Thầy giáo Trường Nguyễn Chí Thanh bị tố dùng chiêu trò ép học sinh đi học thêm

11/12/2017 15:14
Phương Linh
(GDVN) - Theo phản ánh của chị M, thầy Đ. dạy Toán dùng nhiều chiêu trò để phân biệt đối xử, ép học sinh đi học thêm, còn nhà trường thì đòi phải có đơn của phụ huynh.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của chị KM., phụ huynh của một học sinh đang học ở Trường trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), về những vấn đề tồn tại trong việc dạy học, thu chi tại trường này.

Phụ huynh tố thầy giáo dùng chiêu trò đối xử với học sinh

Theo phản ánh của chị KM., thầy Đ. là giáo viên Toán hiện đang dạy khối 10, 11 của trường này có dạy thêm ở trung tâm.

Tuy nhiên, khi vào lớp giảng dạy, thầy Đ. có cách làm rất lạ lùng. Theo phản ánh của con chị KM. và nhiều học sinh khác, thầy Đ. cho bài kiểm tra 15 phút vừa qua rất nhiều câu hỏi, mà theo các cháu thì không thể nào làm hết trong vòng thời gian đó, mà phải là trên 30 phút, hay thậm chỉ cả 1 tiết học.

Ngoài ra, khi trả bài kiểm tra thì thầy Đ. không sửa bài cho học sinh biết cách làm đúng. Cùng cách làm, sai câu giống nhau, nhưng có học sinh bị trừ điểm thế này, học sinh khác lại bị trừ điểm thế kia.

Song song đó, chị KM. còn phản ánh, trong học kỳ 1 vừa qua, Trường Nguyễn Chí Thanh đề nghị phụ huynh ở các lớp đóng tiền quỹ Hội phụ huynh của trường (200.000 đồng/học kỳ), mà phụ huynh lại cũng vừa đóng quỹ phụ huynh ở từng lớp.

Theo chị KM., tiền quỹ Hội phụ huynh của trường được thông báo, thu chung với học phí, chứ không tách ra thu riêng, biên lai của trường cũng ghi chung, chứ không riêng khoản này.

Tại từng lớp, phụ huynh cũng phải đóng quỹ, dù rằng tự nguyện, dựa trên những nhu cầu thực tế cần mua sắm, trang bị cho từng lớp để các phụ huynh cùng nhau tính toán, chia ra rồi đóng tiền.

Thậm chí, chị KM. cho biết thông tin, dù phải đóng đến 200.000 đồng/học kỳ, nhưng lớp học mà hỏng rèm cửa (che nắng không vào), phụ huynh cũng phải dùng tiền quỹ ở lớp để đi mua.

Trường trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, nơi thầy Đ. đang dạy (Ảnh: P.L)
Trường trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, nơi thầy Đ. đang dạy (Ảnh: P.L)

Các khoản thu chi quỹ hội phụ huynh trường được công khai, nhưng cũng ghi chung chung, chứ không ghi cụ thể, rõ ràng ra từng khoản thu cho phụ huynh các lớp nắm được.

Hiệu trưởng và thầy giáo nói gì?

Ngày 8/12, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình) xác nhận, vụ việc thầy Đ. bị phản ánh, nhà trường đã biết từ năm học trước.

Sau khi nhận được phản ánh (năm ngoái), trường đã mời phụ huynh tới trao đổi, đồng thời tổ bộ môn Toán cũng đã dự giờ tiết dạy của thầy Đ.. 

Trường cũng đã trao đổi với giáo viên này, nhưng thầy không nhận là dùng bất cứ chiêu trò gì để ép học sinh đi học thêm.

Thầy Đạt muốn có một đơn thư về chuyện này để giải quyết vụ của thầy Đ nhưng chưa có phụ huynh nào gửi đơn cho trường.

Nếu giáo viên sai, thầy Đạt nêu quan điểm là không bảo vệ, nếu có cơ sở là chắc chắn, nhà trường sẽ xử lý.

Thầy Đạt cho biết, năm ngoái có một trường hợp phản ánh, và giờ lại có tiếp một trường hợp đối với thầy Đ., nhưng thầy Đạt vẫn nói thầy Đ. dạy rất nhiều lớp.

Đối với phản ánh giữa quỹ phụ huynh trường và quỹ phụ huynh lớp, thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt thông tin: Việc đóng quỹ phụ huynh trường 200.000 đồng/học kỳ là có, đóng hồi năm, do Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường phát động.

Qũy hội phụ huynh lớp là trường hoàn toàn không chủ trương, thậm chí là cấm.

Chuyện mua sắm, trang bị ở mỗi lớp đều rất khác nhau, không lớp nào giống lớp nào, nên phụ huynh ở các lớp cần tính toán, sau đó cần gì thì chia ra đóng, nhưng cũng không được hơn 500.000 đồng mỗi người.

Những phụ huynh nào không muốn, nhưng đã lỡ đóng quỹ phụ huynh trường thì có thể đến trường lấy lại. Nhà trường sẽ trả lại tiền cho phụ huynh, do học kỳ 1 đã lỡ thu là sai.

Thầy Đạt đã đề nghị, học kỳ 2, Hội phụ huynh trường chỉ được vận động, chứ không được ép mỗi phụ huynh đóng một số tiền nhất định, nhưng học sinh nào hoàn cảnh khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt thì đều được miễn.

Mục đích chi quỹ này là dành cho học sinh, các hoạt động dành cho học tập của các em. Việc kê khai được thực hiện rất chi tiết, rõ ràng, chứ phụ huynh nói không minh bạch là không đúng.

Những gì cần trang bị cho từng lớp, lớp nào muốn làm thì phụ huynh họp với nhau để làm, do lớp này làm thế này, lớp kia làm thế kia, không giống nhau.

Trong khi đó, thầy Đ. dạy Toán (người bị phụ huynh phản ánh) nói rằng, mình có dạy thêm, nhưng dạy ở trung tâm, và nơi này có giấy phép tổ chức dạy thêm đàng hoàng.

Còn việc đề kiểm tra 15 phút quá nhiều câu hỏi, thầy Đ. nói hôm đó mình đã cho làm thêm tới 30 phút, lấy điểm 15 phút.

Việc chấm bài kiểm tra được cho là có o ép học sinh, thầy Đ. đề nghị phải có bài kiểm tra cụ thể, chứ giáo viên dạy 4 lớp đến mấy trăm bài kiểm tra, chứ phản ánh có một vài bài kiểm tra cũng chưa ổn.

Như vậy, những đề nghị này của thầy Đ., nhà trường hoàn toàn có thể làm được nếu muốn chứ không cần phải chwof đơn thư như lời thầy Hiệu trưởng.

Phương Linh