"Tại sao tôi nói sử dụng ôtô góp phần giảm ùn tắc giao thông?"

27/04/2012 06:59
Nguyễn Duy Tuyên/ Dân trí
Theo tôi, sử dụng ô tô có nhiều ưu điểm như: đảm bảo an toàn hơn, góp phần vào việc nâng cao ý thức giao thông, hình thành văn hóa đi bộ cũng như hạn chế trình trạng mua hàng tại các chợ cóc, hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
1. Ô tô rõ ràng là phương tiện đảm bảo an toàn tính mạng và đảm bảo sức khỏe cho người tham gia giao thông tốt hơn xe máy. Khi đi xe máy chỉ cần một va quệt nhẹ đã có thể làm cho người ta ngã ngay ra đường, làm nguy hại đến tính mạng.

Tuy nhiên với ô tô thì đa phần là xe ô tô chỉ bị trầy xước, chứ không ảnh hưởng đến tính mạng người ngồi trong xe. Trong những ngày thời tiết mưa rét, nắng nóng, các gia đình chở con trẻ đến trường hay về quê, nếu có ô tô đi sẽ đảm bảo tốt sức khỏe hơn cho người ngồi trong xe, không như đi xe máy trẻ rất dễ bị ốm.

Ảnh minh họa: Teambuilding.
Ảnh minh họa: Teambuilding.
 
2. Đi ô tô sẽ góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Vì ô tô là phương tiện chiếm dụng lòng đường lớn, nên khi sử dụng ô tô người lái xe khó có thể lạng lách, đánh võng, chen ngang, vượt ẩu, leo lên vỉa hè để đi (đỡ làm hỏng vỉa hè), dừng đỗ tùy tiện mua hàng…
Nhất là khi tuyến đường có nhiều xe ô tô thì thường các ô tô phải đi theo đúng từng làn đường. Người lái xe ô tô cũng có ý thức giữ gìn phương tiện của mình hơn, vì nếu để va quệt sẽ mất một khoản tiền lớn để sửa chữa. Hai nữa là nếu xe ô tô vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Chính vì thế, chúng ta đều có thể thấy rằng người lái xe ô tô thường tuân thủ luật lệ giao thông tốt hơn người đi xe máy.
3. Sử dụng ô tô hay phương tiện giao thông công cộng sẽ góp phần hình thành nên văn hóa đi bộ. Chúng ta thấy rằng khi người dân sử dụng phượng tiện giao thông công cộng hay ô tô, thì nếu chỉ đi đâu đó trong khoảng cách vài trăm mét (đi chợ, đi ăn trưa,...) người ta sẽ đi bộ thay vì lấy ô tô đi,  vì phải tính đến chỗ đỗ xe.

Còn nếu đi xe máy, người ta vẫn sẵn sàng sử dụng vì có thể để nó ngay ở vỉa hè. Chính vì thế mà người đi ô tô lại cũng góp phần làm giảm phương tiện tham gia giao thông.
4. Sử dụng phương tiện ô tô sẽ góp phần hình thành văn hóa đi siêu thị. Chúng ta thấy rằng các chị em thường tranh thủ trên đường đi làm về tạt qua chợ mua đồ ăn, hoặc dừng lại ngay cạnh những gánh hàng rong trên vỉa hè mua đồ. Nhưng nếu đi ô tô họ khó có thể làm như thế được, vì không có chỗ đỗ xe. Các gia đình có xe ô tô cuối tuần thường cho cả nhà đi siêu thị mua hàng hay cho con cái đi chơi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Như vậy chúng ta có thể thấy rằng ô tô cũng góp phần làm cho người dân sẽ đi siêu thị nhiều hơn và hạn chế đi chợ hay mua ở những gánh hàng rong. Và cứ như thế, dần dần sẽ hạn chế được trình trạng chợ cóc, hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Cũng hạn chế được tình trạng sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Văn hóa đi bộ, đi siêu thị, ý thức dùng các hàng hóa có xuất xứ, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh cũng là quá trình phát triển tất yếu của xã hội khi bước lên một xã hội văn minh. Trong đó, theo tôi, ô tô cũng góp phần làm cho quá trình này phát triển nhanh hơn.
Ở Hà Nội đã thành lập nhiều tuyến phố đi bộ, nhưng chúng ta thấy xe máy vẫn cứ phóng vèo vèo. Tại sao lại như vậy? Trong khi ở các nước phát triển sử dụng nhiều ô tô họ không cần thành lập tuyến phố đi bộ, mà người dân vẫn cứ đi bộ rất nhiều trên vỉa hè. Người ta thường chỉ hạn chế xe ô tô khi ít nhất mỗi gia đình đã ó một xe ô tô để họ chủ động trong cuộc sống của mình.
Còn ở Việt Nam, tôi thấy  mỗi gia đình thường có tới 2, 3 cái xe máy thì ta nên hạn chế xe máy, giảm thuế ô tô để khuyến khích người dân sử dụng ô tô, hạn chế xe máy lưu hành. Tôi nghĩ, trong xã hội mà có quá nhiều xe máy thì giao thông còn hỗn loạn. Những thói quen sinh hoạt của xã hội văn minh chắc cũng còn lâu mới đạt được.
Nguyễn Duy Tuyên/ Dân trí