"Tôi cực lên án hành vi bạo hành trẻ em!"

05/12/2011 15:35
Khải Nguyên/phunutoday
"Tôi cực lực lên án các hành vi bạo hành trẻ em của bất kỳ ai, dù người đó là cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo, những người lớn tuổi khác."_ Thầy  Tùng cho biết.
Trước dư luận xã hội tỏ ra rất bất bình với những vụ lùm xùm trong ngành giáo dục: clip nữ sinh đánh bạn lột áo, rạch mặt, cắt tóc bạn, cô giáo bắt học sinh quỳ trước lớp, bắt nằm ra đánh đòn hay bắt bạn này tát bạn khác... Rồi ở gia đình liên tiếp những vụ bạo lực con cái gây phản ứng dữ dội trong xã hội như: đánh con nhập viện vì điểm kém; tức vợ, ghen chồng thiêu sống con trai... Xung quanh vấn đề này, các thầy cô giáo các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã có cuộc chia sẻ, đưa ra những kiến giải khá thú vị:
Ngày càng
Ngày càng nhiều những vụ bạo lực học đường diễn ra

Nguyễn Quang Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập V.M Lômônôxốp: Tôi cực lên án bạo hành trẻ em...

Tôi cực lực lên án các hành vi bạo hành trẻ em của bất kỳ ai, dù người đó là cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo, những người lớn tuổi khác…Có nhiều cách để giải quyết vấn đề, với con trẻ càng phải kiên trì, có thể phải nói chuyện nhiều với trẻ con, cùng tranh luận với trẻ nhỏ về một vấn đề nào đó, hãy lắng nghe và tôn trọng các ý kiến của con trẻ.

Các vụ việc lùm xùm đó trong một số trường học Việt Nam là có, tuy nhiên mức độ khác nhau mà thôi, và đây là điều trăn trở cho ngành giáo dục nước nhà. Cha mẹ học sinh có quyền đề nghị nhà trường cần kiểm soát chặt chẽ hơn các hiện tượng trên, chứ không nên đổ lỗi hết cho nhà trường vì như chúng ta đều biết gia đình, nhà trường và xã hội như “cái kiềng” 3 chân trong giáo dục và hình thành nhân cách cho học sinh, chỉ cần 1 chân hơi “thấp” 1 chút là có vấn đề ngay. Tất nhiên, nhà trường cũng có lỗi là không dự đoán được hết các vấn đề sẽ nảy sinh trong từng lớp học, các “Hội”, “Nhóm” học sinh… để giáo dục học sinh không xảy ra những sự việc đáng tiếc như báo chí đã nêu trong thời gian vừa qua.

Chúng ta cần tăng cường kỹ năng sống cho học sinh tốt hơn. Học sinh ngày nay phải chịu nhiều áp lực nên dễ nảy sinh những lúc các em không kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến những sự việc đáng tiếc.

Cần tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường, như thông qua sổ theo dõi, sổ liên lạc điện tử, hoặc điện thoại thường xuyên hơn giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh về tình hình của học sinh. Tuy nhiên, sự phối kết hợp này cũng không nên quá căng thẳng, gây áp lực cho học sinh. Nhưng chúng ta cần phải xem xét các vụ việc trên có phải là phổ biến trong các trường học hay không. Câu trả lời là không, vì như các bạn thấy chúng ta có rất nhiều gương sáng về học tập cũng như đạo đức của học sinh trong cả nước. Nói rằng ngành giáo dục cũng như gia đình cũng đang bối rối không biết dạy con, dạy trò theo tôi nghĩ là chưa thật chính xác.

Dù xã hội phát triển và thay đổi đến đâu thì các giá trị đạo đức vẫn có những chuẩn mực nhất định, các hiện tượng trên chỉ là do nhận thức chưa đúng đắn về phương pháp giáo dục của một số người lớn, và hậu quả là sau này con trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý, khi lớn lên cũng có thể chúng sẽ lại đánh con chúng hoặc đối xử với những đứa trẻ khác bẳng roi vọt. Người lớn chúng ta cần phải kiên nhẫn hơn trong giáo dục con trẻ. Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất, đó là tình yêu thương, các điều kiện phát triển đầy đủ về thể chất, tâm hồn, học tập cũng như kỹ năng sống. Tôi tin rằng cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp lãnh đạo của ngành giáo dục.

Cô Lê Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH chuyên Hà Nội - Amsterdam: Nhà trường thiếu hoạt động trải nghiệm, gia đình thiếu giao tiếp...

Những vụ việc trên chính là hậu quả của việc ở nhà trường thì thiếu các hoạt động để các em ấy trải nghiệm, vì khi trải nghiệm  mới thấu hiểu được là giá trị của bản thân đến đâu, đang được bạn bè hay xã hội công nhận đến đâu và nó cần điều chỉnh gì. Còn ở gia đình thì nó lại thiếu giao tiếp, thiếu giao lưu tình cảm thì nó cũng không thể tự điều tiết được bản thân.

