bình đẳng giới, tạo điều kiện cho công dân nữ rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội, góp phần tạo nguồn cán bộ nữ cho địa phương.

Vì thế, tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định, công dân nữ cũng được tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 6 Luật nghĩa vụ quân sự, công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.

Còn tại Điều 7 của luật này quy định về nghĩa vụ trong ngạch dự bị cũng đã bổ sung, công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân. Về độ tuổi, công dân nữ phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự (trong khi quy định với nam là 17 tuổi).

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là Luật cũng quy định, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Với sinh viên cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là 24 tháng.

Luật nghĩa vụ quân sự chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016.

Nguyễn Huyền