Từ ông xe ôm đến chủ tịch phường đều "sốt sình sịch" vì phí giao thông

09/04/2012 12:36
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Thu phí chỉ là sự ngụy biện? Thu phí: Nảy sinh nhiều bất cập. Thu phí giao thông: Đẩy cái khó cho cơ sở là các tin bài nóng về đề xuất thu phí giao thông của Bộ GTVT.
Thu phí chỉ là sự ngụy biện?
Thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng không thể thuyết phục dư luận về cơ sở thực tế cũng như pháp lý, thậm chí cả chủ trương chính trị cho sự ra đời của “phí hạn chế phương tiện cá nhân”.

Cụ thể, về cơ sở thực tế nếu mục tiêu nhằm hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô 5 TP lớn thì rõ ràng việc thu theo đầu phương tiện là không công bằng, không hợp lý. Chẳng hạn như việc phân biệt không thu xe công, chỉ thu xe tư; thu xe biển TP lại không thu xe biển ngoại tỉnh (dù thường xuyên chạy vào TP), thu cả xe chạy nhiều cũng như xe chạy ít (nhà có 3 xe hơi thì nộp tiền cả 3, nhưng thực tế mỗi lần chỉ dùng 1 chiếc) như nhau thì rõ ràng không thể giải quyết được ùn tắc.

 Thậm chí sự không thực tế ấy còn khiến nhiều người cho rằng mục tiêu “tận thu” của 600 ngàn chủ phương tiện nhằm đạt con số 10.000-15.000 tỉ đồng/năm cho ngành GTVT mới là mục tiêu chính.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về cơ sở pháp lý, Bộ GTVT đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Pháp lệnh phí và lệ phí là không đúng pháp luật. Lý do, tại Điều 2 Pháp lệnh này nêu rõ “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí…”, trong khi nếu nộp “phí” này chủ phương tiện không hề được hưởng dịch vụ nào cả.
Còn nếu viện dẫn chi phí bảo dưỡng, duy tu đường thì trước khi xe lăn bánh chủ phương tiện đã nộp ít nhất 5 loại phí khác, trong đó có phí bảo trì đường bộ, nên không thể để xảy ra tình trạng “phí chồng phí”.
Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn là việc Bộ GTVT cho rằng việc thu phí đã được Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về trả lời chất vấn, hàm ý rằng một chủ trương chính trị đã được “quyết” từ cơ quan quyền lực cao nhất, thì đã bị chính các đại biểu Quốc hội phản bác.

Bởi vì khi thông qua Nghị quyết, Quốc hội chỉ biểu quyết về những chủ trương, cách thức, quyết tâm… của nhiều bộ trưởng khi trả lời về nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống mà Quốc hội đặt ra, chứ không phải là Nghị quyết “gút” một giải pháp cụ thể của một lĩnh vực cụ thể nào.

Dĩ nhiên khi đưa ra các quan điểm này không có nghĩa dư luận không ghi nhận, không ủng hộ tâm huyết, nhiệt tình của Bộ trưởng GTVT trong việc giải quyết ùn tắc giao thông. Tuy nhiên mục đích không thể bù phương pháp, người ta phải đặt câu hỏi Bộ GTVT đã nghiên cứu các giải pháp khác mà các nước xung quanh ta đã làm hay chưa, đánh giá xem có phù hợp Việt Nam không mà cứ nhăm nhăm chọn cách dễ nhất là… thu tiền của dân?

Không trả lời được những câu hỏi như thế thì dù có đưa ra cơ sở nào để thu phí cũng là sự ngụy biện.
Thu phí bảo trì đường bộ: Nảy sinh nhiều bất cập
Báo điện tử Kinh tế và Đô thị, từ ngày 1/6, Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thu phí bảo trì đường bộ bắt đầu có hiệu lực.

Từ nay đến thời điểm thu phí không còn nhiều, nhưng theo nhận định của các chuyên gia GTVT, việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ tăng thêm gánh nặng kinh tế với người dân và dễ nảy sinh bất cập trong thu chi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam  cho rằng, việc thu phí bảo trì đường bộ vô hình chung biến xe máy thành đối tượng chịu khá nhiều loại phí. "Chưa kể phí đăng ký, biển số, trước bạ, phí bảo hiểm (cả ô tô và xe máy) đều đã tăng rất cao so với trước đây, kể từ ngày 1/1/2012, ô tô và xe máy còn tiếp tục chịu thêm thuế bảo vệ môi trường được tính vào giá xăng dầu nay lại phải chịu thêm phí bảo trì đường bộ nữa thì rõ ràng phí chồng lên phí"- ông Hùng nói.

