"Tôi ủng hộ phương án cấm Facebook của độc giả Phạm Quốc Dũng"

17/11/2012 06:57
Độc giả Tuấn Trần (Hà Nội)
(GDVN) - "Vẫn biết facebook là một mạng xã hội sẽ có cả điểm tốt và điểm xấu, nhưng nó "giống như nhập gia tùy tục", nếu vào hoạt động ở trong một quốc gia nào thì phải tuân thủ và hoạt động theo đúng luật pháp và phong tục tập quán, văn hóa... của nước sở tại. Tôi đề nghị nhà nước nên có cách kiểm soát chặt chẽ nếu không thì chắc chắn phải có biện pháp cấm ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam", độc giả Tuấn Trần chia sẻ ý kiến trong lá thư gửi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam....

Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của độc giả Phạm Quốc Dũng với nội dung "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Trong hàng nghìn comment, email gửi đến tòa soạn thì trong đó hầu hết phản bác ý kiến mà anh Phạm Quốc Dũng đưa ra. 

Nhưng trong số những ý kiến đó cũng có một số ý kiến trái chiều và thể hiện quan điểm là ủng hộ với ý kiến của độc giả Phạm Quốc Dũng là "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam". Để rộng đường dư luận, trong phạm vi bài này, Giáo dục Việt Nam xin đăng tải ý kiến của bạn đọc Tuấn Trần để mọi người cùng tham khảo...

Độc giả Phạm Quốc Dũng đang bị "ném đá" oan?

Ảnh: minh họa, nguồn internet
Ảnh: minh họa, nguồn internet

Tôi đã đọc rất kỹ các ý kiến được độc giả Phạm Quốc Dũng nêu trong bài "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam". Và là một người cũng đã có thời gian dài sử dụng facebook nên tôi thấy rằng, với những lập luận mà ông Dũng đã đưa ra trong bài thực sự là rất hợp lý, chỉ có điều độc giả Phạm Quốc Dũng chỉ chưa đưa ra cụ thể những dẫn chứng về các mặt xấu, những hệ lụy, những mặt trái mà facebook đem lại. Và tôi sẽ giúp độc giả Phạm Quốc Dũng cụ thể hóa những điều này trong ý kiến dưới đây.

"Tôi nghĩ rằng, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình, và quan điểm đó có đúng hay không và sẽ phù hợp trong thời điểm nào thì việc đó hậu xét. Và Chúng ta không nên chỉ vì một phút chốc mà lại đi ném đá một quan điểm như vậy. Các vị có quyền đưa ra quan điểm của các vị thì tôi cũng có quyền đưa ra quan điểm của tôi chứ. Và trong việc này, việc có nên chấm dứt hoạt động của facebook tại Việt Nam hay không thì phải cần đến cơ quan chức năng của nhà nước căn cứ, quyết định. Bản thân tôi và ông Phạm Quốc Dũng làm sao quyết định được.?", Độc giả Tuấn trần nêu quan điểm.

Tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc hết bài viết của độc giả Phạm Quốc Dũng và hàng trăm ý kiến comment trái chiều về việc có nên chấm dứt hoạt động của facebook tại Việt Nam hay không. Và tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Phạm Quốc Dũng là nên chấm dứt.

Năm nay tôi ngoài 40 tuổi, hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước tại Hà Nội, cho dù tôi chỉ mới biết facebook qua bạn bè và 2 đứa con giới thiệu cho mình và họ cũng lập cho tôi một tài khoản, nhưng tôi cũng chỉ xem qua một vài lần rồi cũng ít khi để ý đến.

Trước hết tôi không phủ nhận những mặt lợi, tích cực của facebook đem lại như ông Phạm Quốc Dũng đã nói: Đó là khi tham gia vào cộng đồng này, người dùng có thể thỏa sức kết nối, kết bạn với bạn bè ở khắp mọi nơi trong nước và thế giới, khoảng cách địa lý ở đây dường như bị thu hẹp, thậm chí là bỏ đi.

Mọi người có thể thỏa mái bày tỏ những lời chia sẻ, những tâm sự thậm chí là những quan điểm cá nhân trước một hay nhiều sự việc, sự kiện nhất định của bản thân hay xã hội mà không bị giới hạn.

Không chỉ thế, ở đây còn là một diễn đàn mở, khi không phải chỉ ý kiến một người mà nhiều khác cũng có thể tham gia cùng bình luận, chia sẻ các ý kiến, quan điểm của mình.

Ảnh: minh họa, nguồn internet
Ảnh: minh họa, nguồn internet

Nói cách khác, khi sử dụng facebook, các thành viên có thể cảm thấy được rõ nhất sự tự do, thoải mái, không bị gò bó, khuôn phép.

Những trò chơi, ứng dụng vui trên facebook cũng giúp cho người tham gia cảm thấy giảm sự căng thẳng, mệt mỏi, áp lực trong công việc.


Nhà nước cần có biện pháp quản lý và kiểm soát hoạt động của facebook?

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của facebook thì trong thời gian qua, đã xuất hiện không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng facebook để bôi xấu, có những hành động vượt quá khuôn khổ của kỷ cương, các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và pháp luật cho phép.

Mới đây là vụ việc về một vị quan chức bị cư dân mạng hiểu nhầm và ông này bị "ném đá" cũng chỉ vì những thông tin không chính thống phát ra từ một số facebook của các cá nhân, tổ chức nào đó mà chưa qua thẩm định.

