Thu phí giao thông: "Tảng đá" phí sẽ "đè đầu" các phương tiện

01/04/2012 06:47
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - "Tảng đá" phí "đè đầu" phương tiện, thuế và phí có cải thiện được tình hình giao thông?... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
"Tảng đá" phí "đè đầu" phương tiện

Báo Pháp luật và Xã hội thông tin, theo đề xuất của Bộ GTVT, ngoài những khoản phí đã thu không thay đổi, ôtô sẽ bị thu thêm phí: "Bảo vệ môi trường"; "bảo trì đường bộ"; "phương tiện vào TP giờ cao điểm"; "hạn chế phương tiện cá nhân" với số tiền từ 50 - 60 triệu đồng/xe/năm. Các loại phí đó chồng chất lên nhau như một tảng đá khổng lồ đè lên đầu các phương tiện. Không riêng gì ôtô, cả xe máy, mô tô cũng sẽ bị thu phí 500.000 - 1 triệu đồng/xe/năm.
Có ý kiến cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, khi đưa ra phí, lệ phí mới, không nên chỉ tính đến một mục tiêu, nhiệm vụ chính trị nào đó mà phải tính đến tổng thể lợi ích của cả nền kinh tế, đến tình hình khó khăn của người dân sau nhiều năm lạm phát. Bản chất cuối cùng của thu phí là Nhà nước phân phối, định lại thu nhập của dân, đưa một phần thu nhập đó vào tay Nhà nước. Việc đó có thể cần, nhưng tính thời điểm nên làm chưa thì phải tính kỹ. 

Cảnh hỗn độn giao thông ở Hà Nội là chuyện thường nhật. Ảnh: Nguyễn Khuê
Cảnh hỗn độn giao thông ở Hà Nội là chuyện thường nhật. Ảnh: Nguyễn Khuê

Có chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không tính toán kỹ, đề xuất của Bộ GTVT sẽ giống như chuyện "tham bát bỏ mâm". Nếu tính trung bình mỗi chiếc xe ôtô nhập khẩu, riêng tiền thuế, phí đã phải chịu khoảng 60% giá trị của chiếc xe. Đến một ngày việc thu phí lưu hành được áp dụng, lượng xe nhập khẩu giảm thì các khoản tiền thuế, phí ôtô nhập khẩu đóng góp vào ngân sách Nhà nước sẽ giảm. Trong khi ở Việt Nam chuyện một ai đó có ôtô không đồng nghĩa với việc họ giàu có. Có những chiếc ôtô chỉ gần trăm triệu đồng và đương nhiên nếu khoản tiền phí lưu hành hàng năm là vài chục triệu đồng thì sẽ có rất nhiều người bán ô tô, chuyển sang phương tiện khác.
Thuế và phí có cải thiện được tình hình giao thông?

Báo Công an Tp.HCM đăng tải ý kiến của luật gia Nguyễn Thành Sinh - Giám đốc Công ty tư vấn ACPC “thủ đô Bangkok, Thái Lan có 2 triệu xe ôtô, trong khi Tp.HCM chỉ 500 ngàn xe. Chưa nên hốt hoảng vì hiện tượng ùn tắc giao thông giờ cao điểm ở Hà Nội, Tp.HCM để làm căn cứ thu phí dẫn đến “loạn” phí. “Loạn” phí sẽ tác động trực tiếp đến từng bữa cơm của người nghèo, bởi phí cấu thành giá thành của hàng hóa, dịch vụ.

Dư luận lâu nay cho rằng xây dựng cơ bản, trong đó có lĩnh vực giao thông thất thoát lớn, báo chí gần đây có so sánh làm 1km đường ở VN đắt gấp ba đến bốn lần so với các nước, nên việc ai đứng ra bảo trì đường bộ, bảo trì sao cho hiệu quả cũng cần phải được tính đến”.

