Thu phí giao thông: "Bộ GTVT nên đặt mình vào hoàn cảnh của người dân"

08/04/2012 16:35
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ GTVT nên đặt mình vào hoàn cảnh của dân. Hạn chế phương tiện bằng cách thu phí là cần thiết... là những tin bài nóng về đề xuất thu phí giao thông.
Bộ GTVT nên đặt mình vào hoàn cảnh của dân

Nguồn tin trên báo Tiền Phong, theo lãnh đạo Bộ GTVT, ngoài mục tiêu hạn chế phương tiện thì hai loại phí mới còn giúp tạo nguồn thu để đầu tư hạ tầng giao thông.

Đóng phí để thêm nguồn thu đầu tư cho giao thông, cải thiện hạ tầng giao thông là mục đích tốt. Nhưng cũng như một gia đình, trong chi tiêu, mua sắm phải “liệu cơm gắp mắm”, tính toán từng đồng.

Năm nay tích cóp mua được chiếc tủ lạnh, ti vi thì năm sau mới dự định mua thêm chiếc xe máy cho con đi học đỡ vất vả.

Ùn tắc ở nội đô Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ùn tắc ở nội đô Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nếu Bộ GTVT suy nghĩ cho người dân, đặt mình vào hoàn cảnh từng gia đình thì sẽ cân nhắc hơn về thời điểm đề xuất các loại phí mới này.

Đó là chưa tính đến chuyện, nguyên tắc của phí và lệ phí là người dân đóng góp để được hưởng dịch vụ, còn trong trường hợp này, người dân đóng phí để hạn chế quyền đi lại của mình.

Lý giải rằng, người dân được hưởng lợi gián tiếp từ việc hạ tầng tốt hơn, đường sá thông thoáng hơn khi hạn chế phương tiện cá nhân, cũng khó thuyết phục.

Bởi nếu không giảm tải trong nội đô, những khu đô thị mới có quy mô dân số bằng cả một phường vẫn đang triển khai tại những quận nội thành Hà Nội, thì khó có khả năng thu phí sẽ giúp đường thông thoáng hơn.

Hệ thống xe buýt thiếu kết nối, chất lượng dịch vụ thấp, có hành khách bị lái, phụ xe đánh chảy máu đầu thì người dân làm sao yên tâm đi xe buýt. Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao còn là mơ ước xa.

Không có lựa chọn thay thế nên có đánh phí cao đến đâu người dân vẫn phải lưu hành bằng phương tiện cá nhân. Khi đó, mục đích việc thu phí không đạt được mà chỉ thêm gánh nặng chi phí cho mỗi gia đình.

Bởi thế Bộ GTVT cũng cần “liệu cơm gắp mắm”!
Hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách thu phí là cần thiết
Báo Giao thông vận tải điện tử đăng tải thông tin, đồng tình với việc thu phí nhưng ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Tp.HCM cho rằng mức phí phải phù hợp, có lộ trình và sử dụng nguồn thu phải hiệu quả.

Theo quan điểm của ông Sanh, thu phí xe cá nhân và phí ô tô vào trung tâm để hạn chế kẹt xe là vấn đề mới ở Việt Nam. Đáng ra các biện pháp để hạn chế phương tiện cá nhân song song với phát triển vận tải khách công cộng phải làm từ rất lâu rồi. Tình trạng kẹt xe ở hai thành phố lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm cũng có phần lỗi lớn ở các cơ quan quản lý nhiều năm trước. 

Tại thời điểm hiện tại, ông cho rằng  thu phí phương tiện cá nhân là cần thiết, và được xem là một giải pháp để hạn chế kẹt xe nhưng cần phải tính toán lúc nào thu, thu thế nào để đảm bảo công bằng, hợp với lòng dân, cơ quan nào giám sát việc thu phí, sử dụng nguồn thu đúng mục đích và có hiệu quả.

Ông Phan Phùng Sanh
Ông Phan Phùng Sanh

Ông đánh giá, việc thu phí sớm muộn cũng phải làm vì nhà nước không thể bao cấp hết tất cả các khoản, người dân cũng cần chung tay chia sẻ gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, mức thu và thời điểm thu cần được tính toán cụ thể, giải thích rõ với người dân để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của hàng chục triệu người.
Ở nước ngoài việc hạn chế phương tiện cá nhân thông qua thu phí đã có từ lâu và thực hiện rất hiệu quả. Nhưng ở Việt Nam thì cần có một sự so sánh hợp lý hơn, không nên đưa ra mức phí cao rồi tiến hành thu với lập luận vẫn thấp hơn các nước khác mà cần điều chỉnh sao cho phù hợp với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam.
1.179/5.508 phản hồi trong tuần về đề xuất thu phí

1.179 là con số email phản hồi của bạn đọc gửi đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ trong tuần vừa qua liên quan đến đề xuất thu phí giao thông của Bộ GTVT.

Phí hạn chế phương tiện cá nhân và tên của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng là đề tài được nhắc đến nhiều nhất trong tuần, nhất là khi bộ trưởng phát biểu tại buổi họp báo chiều 3/4/2012 rằng “nộp phí sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, an toàn hơn, đỡ ngửi khói xe hơn”.