Bây giờ một đứa trẻ nó phản ứng như vậy, nó có nhiều lý do, thứ nhất là phẫn uất, thứ hai là không cân bằng được tâm lý. Thứ ba nữa là không đủ nghị lực kiềm chế. Tất cả những thứ đó đều nằm ở sự dạy ở trường và ở nhà. Nhưng mà dạy đó lại phải được trải nghiệm từ bản thân, để tự điều chỉnh. Khả năng tự điều chỉnh của con người là rất lớn.

Một đứa trẻ không được giải quyết uất ức ở nhà, lần sau ví dụ có những xích mích có những xung đột với những đứa trẻ khác thì nó sẵn trong lòng những uất ức rồi thì nó phải nảy sinh. Đấy là chuyện đương nhiên. Thế thì rõ ràng việc dạy một đứa trẻ là tổng hòa của các mối quan hệ và các thành phần trong xã hội, trong đó thói quen và nền tảng gia đình là điều cơ bản. Những thói quen, những cách suy nghĩ, những cá tính và tư duy của những đứa trẻ được hình thành ở tại gia đình, và những tư duy đó được điều chỉnh ở nhà trường trong việc tiếp thu kiến thức để tự điều chỉnh trong việc giảng dạy của thầy cô để nó tự điều chỉnh.

Rồi những tư duy đó, thói quen đó, sự điều chỉnh đó được mang ra trải nghiệm thực tế xã hội hoặc là các hoạt động ngoài giờ học trong nhà trường, thông qua đó đứa trẻ đấy sẽ có những trải nghiệm của bản thân và nó tự điều chỉnh, tự rút ra bài học thì nó mới đưa đến cái chuẩn. Và nó sẽ lại là một chu trình vòng ngược trở lại: những cái điều chỉnh của nó được áp dụng cái thói quen ở nhà, đem đến trường học, và nó lại được điều chỉnh tiếp để nó hoàn thiện dần và nó phát triển ở mức độ cao hơn. Đó là một cái vòng rất chặt chẽ.

Những vụ bạo lực, clip đánh nhau như một lời cảnh báo đối với các bậc làm cha làm mẹ của mình để rèn luyện thói quen cho trẻ. Đồng thời những thói quen của trẻ đó sẽ được định hướng, tư duy lại, bổ sung thêm ở tại các nhà trường bằng các hoạt động ngoài giờ song song với việc truyền đạt tri thức ở nhà trường, tạo cơ hội cho các em có nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp. Và những hoạt động ngoài giờ lên lớp đó nó kết nối, để cho các em những thói quen của mình, những thói xấu, thói tốt được bộc lộ trong những hành vi và trong các hành vi nó phải được trải nghiệm cụ thể với các hoạt động khác thì em đó mới có khả năng điều chỉnh. Khi hoạt động không được trải nghiệm thì sẽ không được điều chỉnh và từ đó dẫn đến thái cực. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhóm trẻ sẽ cho người thầy, người cô một phương pháp giáo dục đúng nhất.

Cô Phạm Thị Kim Dung, giáo viên dạy môn Vật Lý, trường THPT Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội: Đừng khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường

