Thu phí giao thông: "Nếu làm sai một ly có thể đi một dặm"?

31/03/2012 13:00
Độc giả Cường Nguyễn
(GDVN) - Tôi là độc giả của báo Giáo dục Việt Nam, ngày nào tôi cũng truy cập trang báo để theo dõi tình hình của đất nước, và tất nhiên sự kiện về câu chuyện "phí hạn chế phương tiện giao thông đường bộ" luôn được tôi quan tâm hàng đầu trong mỗi lần đọc báo.
LTS: Sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của độc giả Đông Hưng bày tỏ quan điểm: "Tôi ủng hộ một người dũng cảm và đột phá như Bộ trưởng Đinh La Thăng". Ngay sau đó, báo GDVN đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi khác nhau của các độc giả, trong đó có ý kiến phản hồi của độc giả Nguyễn Cường phản bác bài viết này của độc giả Đông Hưng.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến với bạn đọc.

Giống như hàng triệu người dân Việt Nam khác, tôi cũng hoàn toàn bất ngờ và thậm chí là bức xúc với đề xuất phương án phí hạn chế phương tiện giao thông đường bộ của Bộ Giao Thông vận tải, sau khi đọc bài viết của độc giả Đông Hưng tôi lại càng cảm thấy khó hiểu cho cảm xúc hay nhận định của một người mà bản thân tác giả cũng cho rằng đã đi ngược lại với nguyện vọng của số đông người dân Việt?.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Trước hết tôi xin thẳng vấn đề luôn, độc giả Đông Hưng đang làm và công tác ở đâu, ở bộ phận nào trong Bộ Giao Thông hay có khả năng đặc biệt gì mà có thể dám tự tin phát biểu "Vì thế, với mức thu mạnh bạo của Bộ trưởng Thăng đưa ra, chắc chắn sẽ giúp cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của các đô thị có thêm nguồn lực để cải thiện một cách chủ động hơn.

Sẽ có nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, nhiều cây cầu được xây dựng.... hay "Tôi cũng dám khẳng định rằng, với việc tham gia chủ động đóng góp thì người dân sẽ có quyền giám sát tốt nhất, đòi hỏi thành phố phải cung cấp những dịch vụ giao thông tốt nhất"

Cụm từ chắc chắn hay khẳng định ở đây tôi tin là nhiều người trong nghề, trong ngành  chưa chắc dám khẳng định điều đó.

Đối với bạn, đóng 1 triệu đồng/năm có lẽ cũng chẳng là vấn đề gì, với tôi cũng có thể chỉ là 1 phần khó khăn và tất nhiên với những người khá giả thì cũng chỉ là 1 vấn đề không đáng quan tâm, nhưng bạn có biết bao nhiêu phần trăm dân số Việt Nam mình là khá giả không, bao nhiêu là khó khăn không, các vị lãnh đạo nhà nước thường nói, đất nước mình còn nghèo, dân ta còn nhiều khó khăn ....

Vậy những người sẵn sàng và chắc chắn sẽ ... đóng 1 triệu đồng/ năm như bạn là bao nhiêu người. Và những người dân quanh năm sống ở vùng núi, làng quê cách xa hai thành phố lớn như HN và TP HCM họ hạn chế phương tiện cá nhân, vì điều gì khiến họ bỏ tiền ra hạn chế sự đi lại của chính mình, trong khi chính sự tham gia giao thông của họ khiến cho sự phát triển của các vùng đó được tăng lên.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Tôi thì không được sống ở thành phố lớn như bạn, cũng chẳng mấy khi được hưởng cái không khí kẹt xe hay ùn tắc như bạn nên có thể không đủ cái dũng khí và quyết tâm chống ùn tắc cao như bạn, và thưa bạn, ở nơi tôi sống (Cũng là thành phố bạn ạ) ở đây chỉ có vài chuyến xe bus hàng ngày, và người dân ở đây họ không có khái niệm đi xe bus trong cuộc sống thường ngày đâu vì sao ư, tôi cũng không hay đi xe bus nên tôi không rõ nhưng bạn có thường đi làm, đi chơi, đi thăm bạn bè của bạn bằng xe bus không thưa bạn.

Nếu đúng như chủ chương của ngành Giao Thông, hạn chế phương tiện cá nhân thì xin hỏi người dân chúng tôi sẽ phải chọn phương tiện gì để đi lại và kiếm sống hàng ngày.

Phí hạn chế phương tiện giao thông đường bộ áp dụng trên toàn quốc, đường làng ngõ xóm nơi những người dân với phương tiện kiếm sống chủ yếu là xe máy cũng bắt đầu cảm giác được hơi thở của sự khó khăn về gánh nặng cuộc sống, tôi cũng tin là chẳng có người nông dân nào dám khẳng định hay chắc chắn sẽ đóng 1 triệu đồng như bạn cho một chiếc xe máy và mỗi năm lại lũy tiến 5% nữa để chống trượt giá.

Bài toán giao thông xưa nay vẫn chưa có lời giải, nguyên nhân thì rất nhiều, rất nhiều các nhà chuyên gia đã lên tiếng, tôi không nhắc lại ý kiến đó, chỉ có điều không thể đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu người dân. Trong khi phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu của người dân thì bắt người dân hạn chế phương tiện cá nhân để tham gia phương tiện công cộng. Mà tôi cũng nhớ rằng chính Bộ Trưởng còn thốt lên "Đến tôi cũng chẳng thể đi nổi xe bus" cơ mà.

Một vị tướng luôn cho mình là giỏi và cho rằng chiến thắng là điều quan trọng nhất, nhưng tôi lại khác bạn, bạn Đông Hưng ạ, vị tướng nào giành chiến thằng mà phải hy sinh ít người lính nhất đó mới là vị tướng tài ba.  
"Người xưa vẫn thường nói, có làm thì mới có sai và để sửa còn nếu không muốn sai thì đừng làm" cái sai mà bạn nói ở đây sẽ được tính bằng sự ảnh hưởng của hàng triệu hàng triệu người dân lao động nghèo của Việt Nam và cuộc sống của từng ấy con người, nếu là bạn bạn sẽ sửa cái sai đó bằng cách nào. Mà cũng có thể đó là việc của nhiệm kỳ sau bạn nhỉ ?

Bạn đọc có thể gửi các bài viết, các đóng góp ý kiến, quan điểm của mình xung quanh đề án thu phí giao thông về tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Cường Nguyễn