Trong số 1.179 lượt bạn đọc gửi về phản đối đề xuất thu phí này có không ít người bày tỏ chính kiến của mình rằng phát biểu này là không có cơ sở để thực thi...

Tội nghiệp ông Thăng!
Trên báo Pháp luật Tp.HCM đăng tải bài viết của tác giả Phạm Xuân Nguyên, giải thích những lý do để tác giả đưa ra quan điểm trên.
Vì sao lại tội? 
Thứ nhất, vì cái ngành của ông nó dính dáng, đụng chạm đến toàn bộ cơ thể đời sống xã hội. Thử hỏi, ai không đi lại hằng ngày, ai không hằng ngày di chuyển trên đường bằng đủ mọi phương tiện? Giao thông vận tải có vấn đề tức thì là giáo dục khổ, y tế khổ, công an khổ, quân đội khổ, quan chức, viên chức nhà nước khổ, dân thường khổ, đám cưới khổ, đám ma khổ, ngày lễ ngày tết khổ... Cho nên nói tội ông Đinh La Thăng là vì vậy.

Thứ hai, vì cái ngành của ông là không che giấu được ai, nhất là cái khoản đường bộ. Y tế có chuyện thì cũng chỉ trong bệnh viện. Giáo dục có chuyện thì cũng chỉ trong nhà trường. Cơ quan có chuyện thì cũng chỉ trong công sở. Còn giao thông là cứ bày ra chình ình trên mặt đường. Và nó ảnh hưởng trực tiếp, tức thì đến ngay mọi người mọi nơi mọi lúc, hằng ngày hằng giờ, không khi nào ngừng nghỉ. Tất cả người tham gia giao thông đều là chủ thể và khách thể, là tội nhân và nạn nhân của đường sá xe cộ và mở mắt ra là thấy nhãn tiền mọi chuyện hay dở, tốt xấu của giao thông. Cho nên nói tội ông Đinh La Thăng là vì vậy.

Cảnh người đi đường sập bẫy ổ gà thường xuyên xảy ra trên tuyến đường Ngô Gia Tự, Hà Nội. Ảnh: Văn Định/ Lao động
Cảnh người đi đường sập bẫy ổ gà thường xuyên xảy ra trên tuyến đường Ngô Gia Tự, Hà Nội. Ảnh: Văn Định/ Lao động

Thứ ba, vì cái ngành của ông tích bệnh, ủ bệnh lâu nay trong một chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở giao thông vận tải rất là ngắn tầm, rất là lộn xộn. Nó nằm chung trong cả một chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở của nền kinh tế không đồng bộ. Đường sá yếu kém, xuống cấp, vá víu lung tung, ngay cả cái xây mới cũng lỗ hà lỗ hổng, có đường gọi là cao tốc mà chỉ ít lâu đã lún, đã lồi đã lõm, đã lúc lắc lung liêng. Xe máy, ô tô tràn lan vô tội vạ. Đèn đỏ đèn xanh, ngã tư thẳng ngã tư vòng lung tung bát xát. Người đi bất chấp luật, cảnh sát làm luật. Một khi bệnh ủ lâu ngày bùng ra thì mặt đường thành mặt trận cho đủ loại “quân binh chủng” phương tiện giao thông thi thố sức mạnh, đua chen xô lấn chèn ép mà người chỉ huy không biết phát lệnh tấn công hướng nào, cách nào. Mấy đời bộ trưởng ngành trước ông Thăng thủ thế an toàn, khoanh tay chân chịu trận, không dám lập lại trật tự. Cho nên nói tội ông Đinh La Thăng là vì vậy.

Thứ tư, vì cái ngành của ông thay đổi không dễ, vì ba lý do nói trên. Muốn lập lại trật tự việc đi lại, lưu thông, muốn xây dựng một văn hóa giao thông đô thị văn minh, hiện đại, muốn dùng luật chế tài đầy đủ, triệt để, toàn diện người và các phương tiện tham gia giao thông thì Bộ GTVT và ông bộ trưởng phải có một kế hoạch khoa học mang tính chiến lược lâu dài và có một lộ trình từng bước cụ thể, phải biết chọn đột phá, tìm được hướng quyết chiến chiến lược và phải dứt điểm từng khâu một. Bộ trưởng phải đứng ở tầm chiến lược. Những quyết sách đưa ra phải được cân nhắc kỹ ở tính khả thi và thời điểm thi hành. Thế nhưng, các phát ngôn của ông gần đây gây sốc cho dân chúng hơn ở tính chất như nói lấy được. Trong khi đó những giải pháp ông đưa ra chỉ mang tính vá víu, đối phó tạm thời, không có hiệu lực và hiệu quả đáng kể. Mọi người đang nhìn ông dè chừng hơn là vui mừng. Cho nên nói tội ông Đinh La Thăng là vì thế.

Chợt nhớ câu thơ kiểu Bút Tre dạo trước: “Hoan hô đồng chí Hà đăng/ Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa” (Hà Đăng Ấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Việt Nam).
Hải Phong (Tổng hợp)