Đúng là nhiều phụ huynh khoán trắng việc dạy dỗ cho nhà trường. Chúng tôi nói rằng: Sự thành đạt của các con là phải do gia đình, nhà trường và xã hội cùng kết hợp giáo dục chứ nhà trường chỉ là một mảng, các con ra khỏi cổng trường các cô không quản được mà kể cả các cô có dạy các con ở trường đi chăng nữa, dạy rồi thì bố mẹ vẫn phải dạy dỗ. Nhiều vị phụ huynh giờ cứ đi từ sáng đến tối, làm ăn kinh tế nhiều quá đã bỏ quên đi mất một cái gia tài lớn nhất của họ đó là đứa con. Họ có làm bao nhiêu chăng nữa, có bao nhiêu nhà tầng, có bao nhiêu xe hơi thì họ cũng không sung sướng bằng một cái gia đình bình thường nhưng con cái họ ngoan. Tôi muốn nói với các bậc phụ huynh rằng muốn làm gì thì làm, nhưng cái tài sản lớn nhất của các vị là con cái, mà con cái có thành đạt thì sau này các thầy cô chỉ được hưởng mấy năm ở nhà trường thôi, còn các vị phụ huynh là được hưởng đến tận khi nhắm mắt. Đừng có nói rằng con lớn lên, con lấy chồng, lấy vợ rồi thì bố mẹ nhẹ nhàng, chưa nhẹ nhàng nếu mình giáo dục thời trẻ các con không ngoan thì sau này các con sẽ đánh nhau, vào tù ra tội, nghiện ngập thì cái đấy bố mẹ còn phải chịu ảnh hưởng cho đến khi lìa đời. Cho nên bố mẹ không nên khoán trắng việc dạy dỗ con cái cho nhà trường. Khi các con còn bé có thể dọa, đánh 10 roi xuống đất, có thể quất một cái vào mông con thì cái đấy cũng là bình thường không có vấn đề gì. Nhưng khi con lên cấp 2 rồi hay lên cấp 3 rồi thì sẽ giảm và cấp 3 thì càng không nên đánh tí nào cả. Bởi vì lúc ấy các em biết là bố mẹ vi phạm luật trẻ em rồi cho nên là không nên đánh mà có nhiều biện pháp giáo dục, động viên là chính, phân tích mặt trái, điều hay lẽ phải. Hiện nay có hiện tượng một số gia đình dùng bạo lực để dạy con như tẩm xăng đốt chân con vì con không ngoan, con không thi đỗ cũng đánh con… họ rơi vào bế tắc. Tự họ, họ thiết cổ họ. Họ đánh con họ,  họ đau lòng lắm, họ đánh con họ cũng chính là đánh mình. Những clip đánh bạn, rạch mặt đó chính là hậu quả của việc gia đình không quan tâm, khoán trắng cho nhà trường nhưng có biết đâu rằng con đến trường các cô cũng chỉ có mấy tiết thôi mà không phải tất cả cô nào cũng có điều kiện để quan tâm được. Nói rất thật là các cô còn rất bận với gia đình của các cô, các cô đến trường còn phải soạn bài, chấm điểm… thế thì không thể nào khoán trắng cho nhà trường được. Còn hiện tượng các cô giáo có những hành vi phi giáo dục để dạy học sinh thì cái đấy đáng lên án. Không có một cô giáo nào được đào tạo làm như thế cả. Chúng tôi đi học sư phạm thì có ai dạy chúng tôi là bạo lực với học trò thế đâu. Tôi phản đối những hành vi phi giáo dục đó. Thực ra, các thầy cô đó không bế tắc trong cách dạy học trò, chẳng qua các thầy cô đó quá bức xúc trong một giai đoạn ngắn thôi. Tôi nghĩ là các thầy cô đó có rất nhiều biện pháp để giáo dục học trò. Mình thương yêu các con bao giờ cũng được đáp trả. Có thể là phụ huynh và các học trò lúc ấy rất là phản ứng mình thế nhưng thôi thì mình cứ nhịn đi và sau này họ biết được cái phương pháp giáo dục của mình là đúng, miễn là mình đừng có vi phạm nhân quyền, đừng có đánh. Có thể là đánh, có thể là nói, phạt nọ, phạt kia nhưng không nên đánh học trò. Mà cũng đừng sát phạt quá, đừng xúc phạm quá, đừng coi các em là trẻ nhỏ thì là không được. Để mà trò thành đạt, cả gia đình, nhà trường và xã hội phải kết hợp. Ví dụ: Xã hội bây giờ game cứ đầy ra, điện tử cứ đầy ra, không quản được. Trong một tiết học được về sớm chẳng hạn, bố mẹ cứ tưởng rằng con đi học hết 12h kém mới về, nhưng kỳ tình thì 11h các con đã về rồi, đấy là trẻ con nó lách luật nó đi chơi chẳng hạn. Thế thì việc hạn chế điện tử, xem phim sex… những cái đấy là ngoài xã hội là phải quản. Về nhà thì bố mẹ nên giáo dục con cái. Các bác có đi làm gì thì làm nhưng các bác cũng phải nghĩ đến tài sản lớn nhất là con cái cho nên đừng có khoán trắng cho nhà trường suốt từ sáng đến chiều con ở trường về. Tối bố mẹ đi làm về mệt thế là con vào phòng con, bố mẹ vào phòng bố mẹ, con làm gì mặc con, thế là không được. Còn đến trường thì các thầy cô phải giáo dục rồi, bố mẹ mà thấy con có chuyện bất thường thì nên điện thoại cho thầy cô giáo, càng điện thoại rất thật bao nhiêu thì càng cho chúng tôi phương pháp xử lý tốt bấy nhiêu để cho các em biết mình mắc lỗi và có người giáo dục nó. Bố mẹ mà cứ giấu thì làm hại cho con. Gia đình, nhà trường cùng phải kết hợp để giáo dục con cái. Nếu như các em nhận được những hành vi phản giáo dục thì tương lai của các em là quá sợ luôn. Nếu như các em không được giáo dục cẩn thận thì có thể là nghiện hút, đánh nhau, vào tù ra tội, đâm chém nhau… Không ai đẻ con ra muốn con như vậy cả. Nếu như không giáo dục thời trẻ cho các con nghiêm chỉnh thì hậu quả là phụ huynh phải gánh chịu, xã hội phải gánh chịu nên phải quan tâm giáo dục đến các lứa tuổi. Mình giáo dục tốt thì sẽ được những thành quả rất là tốt.
"Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất, đó là tình yêu thương, các điều kiện phát triển đầy đủ về thể chất, tâm hồn, học tập cũng như kỹ năng sống"._Thầy Nguyễn Quang Tùng.
"Hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhóm trẻ sẽ cho người thầy, người cô một phương pháp giáo dục đúng nhất"._ Cô Lê Thị Oanh.
"Sự thành đạt của các con là phải do gia đình, nhà trường và xã hội cùng kết hợp giáo dục"._Cô Phạm Thị Kim Dung.
Khải Nguyên/phunutoday