Tiền nhét tay Phật: Khi niềm tin bị "thị trường hóa"

25/02/2013 16:24
Theo Vietnamnet
Dân chúng quan tâm vào tính “hiệu nghiệm” của thần thánh. Họ phân khúc niềm tin cũng giống như phân khúc thị trường. Nơi nào người ta tin có sự hiệu nghiệm ở lĩnh vực nào người ta cần thì họ chạy đến cầu xin. Muốn tiến thân theo con đường công danh thì chạy đến đền Trần để xin ấn, làm ăn buôn bán thì đi “vay” Bà Chúa kho, sức khỏe thì chạy đến các vị khác…
Tìm chốn linh thiêng để cầu may đang là câu chuyện nóng của những ngày đầu xuân. Gọi là nóng bởi bên cạnh những ứng xử có văn hóa và nhận thức đầy đủ về đức tin, vẫn còn đó những hành vi phản văn hóa gây tổn thương và giận dữ cho cộng đồng. Nhân dịp này, pv có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Lộc - giảng viên khoa Nhân học thuộc ĐH KHXH&NV TP.HCM, để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề. 
TS. Nguyễn Đức Lộc, giảng viên khoa Nhân học thuộc ĐH KHXH&NV TP.HCM.
TS. Nguyễn Đức Lộc, giảng viên khoa Nhân học thuộc ĐH KHXH&NV TP.HCM. 

Đồng tiền như một vật linh hữu hiệu 
- Thưa ông, chúng ta có thể nói gì về những hiện tượng xuất hiện gần đây tại các chùa như dán tiền vào tượng Phật, đặt tiền lẻ vào tay Phật, mang thịt lợn đến Phật đường khấn vái? Nếu xem các hành vi tôn giáo là một sự hồi quang của đời sống xã hội thì có lẽ chúng ta cũng nên “đọc” ra những ý nghĩa của đời sống xã hội chúng ta ngày nay như thế nào? Phải chăng những hiện tượng này đang phản ánh tâm lý bất an lan tỏa trong nhiều mặt của đời sống xã hội vốn đầy ắp sự rủi ro. Dường như có một tỉ lệ thuận giữa những vấn đề rủi ro của xã hội với số người chạy đến cầu khẩn các đấng thần thánh, chư Phật. Đặc biệt, cái cách thể hiện của những hành vi tôn giáo của dân chúng cũng phản ánh tương ứng với cách hành xử trong đời sống thường nhật trong thời đại xã hội thị trường này. Dân chúng quan tâm vào tính “hiệu nghiệm” của thần thánh. Họ phân khúc niềm tin cũng giống như
phân khúc thị trường. Muốn tiến thân theo con đường công danh thì chạy đến đền Trần để xin ấn, làm ăn buôn bán thì đi “vay” Bà Chúa kho, sức khỏe thì chạy đến các vị khác… Niềm tin của dân chúng bị phân mảnh, nơi nào người ta tin có sự hiệu nghiệm ở lĩnh vực nào người ta cần thì họ chạy đến cầu xin. Họ chạy vạy khắp nơi trong sự chênh vênh của đức tin. Sự quy chiếu các hành vi thường ngày của xã hội thị trường vào các hành vi lễ nghi đã khiến cho sự thành tâm đối với thần thánh cũng bị giảm đi đang kể. Họ dán tiền vào tượng Phật, đặt tiền lẻ vào tay Phật, mang thịt lợn đến Phật đường khấn vái mà không màng đến tính linh thiêng của thần thánh. Bởi thường ngày họ giải quyết các vấn đề cá nhân đều bằng tiền. Có lẽ họ tin rằng đồng tiền chính là vật linh hữu hiệu trong giải quyết các vấn đề xã hội và kể cả với thần linh.  - Chuyện lên chùa cầu may dường như cũng cho thấy, trong cá nhân thực hiện hành vi, có sự điều hòa vụ lợi cho cả đôi đường, giữa nhu cầu thế tục và nhu cầu đức tin. Ông suy nghĩ thế nào về chuyện này? Thật ra đời sống tâm linh người Việt rất phong phú và việc khẩn cẩu vừa thể hiện nhu cầu thế tục và nhu cầu đức tin là chuyện phổ biến trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt. Như một nhà dân tộc học người Pháp, L. Cadière cách đây gần một thế kỷ đã nhận xét: “Nơi người Việt, ở các giai tầng xã hội, tâm thức tôn giáo thể hiện một cách mãnh liệt và chế ngự toàn thể cuộc sống con người.  