Thạc sĩ Bùi Quang Hùng - giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM thì khẳng định “thu phí không giải quyết được vấn đề ùn tắc, quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy đã cho thấy điều đó. Không chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mà chỉ đánh vào “túi tiền” của người dân rồi bảo họ “hãy tự lựa chọn sử dụng phương tiện đi lại thật thông minh” thì đúng là bài toán không có lời giải”.

Giao thông Việt Nam, từ quăng lưới đến phí

Trên báo điện tử Nguoiduatin thông tin, khi hình ảnh cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hóa quẳng lưới bắt giữ phương tiện vi phạm giao thông lan truyền trên mạng internet, những tranh cãi về tính hợp pháp của hành vi này thậm chí đã thu hút cả sự quan tâm của truyền thông nước ngoài. Tuy vậy, mối quan ngại về văn hóa ứng xử của cơ quan công quyền đối với người dân mới thực sự là vấn đề nóng bỏng.

Đề xuất về thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, một phiên bản “quăng lưới”?
Đề xuất về thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, một phiên bản “quăng lưới”?

Giờ đây, khi những đề xuất về thu phí hạn chế phương tiện cá nhân được Bộ Giao thông Vận tải đệ trình, dưới một góc độ nào đó, phải chăng cũng là một phiên bản “quăng lưới”. Đó là sự lặp lại của lối tư duy quản lý chỉ quen được việc cho mình mà đẩy khó khăn, bất lợi về phía khác, và ở đây luôn là phía người dân.

Khi nhà đương cục loay hoay với các “sáng kiến” hành dân, họ đã bỏ quên mất vế quan trọng trong chức trách, nhiệm vụ mà mình được cử tri giao phó, đó là sự kiến tạo.

Chuyện Phí và sự Công bằng

Thông tin trên Dân trí, chủ đề được luận bàn sôi sục nhất trong những ngày cuối tháng Ba này vẫn là chuyện Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, với khía cạnh được nhấn mạnh hơn cả là tính công bằng. Như Bác Hồ từng dẫn lời Khổng Tử: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.

Vế tiếp theo của lời dạy đó là: “không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo". Ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của các bậc tiền nhân vẫn còn nguyên giá trị cho cả hôm nay và mai sau.

Thu thêm phí liệu có hạn chế được ô tô, xe máy? Ảnh minh họa: Tiền Phong
Thu thêm phí liệu có hạn chế được ô tô, xe máy? Ảnh minh họa: Tiền Phong
 
Xét về thực tế liên quan đến chuyện thu Phí hôm nay, cũng có một số ý kiến ủng hộ đề xuất vừa được BT Thăng và Bộ GTVT đưa ra, với lý giải chính rằng: làm vậy là phù hợp với xu thế phát triển chung  của thế giới văn minh, tạo sự công bằng hơn cho xã hội. Đồng thời cũng là để dân ta phải sống có trách nhiệm hơn khi thực thi những nghĩa vụ của chính mình trước xã hội.

Song từ phía phản đối, nhiều lập luận của bạn đọc chúng tôi nhận thấy khá xác đáng và sát thực.

Tiêu biểu là ý kiến của độc giả có địa chỉ email nguyenhuy73vn@gmail.com “Hạn chế phương tiện cá nhân, thế các xe công có phải đóng phí không? Nếu đóng thì lấy tiền ở đâu để đóng, hay lại là tiền ngân sách cũng là từ tiền thuế của dân. Như vậy, người dân vừa phải đóng Phí hạn chế phuơng tiện cá nhân, vừa phải đóng Phí khuyến khích sử dụng xe công sao?”.

Mặt khác, đa số người dân cũng nêu rõ: nếu thực sự cần thiết họ sẵn sàng đóng phí nhưng vấn đề là mức phí đưa ra phải hợp lý, được sử dụng minh bạch, đem lại lợi ích chính đáng cho cả nhà nước và nhân dân. Chứ không nên áp đặt theo kiểu đẩy khó cho dân.
Hải Phong (Tổng hợp)