Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa cũng từng bị 'chặt chém' ở Sầm Sơn

26/07/2012 13:47
Hải Sơn - Hoàng Lực
(GDVN) - Không chỉ khách du lịch mới dính phải nạn "chặt chém" ở Sầm Sơn mà ngay cả Sở VHTT&DL Thanh Hóa cũng "nếm mùi" của những chiếc "siêu máy chém" ở địa phương này.
Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các ý kiến xung quanh câu chuyện các dịch vụ "chặt chém" cũng như cung cách phục vụ thiếu tôn trọng khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau gửi đến.Nhằm tìm ra nguyên nhân, cách giải quyết cho vấn nạn trên, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (Sở VHTT&DL Thanh Hóa) xung quanh vấn đề này.
Sở dĩ có chặt chém là vì tranh thủ mùa vụ
Theo ông Doãn Văn Phú, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn “chặt chém” ở Sầm Sơn là do áp lực bởi yếu tố mùa vụ nên chất lượng, giá cả, thái độ phục vụ đã không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. “Nói thật họ đầu tư lớn, thu trong 3 tháng nên không thu như thế không thể nào chịu nổi. Bởi tất cả người dân Sầm Sơn đều trông vào có dịp này nên các dịch vụ được gọi là “chặt chém” khó tránh khỏi. Cho nên vấn đề này vô cùng khó giải quyết” - ông Phú, nhận định.
Ông Doãn Văn Phú, Phó GĐ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.
Ông Doãn Văn Phú, Phó GĐ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.
Ông Phú dẫn dắt: Đứng ở góc độ quản lý thì chủ kinh doanh thu phí dịch vụ không sai. Nhưng ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà nước, ở đây là UBND thị xã Sầm Sơn cần phải có thái độ kiên quyết và kịp thời can thiệp đối với các hộ kinh doanh khi thực hiện áp giá bán, thu phí các dịch vụ. Nghĩa là ở đây, giá bán hàng phải phù hợp và đảm bảo chất lượng khi bán sản phẩm đó.
“Nhưng vì yếu tố thị trường, yếu tố cung - cầu tác động vì cuối tuần đông nên “cầu” sẽ lớn hơn “cung”, người kinh doanh phải đưa ra giá ấy mới đáp ứng sự thiếu hụt của “cung”. Thường khách lẻ phải chịu cái này còn khách theo đoàn, đặt phòng trước thì ít chịu hơn. Vì là thời vụ cơ sở lưu trú không chuyên nghiệp, rồi khách quá đông nên thái độ phục vụ có vấn đề cả về tâm lý và chất lượng sẽ không thể đảm bảo được” – ông Phú, cho hay. Trả lời câu hỏi về tình trạng một số chủ kinh doanh theo kiểu “1 trong 2” (hay nhiều dịch vụ kèm theo khác - PV) thực chất là ép khách hàng sử dụng thêm các dịch khác mới được đáp ứng yêu cầu, phổ biến như nghỉ, ngủ cộng thêm ăn uống; uống nước trả thêm tiền ghế ngồi; chụp ảnh cho “mượn” mũ nhưng tính tiền “thuê” mũ… gây tâm lý khó chịu cho du khách khi đến Sầm Sơn? thì ông Phú thừa nhận, Sầm Sơn trước kia có và bây giờ vẫn còn đôi chỗ theo kiểu kinh doanh này.
Ngay đoàn của Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng bị chặt chém
“Cái này chúng ta cần phải lên tiếng, cấp quản lý nhà nước ở địa phương cần phải can thiệp hành vi ép khách phải sử dụng một số dịch vụ kèm theo mà điển hình là dịch vụ ăn uống. Như những hôm "cháy" phòng, khách muốn thuê được nhà nghỉ thì phải chấp nhận sử dụng thêm dịch vụ ăn uống nữa. Ngay cả Sở cũng từng gặp chuyện này. Cái này ít thôi nhưng cái này có” – ông Phú, cho biết.
Nghe Audio PV phỏng vấn Phó GĐ Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém khách du lịch trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
“Điều quan trọng vẫn ở cấp quản lý trực tiếp là UBND thị xã Sầm Sơn. Sầm Sơn phải tăng cường công tác kiểm tra, rồi tổ chức các mạng lưới thông tin tiếp thu phản hồi ý kiến của khách hàng để có phương án giải quyết bảo vệ lợi ích chính đáng cho du khách. Đặc biệt, trong công tác quản lý nhà nước, UBND thị xã Sầm Sơn bắt buộc phải công khai giá cả, giá dịch vụ cho khách du lịch biết, tránh tình trạng mập mờ trong giá bán. Đồng thời phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết và cần có động thái điều tiết, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời từ nhiều kênh thông tin cảnh báo cho khách du lịch biết để tránh. Trên cơ sở đó chúng ta mới có cơ sở xử lý vi phạm và chấn chỉnh mặt chưa tốt được” – ông Phú đưa ra hướng giải quyết.
Nhiều du khách thấy khó chịu về thái độ phục vụ và vấn nạn "chặt chém" của một số chủ kinh doanh tại biển Sầm Sơn - Thanh Hóa (ảnh Internet)
Nhiều du khách thấy khó chịu về thái độ phục vụ và vấn nạn "chặt chém" của một số chủ kinh doanh tại biển Sầm Sơn - Thanh Hóa (ảnh Internet)
Cũng theo ông Phú, ở Sầm Sơn đâu đó đang tồn tại tình trạng chủ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn đơn phương hủy hợp đồng đối với khách. Ví dụ khách đã đặt phòng khoảng 1,5 triệu đồng/phòng nhưng khi thấy khách đông, người khác đến trả giá cao hơn thì bị chủ hủy hợp đồng. "Điều này không chỉ ảnh hưởng đến du khách, ảnh hưởng uy tín của khách sạn, chủ kinh doanh nhà nghỉ mà ảnh hưởng đến chính ngành du lịch của Thanh Hóa" - ông Phú nhìn nhận. "Chúng ta mua, bán, sử dụng dịch vụ tại các khu du lịch, bãi tắm, khu nghỉ dưỡng... phải trả phí là lẽ đương nhiên vì không chỉ riêng Sầm Sơn mới áp dụng. Nhưng ở đây chính là việc chính quyền địa phương không có hướng dẫn, quy định cụ thể và yêu cầu bắt buộc đối với các hộ kinh doanh trong thực hiện việc niêm yết giá bán và công khai về giá dịch vụ cho khách hàng biết dẫn đến tình trạng mập mờ, thậm chí thu sai.  Và lẽ ra UBND thị xã Sầm Sơn phải bắt chủ kinh doanh phải công khai giá cả thì khi đó mới có cái mà quản lý chứ. Tại sao phải thế, anh bắt buộc như thế thì khi kiểm tra mới phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm được. Việc công khai này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hộ kinh doanh và trong các hoạt động kinh doanh mới có thể nâng cao được thái độ, chất lượng phục vụ. Đó mới là nội dung cần phải quản lý chứ" - ông Phú nhấn mạnh.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém khách du lịch trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Hải Sơn - Hoàng Lực