Tâm thức ấy, trong mỗi hành vi thường nhật, trọng đại hay nhỏ bé, kết thành một mạng lưới chằng chịt qua các biểu hiện thực hành, khi thì hoành tráng lễ nghi ở đền đài miếu vũ công khai, khi thì âm thầm nhẹ nhàng giây lát bên gốc cây, hòn đá…   Khi thì lại tìm đến thầy bói mù lòa, tìm đến cô đồng..., hoặc tìm đến thầy bùa thầy pháp, bói quả chân gà… Họ dâng hương hoa thơm ngát lên chư Phật rực rỡ tòa cao, tọa thiền nhập định Đại Từ Bi, Tam Tịnh, Tam Bảo, nhưng họ cũng bái lạy trước những hình tượng mặt mày nhăn nhó, thờ hổ thờ rắn... Ma thuật với những thực hành kỳ quái hoang dã ấy lại hòa trộn vào những hành vi tôn giáo cao cả nhất…”. Có thể thấy, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng người Việt trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm khác nhau nhưng đời sống tâm linh của người Việt vẫn giữ nguyên được được những nét đơn sơ. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, dường như có sự hồi sinh của tôn giáo, tín ngưỡng. Đây cũng là sự phản hồi lại những chính sách của nhà nước làm thay đổi lớn lao nền kinh tế khi chuyển sang kinh tế thị trường.  Luận điểm cho rằng khi xã hội phát triển, tôn giáo sẽ mất đi tính sống còn của nó dường như không còn đứng vững. Thực chất, tôn giáo ở Việt Nam đang hồi sinh và phát triển với nhiều chiều hướng mới thay đổi từ quan điểm nhà nước, người dân, và tín đồ. Tôn giáo có thể đáp ứng một số nhu cầu tâm linh và tâm sinh lý của người dân khi phải đối đầu với sự bấp bênh của kinh tế thị trường.Cơ chế loại bỏ hành vi lệch chuẩn - Mang vật chất đến “hối lộ” thần linh, như cách gọi của nhiều người, dường như là câu chuyện có từ thuở sơ sinh của loài người. Dưới góc độ nghiên cứu nhân học, ông nhận thấy các tín ngưỡng, tôn giáo đã loại bỏ hành vi này bằng cách nào để bảo vệ niềm tin đối với chính nó? Bàn về vấn đề này chúng ta nên nhìn vào chiều kích lịch sử của các tôn giáo thế giới đã tiến hành loại bỏ các hành vi bị xem là ma thuật, mê tín để hiện đại hóa tôn giáo của mình như thế nào? Tôi nhận thấy các tôn giáo đó thường thông qua những cuộc cải cách về mặt tư tưởng.  Chẳng hạn như Ki Tô giáo, vào thời đại Khai sáng thế kỷ XVIII, những nhà tư tưởng châu Âu đã hiện đại hóa các lĩnh vực tinh thần, trong đó có cả tôn giáo bởi tư duy lý tính, với những kiến thức có hệ thống được hệ thống hóa trí thức về thế giới tự nhiên và lĩnh vực tinh thần. “Tôn giáo” lúc này được xác định như là một hệ thống giáo lý bao gồm những ý tưởng duy lý mà những người theo đạo tin vào. Các hành vi lễ nghi nằm ngoài hệ thống tư duy lý tính đều bị xem lệch chuẩn, mê tín di đoan.  Ngày nay, tư duy lý tính của phương Tây về tôn giáo trở thành một bộ phận của thế giới hiện đại mà những dân tộc không phải là phương Tây cũng đã ứng dụng theo khuôn mẫu này. Hơn một thế kỷ qua, quan điểm của phương Tây về tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến các hình thức mà quản lý của nhà nước và giới chức các tôn giáo thế giới. Nhiều nơi chỉ công nhận tôn giáo khi nào nó có một hệ thống giáo lý. Chính vì vậy điều này cũng có những mặt trái nhất định chẳng hạn như người ta coi một số thực hành tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc là mê tín dị đoan.     - Theo ông, cách nào để một xã hội dân sự có thể giúp đỡ được các cá nhân, khi thực hành nghi lễ, đều có được niềm tin và sự nhận thức đầy đủ về tôn giáo hay tín ngưỡng mà họ theo đuổi? Thật ra chính mỗi tôn giáo đã là một dạng thức của một xã hội dân sự rồi. Việc dìu dắt các tín đồ thực hành các lễ nghi và niềm tin trong mỗi tôn giáo đều có những nguyên tắc, chuẩn mực nhất định, đa phần là hướng thiện và văn minh. Tôi cho rằng hãy để chính các tôn giáo làm công việc định hướng, dẫn dắt niềm tin của dân chúng. Tôi chỉ lo ngại rằng trong phần đông dân chúng có những hành vi lệch chuẩn, xúc phạm làm tổn thương đến các cộng đồng tôn giáo không biết mình thuộc về tôn giáo nào? Họ không có nơi để học hỏi các quy tắc, chuẩn mực hành vi tôn giáo.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vietnamnet