Tiến sĩ văng tục: Giảng giải hay nhưng đừng "quên văn hóa"!

15/03/2012 06:51
Cao Tuân
(GDVN) - Xoay quanh clip TS Lê Thẩm Dương văng tục trên bục giảng, có người cảm thấy quá thô tục những cũng có ý kiến cho rằng cách giảng như vậy mới hấp dẫn?.
Dung tục để… dễ hiểu vấn đề?
Vụ tiến sĩ Lê Thẩm Dương trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP. HCM lộ video clip "văng tục" nói về chuyện trai gái... khi giảng bài về thị trường bất động sản và vay nợ đang gây xôn xao dư luận, người thì nói là kinh khủng quá, người thì bảo đây là phong cách dạy học hấp dẫn đỡ buồn ngủ.
Ngay lập tức clip này đã trở thành tâm điểm nóng vì khi cầm mic diễn giải kiến thức của mình, TS. Lê Thẩm Dương đã dùng những từ chửi thề: “thằng”, “mày”, “mẹ”…
TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)
TS. Lê Thẩm Dương trao đổi, trò chuyện trong lớp quản trị thực tế do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại hội trường ĐHQG Hà Nội (Ảnh chụp lại từ clip)

Tuy nhiên nếu đặt ở bối cảnh buổi trò chuyện sẽ nhiều người đồng ý với bài giảng của TS Dương, bởi những học viên tham gia tuổi ít nhất trên 27 và là những doanh nghiệp kinh tế nên câu chuyện càng cởi mở, thoải mái sẽ càng tạo sự chú ý của mọi người.
…các chú xây nhà xong bắt đầu thuê thầy phong thủy về, bắt đầu xây cái bùng binh, xây hòn non bộ ấy… phong thủy. Không phải phong thủy đâu, mẹ, chú gian lắm. Chú xây cái chỗ này để nếu có gì con vợ nó gí có chỗ mà chạy, mà chạy vòng tròn thì biết thằng nào đuổi thằng nào. Xong đến cơ quan, mẹ, bắt đầu chém gió: Công nhận lúc đàn bà nó sợ, nó chạy lẹ thiệt ông ạ. Ngày hôm qua tôi điên tôi đuổi con vợ mà tôi dí mãi mới được…”, trích đoạn từ bài nói chuyện của TS Lê Thẩm Dương.

Nhiều bạn đọc không chê trách TS. Lê Thẩm Dương vì bài giảng của thầy rất thực tế, không nhàm chán. Được biết tiến sĩ Lê Thẩm Dương thường xuyên là khách mời xuất hiện trong các chương trình chứng khoán, tài chính của VTV. 
Phân tích về clip, có nhiều ý kiến cho rằng đoạn clip trên đã được cắt ghép với mục đich bôi xấu TS. Lê Thẩm Dương. 
TS.Lê Thẩm Dương cho biết, ông đã biết có clip này và biết người tạo ra là ai?. Ông cho rằng đó là buổi nói chuyện theo yêu cầu của Viện Quản trị kinh doanh của FPT, chứ không phải là buổi giảng bài trên lớp.
Những lời giảng của ông Dương luôn khiến các học viên phía dưới giảng đường "cười lăn, cười bò", có người cười ngượng. TS Lê Thẩm Dương cũng cho rằng cần phải nghe hết bài giảng 3h đồng hồ của ông thì mới có thể có đánh giá đúng.
Khó chấp nhận văng tục trên giảng đường đại học?
Khi dẫn dắt vấn đề, cách sử dụng hình ảnh, ngôn từ của tiến sĩ Dương có chút nhạy cảm, khiến người nghe cảm thấy thô tục. Do đó, nhiều độc giả đã phản ứng gay gắt.
Tôi không đánh giá về năng lực của TS Lê Thẩm Dương, có thể cách dung tục của ông ấy để lôi cuốn học viên. Nhưng rất khó chấp nhận bởi nơi ông đáng đứng, đang trò chuyện hoặc đang giảng bài ngày hôm ấy là giảng đường của ĐH Quốc gia Hà Nội, bạn Liên, Sinh viên trường ĐH Sư phạm bức xúc.
“Tôi đã xem rất nhiều chương trình về kinh tế, kể cả phát sóng trên truyền hình có Tiến sỹ Dương tham gia. TS Dương nói chuyện rất hay, lôi cuốn tuy nhiên nếu đặt ở bối cảnh là quán café, trà đá ven đường thì rất vui nhộn, còn đặt ở bối cảnh trên bục giảng của một trường đại học thì không thể chấp nhận được”, bạn Vinh, một độc giả bày tỏ.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh (ảnh Internet)
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh (ảnh Internet)

Bác Hùng, một phụ huynh cũng đã chia sẻ quan điểm của mình cùng báo GDVN: “Tôi rất bất ngờ bởi nếu như những người ngồi ở dưới, họ đường đường là những người thuộc tầng lớp trí thức là các nhà doanh nghiệp mà họ lại hưởng ứng và cười đùa với những lời lẽ như vậy của ông TS Dương thì cũng khó hiểu thật. Nếu như họ chỉ cần có người đứng lên có ý kiến về cách dùng từ ngữ thì chắc TS Dương sẽ phải suy nghĩ trước khi tiếp tục bài giảng của mình, như vậy thì đâu để xảy ra chuyện tranh cãi như bây giờ."


"Giáo dục cần phải cải cách nhưng không phải theo hướng vô giáo dục như thế. Dù là một người giỏi, kể cả thiên tài thì cũng không thể thiếu văn hóa nơi giảng đường như vậy. Có rất nhiều cách để làm sinh động giờ giảng nhưng phải gắn với chuyên môn chứ sao lại liên quan đến gái rồi là giữa tôi và giám đốc, gái sẽ chọn? Việc truyền đạt kiến thức dễ hiểu, dễ tiếp nhận là rất tốt, nhưng cá nhân tôi nghĩ tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng phải nhìn thầy cái giới hạn giữa thầy và trò, giữa việc đứng trên bục giảng và ngoài vỉa hè. Giảng giải hay nhưng cũng đừng quên văn hóa!”, ông Nam, một Cựu TNXP bày tỏ.

Cao Tuân