Ảnh minh họa: Tiền phong
Ảnh minh họa: Tiền phong

Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trong nội thành khó mà thực hiện được. Lý giải cho điều này ông Bình cho biết: "Hiện tại, rất nhiều người dân đăng ký xe ở địa phương này nhưng lại thường xuyên sang nơi khác sinh sống, làm việc.

Quản lý được các phương tiện này đã khó, nói gì tới việc yêu cầu họ đóng phí bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, có những chủ xe cả tháng mới đi một lần cũng bắt họ đóng phí như những phương tiện thường xuyên chạy trên đường là một điều không công bằng".

Anh Nguyễn Trung Hiếu, một người chạy xe ôm bức xúc: "Đã hạn chế xe thông qua thu phí thì phải đóng tất, từ xe công đến xe tải... chứ sao lại chỉ bắt xe cá nhân đóng phí. Phải chăng Bộ GTVT cho rằng, những phương tiện trên không gây tắc đường, không gây UTGT, không làm hư hại mặt đường?

 Rất nhiều người đi xe máy không phải xe chính chủ, làm thế nào để xử phạt được khi họ nói rằng: "Chủ xe đã nộp", "biên lai để ở nhà, không mang đi sợ ướt, hỏng", "Đã nộp nhưng mất biên lai"… chẳng nhẽ cơ quan chức năng giữ xe họ để đi xác minh.

Nếu người ở Cà Mau ra Hà Nội làm việc sẽ kiểm tra, xác minh như thế nào? Như vậy, liệu những tính toán ban đầu của Bộ GTVT (thu 6.800 tỷ đồng/năm từ ô tô; 2.400 tỷ đồng từ 50% xe máy đã đăng ký) có khả thi?

Thu phí giao thông: Đẩy cái khó cho cơ sở

Cũng thông tin trên báo điện tử Kinh tế và Đô thị, theo nội dung của Nghị định 18, cơ quan được giao nhiệm vụ thống kê và thu các loại phí đối với xe máy sẽ là UBND cấp phường, xã, thị trấn hoặc lực lượng công an địa phương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các phường, xã vẫn mơ hồ trước thông tin nào về việc hướng dẫn thu phí bảo trì đường bộ.

Ông Lê Khánh Đồng, Chủ tịch UBND phường Dương Nội (quận Hà Đông) cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì xung quanh việc thu phí bảo trì đường bộ. Hiện tại, toàn phường mới có 19 cán bộ nhân viên, giải quyết những công việc hàng ngày còn "mướt mồ hôi" nói gì đến chuyện đi thu phí bảo trì đường bộ. Nếu không có thêm người, không có cơ chế cụ thể, e rằng việc thu phí tại phường khó lòng mà thực hiện được".

Đồng quan điểm với ông Đồng, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) cho biết: "Nếu Bộ Tài chính, Bộ GTVT quyết định giao cho các phường thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ thì cần phải xây dựng một cơ chế cụ thể đối những nhân viên đi thu tiền phí.

Bên cạnh đó, liên bộ cần phải xây dựng quy định cụ thể đối với những người sống ở Hà Nội nhưng xe lại đăng ký ở tỉnh khác. Đặc biệt, cần xây dựng được chế tài xử phạt cụ thể đối với những người cố tình không nộp phí".

Ngoài ra, khi trao đổi với một số chủ tịch phường tại Hà Nội rất nhiều ý kiến về loại phí này được đưa ra. Khi Bộ GTVT đề xuất thu phí bảo trì đường bộ người dân đã kêu rất nhiều. Nay, Bộ lại đề xuất để các phường đứng ra thu tiền bảo trì đường bộ của người dân chẳng khác nào đẩy cái khó cho phường. Liệu có ai dám khẳng định khi người dân đóng phí sẽ không còn xảy ra tắc đường, việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn (Nguồn Vnexpress).
Hải Phong (Tổng hợp)