TS Lê Thẩm Dương bật mí về phương pháp giảng dạy cuốn hút

02/04/2012 13:00
Cao Tuân - Hải Sơn
(GDVN) - Sau rất nhiều những ý kiến trái ngược nhau về phương pháp giảng dạy gây buồn ngủ tại các giảng đường, TS Dương đã bật mí với GDVN về vấn đề này.
Người thầy phải thích ứng với nhu cầu phát triển của xã hội

Mới đây, trong một lần ra Hà Nội công tác, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với vị Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh. Chia sẻ với phóng viên về câu chuyện dạy và học của giảng viên và sinh viên bây giờ, TS Lê Thẩm Dương cho biết: ông cũng đã từng được học nghiệp vụ sư phạm và từng học, giảng dạy tại nước ngoài.

Trong môi trường giáo dục, người giảng dạy phải có con mắt biện chứng và con mắt lịch sử cụ thể. Môi trường giáo dục trường học rất khác nhau, chủ thể ở trường học cũng khác nhau hoàn toàn. Vì người học hiện nay trong thế bị động, nếu người thầy không biết tác động vào điều đó thì chỉ làm buổi học thêm nhàm chán.


Theo TS Lê Thẩm Dương phải coi sinh viên là vấn đề chủ thể, trọng tâm (ảnh Hải Sơn)
Theo TS Lê Thẩm Dương phải coi sinh viên là vấn đề chủ thể, trọng tâm (ảnh Hải Sơn)

"Một số đồng nghiệp của tôi vẫn thừa nhận việc giảng dạy cho sinh viên bây giờ đang ở trạng thái tĩnh. Khi tôi được tiếp xúc giảng dạy ở nước ngoài, tôi nhận thấy khác với nền giáo dục của ta, đơn giản là việc không còn ngăn cách với bục giảng nữa, thầy và trò có chỉ là ở những trao đổi, chia sẻ. Bởi người ta nhận thấy rằng, sinh viên hiện nay khác lắm rồi.

Thực tế hiện nay cho thấy, người thầy là người bán sản phẩm giảng dạy còn sinh viên là người nhận sản phẩm giảng dạy, cho nên cái thực tiễn không có. Giống như người ta xây một ngôi nhà cũng nhìn thấy đâu là trọng tâm, đâu là cốt lõi. Liên tưởng đến ngành Giáo dục, sinh viên phải là trọng tâm. Nhưng quan trọng phải nhìn thấy, phải hiểu và phải biết sinh viên ấy cần cái gì và mình phải đáp ứng như thế nào"._TS Dương chia sẻ.

TS Dương nhấn mạnh: “Tôi xin nhắc lại, người học bây giờ thực sự phải là trọng tâm, bởi người học ở trạng thái động và sinh viên vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Trạng thái động ở đây có nghĩa là sinh viên là trình độ rất cao khi mạng internet như một thế lực thứ 5, vì họ cũng ít nhiều biết về nội dung. Tức là họ đã va chạm, cảm thụ và nhìn nhận vấn đề tương đối mà thầy đưa ra trong bài giảng. Vì thế, những cái khoanh tay “em chào thầy họ bớt đi”. Điều ấy tốt xấu tôi không bàn luận nhưng yếu tố thị trường khiến con người ta thay đổi và thích ứng nhanh chóng hơn”.

TS Lê Thẩm Dương cho biết thêm: Trong nền kinh tế thị trường, mình cũng không thể chiều sinh viên trái với thuần phong mỹ tục được, cho nên mình nói tục cũng là điều cần tránh. Nhu cầu phát triển của xã hội mình là người thầy phải thích ứng với xu hướng phát triển của xã hội. Tức là người thầy cần phải thay đổi nhận thức, tư duy và đưa ra phương pháp giảng dạy hợp lý.
Phương pháp tốt phải đi cùng với nội dung của nó. Nội dung quyết định phương pháp cho nên giảng viên phải cập nhật liên tục những thông tin mới nhất. Phương pháp không nên cứng nhắc, quan trọng phải làm cho sinh viên hiểu được và phải gây hứng thú với vấn đề mình đề cập đến.
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, một điều quan trọng nhất của người thầy là tạo nhiệt huyết trong bài giảng. Sự nhiệt huyết đó nó nằm trên mắt, nó qua cách giảng dạy, truyền đạt và trong tình cảm quý mến, lòng tin của người thầy với học trò và mang lại cho họ sự ham muốn đến tận cùng của vấn đề. Thế mới đánh giá được kết quả” – TS. Dương chia sẻ.

