Tâm sự người lái tàu hàng ngày “đánh vật” với sông nước

23/08/2013 14:06
Diện Hứa
(GDVN) -“Nhiều khi đi qua cầu nước chảy xiết, lại nhìn thấy gầm cầu ngay trước mặt mình, ngoài những kỹ năng chú phải dùng cả kinh nghiệm và bản lĩnh điều khiển con tàu để đảm bảo an toàn cho hành khách”. Chú Vũ Tùng- thuyền trưởng tàu Thăng Long 18 chia sẻ.

Trong chuyến đi du lịch Sông Hồng, đi trên con tàu Thăng Long 18, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và nghe những chia sẻ của chú Vũ Tùng về nghề lái tàu. Cái nghề mà hàng ngày phải đánh vật với dòng nước để mang lại cho hành khách những chuyến đi an toàn và ý nghĩa.

Nhắc đến nghề lái tàu, nhiều người nghĩ đến sự tự do, giàu có mà công việc đem lại. Tuy nhiên, sự thực nghề lại rất vất vả, từ khi học đến khi đi làm.

Nghề lái tàu là ước mơ từ nhỏ của chú Tùng, nhưng để có được bằng lái và được phép điều khiển một con tàu, hơn nữa trở thành một thuyền trường giỏi toàn quốc như bây giờ, chú đã trải qua một quá trình dài.

Bằng công nhận thuyền trưởng giỏi toàn quốc của chú Vũ Tùng. Ảnh: DH
Bằng công nhận thuyền trưởng giỏi toàn quốc của chú Vũ Tùng. Ảnh: DH


Nói về ước mơ của mình, chú Tùng chia sẻ: “Vào năm 1971, vỡ đê Cống Thôn ở tả ngạn sông Đuống. Để hàn khẩu đoạn đê đang vỡ, tránh thiệt hại cho đồng bào, bác lái tàu đã phải lái tàu lao vào dòng nước lũ để công binh đánh sập đoàn tàu. Đó là bác Phạm Lộc, sau này được phong tặng anh hùng lao động.

Bố chú nằm trong chỉ đạo chống lụt bão và nhà ở tập thể bên đó, nên chú đã được chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối. Từ chiến công anh hùng của bác Phạm Lộc, đã hình thành trong chú ước mơ trở thành người lái tàu”. 

Tuy nhiên, không phải có ước mơ là được đi học và trở thành người lái tàu thực thụ. Người lái tàu cần có kiến thức, kinh nghiệm và cả bản lĩnh.

“Rất thích lái tàu những bố chú không cho vì tuổi trẻ tính bốc đồng còn cao, chưa có tính kiên trì bền bỉ. Nên sau khi học song lớp 10, chú học làm thợ máy”. Chú Hùng tâm sự với giọng tiếc nuối.


Chú cũng nói thêm: “Chú học và làm thợ  máy hơn 10 năm. Nhưng chú vẫn không từ bỏ ước mơ về nghề lái tàu của mình. Chú quyết định đi học. Nghề lái tàu đặc thù riêng, khác hẳn với lái xe. Để trở thành người lái tàu, (chưa qua kinh nghiệm) có bằng hạng nhất phải mất 9 năm học: 3 năm học bằng hạng ba, 2 năm thực tế; 2 năm học hạng hai, 2 năm thực tế mới lên bằng hạng nhất”.

Đến nay, chú Tùng đã lái tàu được 33 năm, khoảng thời gian đó đã cho chú nhiều kinh nghiệm và trải qua những câu chuyện vui buồn.  

Chú Vũ Tùng, thuyền trường tàu Thăng Long 18. Ảnh: DH
Chú Vũ Tùng, thuyền trường tàu Thăng Long 18. Ảnh: DH

Lái phương tiện trở khách có đặc thù riêng. Ngoài những kỹ năng về điều khiển tàu, nghề lái tàu khách du lịch còn đòi hỏi rất gắt gao cả về tâm lực, trí lực của người lái tàu. Khả năng thông hiểu luồng lạch, thủy triều, bơi lội, y tế,… và cả cơ man những điều luật. Luật đường biển, luật đường sông, luật phòng cháy chữa cháy…, tất cả đều yêu cầu phải đạt mức tối ưu nhất.

“ Nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi lắm cháu ạ, nhưng đã đi theo nghề là phải cố gắng, bỏ nghề cũng không có nghề nào phù hợp hơn để làm mà mưu sinh”. Chú Tùng bùi ngùi chia sẻ.

Hội tụ đủ điều kiện của một thủy thủ, nhưng đôi khi vẫn gặp phải những tình huống bất ngờ không thể lường trước được.

Chú Tùng cho biết: Nhiều khi giông bão, gió to không kịp cho thuyền vào bờ, các chú phải tính toán cẩn thận hướng gió, hướng nước để lái tàu vào chỗ an toàn nhất.

“ Nhiều khi còn ướt hết cả áo vì mưa gió tốc vào buồng lái mà chưa kịp đóng cửa”. Chú cười hài hước.

Lái tàu thì bánh lái ở đằng sau, khi qua cầu, qua ghì đi ở bên tay phải, nhưng tàu phải ưu tiên những phương tiện đi xuôi dòng.

Chú Tùng chia sẻ một trong số kinh nghiệm đi tàu:  Khi đi qua cầu cần bình tĩnh điều khiển phương tiện nhìn hướng gió, chiều dòng chảy của dòng nước từ trụ cầu bên trái sang bên phải và bên phải sang bên trái để tính độ rộng mà thuyền có thể đi qua được. Ngoài ra còn tính độ cao của cầu để xem tàu mình đang điều khiển có qua được cầu đó không.

Có những trường hợp tính được chắc chắn qua cầu nhưng khi đến cầu thấy sợ vì như nhìn thấy nó ngay trước mặt. Ví dụ như đi qua cầu Đuống hoặc cầu Long Biên cảm giác cầu đập vào mặt mình.
Nguy hiểm thứ hai là đi qua những dòng nước sâu, nước vật, nước chảy ngầm, nước không chảy hỗn, chảy theo nhiều chiều.

Chú Tùng cũng nhấn mạnh: nếu mùa lũ, tại tâm những vòng xoáy lớn, tại tâm vòng xoáy so mép ngoài xa vòng xoáy lệch nhau đến 40 phân. Nên độ nguy hiểm là rất cao.

“ Nghề gian nan, vất vả lương lại thấp, hơn nữa vợ con ở nhà luôn lo lắng. Nhưng chú vẫn yêu nghề, làm bạn với sông nước, lấy niềm vui của hành khách làm niềm vui của mình. Đó là điều an ủi lớn nhất để chú có tiếp tục làm nghề”. Chú Tùng cười mãn nguyện.

Diện Hứa