Tổ chức cưới đình đám: "Là coi thường người nghèo, thách thức dư luận"

05/03/2012 07:08
Nguyễn Tiến - Thành Chung
(GDVN) - 'Thay vì hạnh phúc thì những đám cưới rình rang được các nữ đại gia tổ chức cho con chẳng qua là sư khoe mẽ, đánh bóng tên tuổi một cách lố bịch...'
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN).

Coi thường người nghèo?
Thời gian gần đây, hàng loạt các đám cưới đình đám, hoành tráng, tốn kém lên tới nhiều tỉ đồng do một số nữ "đại gia" tổ chức cho con đã gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận. Mới đây nhất là hai đám cưới của cậu con trai nữ "đại gia" thủy sản Bình An Phạm Thị Diệu Hiền với hàng loạt những chiếc xe hạng sang, các hot girl "đốt cháy" cả đường phố...
>>ĐIỂM LẠI NHỮNG ĐÁM CƯỚI ĐÌNH ĐÁM Ở VIỆT NAM
>>CẬN CẢNH DÀN XE SIÊU KHỦNG CỦA ĐÁM CƯỚI CON TRAI ĐẠI GIA THỦY SẢN
Dàn siêu xe tham gia rước dâu của con trai đại gia thủy sản miền Tây (Ảnh: Internet)
Dàn siêu xe tham gia rước dâu của con trai đại gia thủy sản miền Tây (Ảnh: Internet)
Và đám cưới tốn kém đến hàng chục tỉ đồng của cậu con trai do nữ "đại gia" phố núi Hương Sơn Nguyễn Thị Liễu (Mạnh Liễu" tổ chức. Được diễn ra rình rang với sự tham gia của dàn siêu xe và hàng loạt tên tuổi nổi tiếng của Showbiz Việt Nam...
Không ít bạn đọc của báo GDVN cho rằng, việc tổ chức những đám cưới đình đám, rình rang như vậy, nếu xét ở hoàn cảnh từ thu nhập, mức độ thành đạt, quan hệ của các nữ "đại gia" này thì nhiều người có thể coi đó là câu chuyện bình thường. Nhưng nếu xét trên bình diện văn hóa truyền thống dân tộc và mức sống chung còn khó khăn trong khu vực, xét rộng ra cả nước thì những đám cưới như vậy chẳng khác kiểu "chơi ngông, chơi trội" của những nữ "đại gia". Thậm chí, không ít bạn đọc còn cho rằng đó chẳng qua chỉ là sự mượn danh để đánh bóng tên tuổi của một bộ phận những người mới có tiền trong xã hội.
"Nếu nói đây là vì hạnh phúc của con cái mà làm như vậy thì tôi nghĩ rằng chỉ cần đơn giản nhưng tâm đầu ý hợp là được. Còn đây những đám cười chẳng khác gì việc những bà mẹ đại gia này đang cổ súy cho thói ăn chơi, đua đòi, hưởng thụ của lớp trẻ. Thực sự tôi cũng thấy rằng, những đám cưới đình đám như vậy chẳng qua chỉ là sự khoe mẽ, đánh bóng, khuếch trương tên tuổi một cách hết sức lố bịch của những người mà tôi thấy đang bắt đầu xuất hiện trở lại như trong tác phẩm số đỏ của Vũ Trọng Phụng", độc giả Nguyễn Văn Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ. Không ít độc giả cũng nhấn mạnh, nếu xét từ góc nhìn của những người còn khó khăn trong xã hội thì mức độ lãng phí của các đám cưới đình đám, rình rang như vậy chẳng khác gì sự "coi thường thậm chí sỉ nhục" những người nghèo trong xã hội. "Việc bà mẹ có nói rằng việc mời các ca sĩ nổi tiếng là để bà con có cơ hội được nghe họ hát, rồi số tiền thu được từ đám cưới sẽ làm từ thiện chẳng qua chỉ là sự ngụy biện thêm cho thói chơi ngông, đánh bóng tên tuổi bởi bà con được hưởng thụ là mấy phần hay chủ yếu là quan khách. Và nếu xét ở các mối quan hệ xã hội, độ lãng phí thì những đám cưới này chẳng khác gì sự coi thường thậm chí sỉ nhục những người nghèo trong xã hội", độc giả Nguyễn Viết Công đánh giá.
>>ĐIỂM LẠI NHỮNG ĐÁM CƯỚI ĐÌNH ĐÁM Ở VIỆT NAM
>>CẬN CẢNH DÀN XE SIÊU KHỦNG CỦA ĐÁM CƯỚI CON TRAI ĐẠI GIA THỦY SẢN
Nữ thương gia quyết tâm tổ chức đám cưới con trai tại quê nhà để phục vụ bà con?
Nữ thương gia quyết tâm tổ chức đám cưới con trai tại quê nhà để phục vụ bà con?
Thêm vào đó, không ít độc giả cũng cho rằng, khi mà kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, không ít nữ "đại gia" đang phải "ôm" những khoản nợ lên tới hàng chục, trăm tỉ đồng chưa thể chi trả, bị người dân kiện, mang băng rôn đến trước cửa đòi tiền, phải "chạy vạy" để vay ngân hàng nhằm cứu vãn tình hình thì việc tổ chức những đám cưới rình rang chẳng khác gì sự "đánh lừa" dư luận.
“Một cử chỉ thách thức dư luận”
Xung quanh việc nữ "đại gia" thủy sản Bình An Phạm Thị Diệu Hiền tổ chức đang đám cưới đình đám cho con trai với hàng loạt những chiếc xe hạng sang, hot girl “đốt cháy” đường phố TP Hồ Chí Minh, trong khi vẫn còn nợ nông dân số tiền mua cá lên tới gần 250 tỉ đồng và bị người dân kéo đến giăng băng rôn đòi nợ, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho rằng: 
“Đây là một cử chỉ thách thức dư luận. Một người mà nợ nhiều tiền lại tổ chức một đám cưới xa hoa như thế là một điều ngược nhau”.
Về vấn đề bà Diệu Hiền cho rằng, tổ chức đám cưới đình đám như vậy là để cho mọi người thấy cá nhân bà không nợ nần ai, PSG.TS, Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh:  “Đó là hành động đánh tráo khái niệm là làm ngược lại với những điều mà trong sự thực mình không làm nổi. Bây giờ mình nợ thì phải trả đã. Như vậy là trái với đạo đức trong kinh doanh”.
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Chủ nhiệm khoa xã hội học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN) cho rằng, việc tổ chức đám cưới như vậy là quá lãng phí.

"Việc tổ chức đám cưới như vậy, nếu xét từ góc nhìn của những người nghèo trong xã hội thì quả thực đây là sự lãng phí rất lớn. Theo tôi, thay vì tổ chức những đám cưới đình đám, tốn kém như vậy, thì người ta nên tổ chức bình thường thôi và hãy dành khoản tiền đó để phục vụ cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ cộng đồng, đầu tư cho giáo dục, y tế... thì sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa nhấn mạnh.
Nguyễn Tiến - Thành Chung