Bán kiến thức sinh viên cần chứ không bán cái mình có…

“Người thầy là bán sản phẩm đào tạo, là bán cái người ta cần, không được bán cái mình có, đó là nguyên tắc của thị trường. Nói thế này lại đụng chạm đến giáo viên, đồng nghiệp của tôi, hình như họ đang bán cái mình có mà sinh viên không cần thì đôi khi sẽ khó tránh việc sinh viên… buồn ngủ”, TS Lê Thẩm Dương bày tỏ.
Cũng theo TS Dương, điều cần chia sẻ với sinh viên, nếu anh là trường Hàn Lâm hay gì đó, ứng dụng gì ông không biết nhưng vẫn phải chỉ ra cái thực tiễn của nó. Ngoài thực tiễn người thầy phải nói được và nói lên bản chất của vấn đề làm cho sinh viên hiểu. Bởi sự cập nhật thông tin qua mạng internet hiện nay rất tốt, họ đọc rất nhiều thứ và cập nhật được ngay mà thầy, cô không xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ thua ngay. Rồi thầy cô đưa ra vấn đề mà không giải thích được vấn đề đó thì lại càng làm cho sinh viên buồn ngủ.
Mình du nhập các phương pháp đào tạo tiên tiến ở nước bạn vào mà không vận dụng một cách khéo léo liên hệ thực tế tốt thì nó thành ra lại dở. Việc lạm dụng những bài thuyết trình, ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào bài giảng không khéo sẽ khiến sinh viên mệt mỏi và không thấy hứng thú. Điều đó tại thầy hay tại trò? Vậy thuyết trình hay không thuyết trình nhưng để sinh viên hướng vào trọng tâm là điều quan trọng nhất. Giáo dục ở Việt Nam bây giờ bị hạn chế bởi không gian lớp học và môi trường học tập. Tất cả giới hạn đó khiến giảng viên cũng phải thích nghi trong môi trường giảng dạy được coi là hiệu quả cho sinh viên.

TS Lê Thẩm Dương (ảnh Cao Tuân)
TS Lê Thẩm Dương (ảnh Cao Tuân)


“Việc mọi người đang lợi dụng máy chiếu, lợi dụng công nghệ máy chiếu để đưa vào bài giảng của mình chưa hẳn đã mang lại kết quả. Bởi máy chiếu, đèn chiếu cũng phải thực hiện theo nguyên lý của nó chứ bài giảng hoàn toàn bằng chữ mà không có hình ảnh mình họa thì việc bài giảng giống hệt chữ sẽ gây buồn ngủ là điều khó tránh khỏi” – TS Dương nhận định.
Cũng theo TS Dương, nhận thức dân trí bây giờ rất khác. Nếu như trước kia người thầy dẫn giải một ví dụ quá trớn sẽ không thể chấp nhận được, nhưng ngày nay thì có thể chấp nhận được. Đạo cụ giảng dạy hay phương pháp đưa vào bài giảng phải đưa sao cho thích hợp. Phương pháp giảng bài kiểu đọc, chép có thể sinh viên biết rồi sẽ không hấp dẫn và gây nhàm chán, không hứng thú ngay. 
“Tôi giảng bài thường nêu ra vấn đề nóng nhất, giải thích vấn đề bằng lý luận và lắng nghe một số ý kiến của các bạn sinh viên phản hồi lại để chốt lại vấn đề thì sinh viên sẽ thấy hứng thú với vấn đề đó” – TS Dương đưa quan điểm.
“Tôi mong muốn mang lại cái mà sinh viên cần là niềm tin, là bài giảng hấp dẫn chứ không “bán” cái mình có. Bởi tôi bao giờ cũng dạy đến tận cùng, đặc biệt tôi quan tâm đến kiến thức mềm cho sinh viên. Sinh viên trẻ hiện nay luôn có hoài bão, lý tưởng cụ thể, sinh viên thực dụng nhưng cũng phải khôn ngoan làm cho mình nghĩa là cũng phải làm cho xã hội” – TS Dương góp ý.
Cao Tuân - Hải Sơn