Thực tế "tổ báo chí ở Tiền Giang" là gì?

25/09/2012 15:58
Vũ Mai
(GDVN) - Về việc dư luận nói rằng các thành viên trong tổ báo chí tỉnh Tiền Giang hằng tháng có lương, phụ cấp từ phía tỉnh là hoàn toàn không đúng.  Không chỉ có PV Chu Trinh là thành viên trong tổ báo chí này mà nhiều anh em PV khác.

Những ngày qua dư luận đang xôn xao về bài báo “Cha chồng quan hệ tình dục với con dâu bị dính không tách rời được” đăng trên một số trang báo ngày 18/9. Tuy nhiên cũng ngay sau đó, các báo đăng tải bài viết trên đã lên tiếng cải chính thông tin sai sự thật do phóng viên "thiếu sót trong nghiệp vụ, nghe thông tin một chiều mà không xác minh" và xin lỗi độc giả.

Tuy đã giải quyết nhưng sự việc đã làm dấy lên nỗi bức xúc của dư luận trước những thông tin không đúng trên báo chí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Trong trả lời của bà Trần Kim Mai – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Chu Trinh là phóng viên (PV) của Đài tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL (VOV), là thành viên tổ báo chí của UBND tỉnh. 

Tổ báo chí Tiền Giang không có lương, phụ cấp gì từ UBND tỉnh Tiền Giang. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Tổ báo chí Tiền Giang không có lương, phụ cấp gì từ UBND tỉnh Tiền Giang. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Dư luận đã có những ý kiến cho rằng tổ báo chí của UBND tỉnh chỉ là một nhóm người được coi như là cố vấn về mặt truyền thông cho UBND tỉnh Tiền Giang, và hàng tháng tỉnh phải chi ngân sách trả tiềng công cho nhóm người này. Cơ quan báo chí cử PV thường trú tại các địa phương để có được thông tin chính xác, trung thực, nhanh nhạy về mọi mặt tại địa phương đó, và dĩ nhiên là cơ quan báo chí phải trả lương cho PV. Nhưng, PV lại ăn thêm một “lương” của địa phương, là thành viên một tổ chức của địa phương, hàng ngày tiếp xúc mật thiết với quan chức địa phương thì liệu thông tin có còn trung thực, chính xác?

UBND tỉnh Tiền Giang cần tổ báo chí làm gì, trong lúc tỉnh có Sở TTTT, Tỉnh ủy có Ban Tuyên giáo và còn có Hội nhà báo, rồi một lực lượng hùng hậu các nhà báo của của đài, báo địa phương. Có phải, UBND tỉnh Tiền Giang cần tổ báo chí để tư vấn xử lí nhanh nhạy các thông tin trên báo chí, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho PV… Nhưng việc này đã có quy chế về người phát ngôn, vó cơ quan quản lý nhà nước về báo chí – xuất bản phụ trách.

Về những thông tin trên, bà Đỗ Thị Thu Hương – Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang đồng thời là người phụ trách tổ báo chí này cho hay, đó là những thông tin không chính xác.

Việc PV Chu Trinh đưa tin thất thiệt, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cho CA tỉnh vào cuộc xác minh, điều tra có hay không sự việc như PV Chu Trinh chỉ nghe người ta nói chuyện vui đùa trong giờ giải lao lớp học rồi đưa tin lên báo.

Đến nay, bản thân PV cũng thấy sự sơ suất của mình là đưa tin thiếu sự xác minh. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Văn phòng đại diện của VOV khu vực ĐBSCL tại Cần Thơ – nơi quản lý PV Chu Trinh đề nghị đính chính và họ đã có đính chính thông tin.

Về việc dư luận nói rằng các thành viên trong tổ báo chí tỉnh Tiền Giang hằng tháng có lương, phụ cấp từ phía tỉnh là hoàn toàn không đúng.  Không chỉ có PV Chu Trinh là thành viên trong tổ báo chí này mà nhiều anh em PV khác của phân xã - Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên báo Nhân dẫn cũng thế. Tổ báo chí này như một nhóm tập hợp các phóng viên báo, đài lại để nắm thông tin trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hằng tháng.

Vì vậy chúng tôi không có quyền xem xét trách nhiệm đối với anh Chu Trinh mà chỉ là nhắc nhở nhau trên cương vị đồng nghiệp với nhau mà thôi – bà Thu nói.

Cũng theo bà Thu, tổ báo chí được UBND Tiền Giang thành lập để tập hợp các PV báo đài trong và ngoài tỉnh để hàng tháng tỉnh cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội để anh chị em phóng viên có thông tin tuyên truyền.

Hàng tháng có một buổi cung cấp thông tin tới tất cả các phóng viên và trao đổi những thắc mắc của các phóng viên. Những buổi đó sẽ có một vài đồng chí lãnh đạo các sở ngành chuyên sâu tham gia để trả lời các phóng viên.

Vũ Mai