Vị quan chức này bị hiểu nhầm chỉ vì những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác minh, thậm chí không đầy đủ nội dung của sự việc, rồi người này lan truyền người kia trên facebook và cuối cùng đã tạo ra hiệu ứng lan truyền không thể kiểm soát trên facebook.

Sự việc đã trở nên không thể kiểm soát và đi quá xa, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi cộng đồng facebook đã chế ra những bức ảnh của vị quan chức cấp cao này với những lời lẽ mỉa mai, dung tục, vô văn hóa không thể chấp nhận được.

Điều này thể hiện một sự duy ý chí, suy nghĩ nóng vội, một chiều, khó kiểm soát và rất dễ dàng bị tác động của cư dân facebook.

Độc giả đóng góp ý kiến xin gửi về báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Không chỉ vậy trước đó như tôi đã thấy qua báo chí, thì có rất nhiều các vụ việc đáng tiếc xảy ra mà nguyên do cũng là do sự mất kiểm soát từ người dùng facebook. Đó là những việc con cái lên facebook chử bố mẹ, cháu lên facebook chửi ông bà, học sinh lên facebook chửi thầy cô giáo, bạn bè lên facebook chửi bới nhau.... Rồi họ còn lập ra các hội nhóm để tung hấng, bôi xấu, bôi nhọ những điều trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thậm chí bộ xấu, xúc phạm các cá nhân tổ chức....

Đó là chưa kể đến việc hàng ngày bạn phải dành quá nhiều thời gian cho việc chơi facebook thay việc ngụy biện cho đó là giải trí. Tôi thấy 2 đứa con của tôi cứ đi học về là vồ lấy cái máy tính, cái điện thoại, hỏi ra mới biết là chúng nó và facebook. Đã nhiều lần vợ chồng tôi phải đau đầu để bắt con tập trung vào công việc học tập khi mà chúng nó "giải trí quá đà" vào trò vô bổ này.

Ảnh: minh họa, nguồn internet
Ảnh: minh họa, nguồn internet



Vậy bạn thử tưởng tượng đến một ngày nào đó không xa, các bạn trẻ lập ra các hội rủ nhau cùng có những ý nghĩ tiêu cực, rồi tẩy chay bạn bè, tẩy chay thầy cô (và hình như trên facebook đã có nhiều những hội này) thì hậu quả của nó là gì? Con cái bạn sẽ sống trong thế giới ảo và sẽ hành động theo những điều tiêu cực đó mà bạn không thể kiểm soát nổi....Điều gì sẽ xảy ra?

Quả thực tôi cũng không phải là những "con sâu facebook" nên không thể kể hết ra những tính năng hay hạn chế, cũng như những mặt xấu trong việc chơi facebook, nhưng trong một giới hạn nào đó thì tôi nghĩ nhà nước vẫn nên kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, nếu không kiểm soát được thì nên cấm và xử lý những người dùng facebook với các ý đồ xấu, không lành mạnh....

Cư dân facebook chưa sòng phẳng?


Một điều nữa mà tôi thấy sau khi đọc xong ý kiến của độc giả Phạm Quốc Dũng đó là chính bản thân cộng đồng faceebook luôn kêu gọi quyền được tự do ngôn luận, tự do trao đổi ý kiến, nhưng chính các bạn đã mất bình tĩnh và không tuân thủ điều đó.

Tôi thấy trong vài trăm comment, ý kiến sau bài viết thì có đến gần như toàn bộ mọi người phản bác ý kiến của ông Phạm Quốc Dũng và trong số đó hầu như ý kiến nào cũng rất gay gắt và phiến diện một chiều theo ý chủ quan của quý vị. Thậm chí còn có nhiều người dùng những từ ngữ nặng nề có tính chất mỉa mai ý kiến của độc giả Phạm Quốc Dũng.

Như vậy điều đó có nghĩ là chính cộng đồng mạng đã không làm đúng theo những gì mà đã được coi như quy ước bất thành văn. Trái lại cộng đồng mạng lại quay lại ném đá một ý kiến, liệu như vậy có sòng phẳng với nhau không?

Tôi nghĩ rằng, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình, và quan điểm đó có đúng hay không và sẽ phù hợp trong thời điểm nào thì việc đó hậu xét. Và Chúng ta không nên chỉ vì một phút chốc mà lại đi ném đá một quan điểm như vậy. Các vị có quyền đưa ra quan điểm của các vị thì tôi cũng có quyền đưa ra quan điểm của tôi chứ. Và trong việc này, việc có nên chấm dứt hoạt động của facebook tại Việt Nam hay không thì phải cần đến cơ quan chức năng của nhà nước căn cứ, quyết định chứ bản thân tôi và ông Phạm Quốc Dũng làm sao quyết định được.?

Việc tự do, thoải mái thông tin là tốt nhưng phải trong khuôn khổ, qui định của pháp luật cho phép, còn thực tế hiện nay, tôi thấy, việc không kiểm soát được facebook như vậy sẽ tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ xấu. 

Từ thực tế đó, để tránh những nguy cơ xấu ở trên, tôi thấy rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình đưa các thông tin sai lệch thực tế, gây hoang mang cho dư luận.

Và một việc, theo tôi cũng cần thực hiện sớm đó là, cần phải đóng cửa ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
* Tít phụ do tòa soạn đặt

Độc giả đóng góp ý kiến xin gửi về báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Tuấn Trần (Hà Nội)