Thu phí hạn chế phương tiện: Không ai được lợi, kể cả ngành GTVT

25/04/2012 06:55
Độc giả Canbovehuu (Dantri)
Tôi khẳng định như vậy, dựa trên cơ sở những phân tích về các mục tiêu mà ngành GTVT đề ra, so với thực tế khi cái lợi thì ít mà cái hại thì nhiều.
1. Về mục tiêu giảm tải lưu thông:
Tôi thấy chuyện thu phí và chuyện giảm tải giao thông không liên quan logic với nhau. Nếu người ta cần đi thì người ta vẫn phải đi, dù có thu bao nhiêu tiền đi nữa, ngay cả khi dọa bị xử phạt thế nào, vẫn có người phải đi vì cuộc sống, họ không thể làm khác. Nếu không đi được bằng ô tô có thể chở năm bảy người, thì họ xoay qua đi xe máy ba, bốn chiếc. Như vậy càng làm tắc đường và khả năng tai nạn tăng lên.
Còn nếu không có tiền đóng họ có thể sẽ trốn tránh kiểm soát, lén lút chạy khi vắng đường hoặc đêm khuya và khi găp công an họ sẽ phóng xe bạt mạng chạy trốn, gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác.
Thu phí lưu hành xe liệu sẽ giảm được bao nhiêu % ách tắc? Ảnh minh họa: pda.vietbao.vn
Thu phí lưu hành xe liệu sẽ giảm được bao nhiêu % ách tắc? Ảnh minh họa: pda.vietbao.vn

Số xe hơi lưu thông có giảm hay không, chưa biết. Nhưng chắc chắn số xe máy sẽ tăng lên khi người đi ô tô xoay qua dùng xe máy, vì tôi chắc đa số người dân nước ta vẫn sẽ không chấp nhận dùng mạng lưới giao thông công cộng của Việt Nam, dù nói là cải tiến thế nào thì chắc vẫn còn rất yếu kém so với thế giới.
Xe hơi giảm lưu thông hay không, theo tôi thì thì ngược lại: sẽ tăng lên. Thí dụ nếu trước kia tôi sử dụng xe hơi vào việc riêng, mỗi tháng đi một hai lần. Thì nay nếu chấp nhận đóng phí, tôi sẽ cho thuê xe hàng ngày để gỡ gạc tiền phí. Như vậy tần suất sử dụng xe sẽ tăng hơn vài chục lần.
Nếu bán xe đi thì cũng thế, người ta mua về sẽ sử dụng tối đa để bù lỗ. Trừ những xe quá tã chỉ có giá vài chục triệu thì có thể bị rã ra bán sắt vụn. Nhưng theo tôi,  số này chỉ độ vài phần trăm xe, giảm đi không ý nghĩa gì khi hơn chín mươi mấy phần trăm xe hơi kia tăng tần suất sử dụng lên hàng vài chục lần.
Cộng số xe máy tăng và  tần suất sử dụng xe hơi tăng lên, tôi có thể tin chắc 100% việc quá tải lưu thông sẽ xuất hiện liên tục gấp mấy lần trước kia. 
2. Về thu lợi cho quốc gia:
Theo tôi thấy, có vẻ như có hai nhóm người có phần hơi “ngây thơ” khi nhìn sự kiện thu phí như là thu lợi cho ngành GTVT, mà không nhìn tổng quát toàn bộ lợi ích quốc gia.
+ Nhóm đi bộ hay xe đạp: cho rằng thu phí không ảnh hưởng gì mình cả. Nhóm người này cho rằng mình không  bao giờ mua vàng hay đổ xăng thì không bị ảnh hưởng gì. Họ quên rằng không một con người còn sống nào mà không bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả theo tác động dây chuyền.

Cơm gạo họ ăn, quần áo họ mặc, giày dép họ mang đều sẽ lên giá theo xăng, theo vàng. Thế thì một khi thu phí, khoản tiền tăng lên đó sẽ được cộng vào giá thành chuyên chở, mọi thứ đều tăng và ai sẽ trả? Phải chăng chỉ những người sử dụng xe hơi hay là tất cả mọi người đều phải trả?
+ Một số người của ngành GTVT có thể cho rằng ngành mình thu lợi, mà không (hoặc chưa, hoặc không muốn) thấy cái hại cho toàn xã hội là:
a. Phá sản toàn bộ công nghiệp ô tô, mà theo VAMA đem về cho đất nước khoảng 1 tỉ USD  (trong khi nếu thu phí, cho dù không thất thoát một xu cũng chỉ được 12 ngàn tỉ  đồng trên cả nước). Các nhà máy xe máy cũng đóng cửa một phần vì giảm sản lượng. Xã hội sẽ đón nhận vài trăm ngàn người thất nghiệp từ các công ty xe hơi, xe máy.

Các công nghiệp phụ trợ xe như cơ khí, sắt thép, hóa học, điện, điện tử sẽ sụp đổ từng bước theo hiệu ứng domino. Con số người thất nghiệp có thể lên đến trên cả triệu nếu kể cả khu vực phụ trợ. Như vậy, các Bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Công thương, Lao động thương binh xã hội, Tư pháp tăng thêm nhiều mối lo, mà những cái này nếu quy ra bằng tiền thì tính sao cho đủ, cho đúng?
b. Sự mất tín nhiệm trên trường quốc tế vì chính sách kinh tế thay đổi xoành xoạch, làm cho các thế lực kinh tài (trước tiên là các công ty ô tô) sẽ có khả năng phải rút chân dần ra khỏi Việt Nam. Và ngược lại họ có thể sẽ có những biện pháp "trả đũa" với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Và người thiệt hại trước tiên là các nông ngư dân Việt Nam, chứ không phải các giới chức bộ GTVT.
Nhưng cuối cùng nếu suy thoái kinh tế xảy ra thì chắc hẳn không một ai an toàn đứng ngoài vòng ảnh hưởng của nó.
c. Tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ xấu đi, làm hàng vạn công ty có thể phải đóng cửa, hàng hóa dư thừa càng nhiều, thừa cung thiếu cầu. Để tồn tại các công ty tìm mọi cách hạ giá sản phẩm Việc tăng cước phí vận tải và giao thông  sẽ tăng giá thành sẽ làm hàng vạn công ty sẽ càng tuột dốc nhanh hơn. Tốc độ phát triển kinh tế sẽ còn thụt lùi lẹ hơn khi rối loạn giá cả trong GTVT xảy ra.
Rút cuộc ai sẽ được lợi khi thu phí bất kể hậu quả. Tôi nghĩ, có lẽ trong nước không một ai được lợi, kể cả ngành GTVT.
Độc giả Canbovehuu (Dantri)