Từ vụ N05 (Vinaconex): Nhiều chủ đầu tư "đặt chông dưới tấm thảm đỏ"?

06/03/2012 13:29
Thành Chung
(GDVN) - Không chỉ chất lượng không tương xứng mà thực tế chỉ sau khi về ở các cư dân tại chung cư mới biết bị "ép" phải trả mức phí dịch vụ "cao ngất".
Giá phí dịch vụ "trên trời"
Câu chuyện phí dịch vụ "cao ngất" trời vẫn được coi là vấn đề "nóng" nhất của các cư dân sống ở các khu chung cư thời gian qua. Có lẽ mà vì thế, từ năm 2009 - 2011, tại các khu đô thị như The Manor, Ciputra, Keangnam Hà Nội Landmark Tower (đường Phạm Hùng), Kinh Đô (93 Lò Đúc), Golden Westlake (đường Hoàng Hoa Thám) và Sky City (88 Láng Hạ)... đã xảy ra xung đột giữa người dân và đơn vị quản lý tòa nhà.
Câu chuyện giá phí dịch vụ "cao ngất" trời vẫn được coi là vấn đề nóng nhất của các chung cư hiện nay.
Câu chuyện giá phí dịch vụ "cao ngất" trời vẫn được coi là vấn đề nóng nhất của các chung cư hiện nay.
Tại chung cư Keangnam Hà Nội Landmark Tower, Sau khi cư dân tại đây nhiều lần đấu tranh, kiến nghị, chủ đầu tư buộc phải giảm phí gửi xe cho cư dân nhưng lại quay sang bắt chẹt khách bằng phí gửi xe “cắt cổ”, với 20.000 đồng/xe máy và 60.000 đồng/ô tô/lượt. Thêm vào đó, ngay trong bản tạm kê các khoản chi do Keangnam gửi cho các hộ dân đã có rất nhiều chi phí vô lý, như chi cho nước uống công cộng trong 3 tháng: 4+5+6 là 151.524.000 đồng (nước uống cho nhân viên quản lý đã được tính riêng) nhưng không một cư dân nào nhìn thấy có bình nước công cộng ở đâu. Hoặc tiền thuê máy photocopy, mua nước uống của 3 tháng này cũng lên tới 787.481.528 đồng, trong khi chi phí điện, nước cung cấp cho cả hai tòa nhà là 699.122.173 đồng…
Còn tại chung cư Golden Westlake (Ba Đình, Hà Nội), chủ đầu tư là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing đưa ra 2 hình thức thuê bãi đỗ xe trả tiền ngắn hạn và đóng một lần trong thời hạn 38 năm. Nếu tính theo tháng, khách hàng sẽ phải đóng 1 triệu đồng. Nếu thuê dài hạn, cư dân sẽ phải nộp khoảng 800 triệu đồng trong 38 năm...

Tại chung cư Kinh Đô, ngoài phí gửi xe vượt trần so với quy định của TP Hà Nội, từ khi cư dân về sinh sống, chủ đầu tư đã thu 5.000 đồng/m3 nước sạch và sau đó lại tiếp tục tăng lên 6.000 đồng/m3, trong khi giá nước sạch theo quy định của Nhà nước ở thời điểm đó chỉ 2.800 đồng/m3...
Mới đây nhất, câu chuyện phí dịch vụ lại nóng lên tại cụm chung cư N05, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư. Người dân cho biết, mặc dù chưa biết rõ tiêu chuẩn dịch vụ cụ thể phục vụ người dân thế nào nhưng đơn vị quản lý tòa nhà là công ty Vinasinco (do chủ đầu tư chỉ định), trong buổi gặp đại diện cư dân đã thông báo thu mức phí 4.000 đồng/m2 (cao nhất theo quy định của thành phố). Không chỉ vậy, trong khi tầng hầm 3 (phần sở hữu chung) chưa được đưa vào sử dụng thì đơn vị quản lý đã đưa ra mức phí trông giữ xe ôtô đối với cư dân theo mức trần cao nhất 1,8 triệu đồng/xe/ tháng đối với tầng hầm của dự án... Nhiều cư dân sau khi đã tra tiền xong, về ở tại các tòa nhà như N05 (Vinaconex) đã ngán ngẩm cho biết: Sao lúc rao bán nhà thì chủ đầu tư tìm mọi chiêu PR, khuếch trương và mời mọc khách hàng bằng mọi giá để bán được hàng. Thế nhưng khi bán trao tay thì họ lại bắt đầu phát sinh ra những thứ dịch vụ gây phiền hà cho cư dân. Nhiều người còn ví việc này giống như việc các chủ đầu tư đã đặt bàn chông bên dưới tấm thảm đỏ như để "bẫy" các cư dân...? Dân cứ về ở rồi mới áp giá dịch vụ
Có một thực tế đặt ra trong thời gian qua, trong hầu hết các hợp đồng ký kết mua bán nhà chung cư giữa người dân và chủ đầu tư mới chỉ đặt nặng đến phần cam kết của chủ đầu tư, nội quy sử dụng, giá trị của căn hộ chứ chưa quan tâm nhiều đến việc thể hiện chi tiết giá phí để vận hành các loại dịch vụ. Đến khi các hộ dân dọn về các căn hộ sinh sống thì các mức giá "cao ngất" để vận hành các dịch vụ mới được chủ đầu tư, đơn vị quản lý "vận dụng từ kẽ hở này" đưa ra, buộc người dân phải chấp nhận nếu không sẽ "ngừng cung cấp dịch vụ, gây khó dễ...". 
Sau khi dọn về ở, không ít người dân ở chung cư N05 đã buộc phải ký hợp đồng gửi xe với mức giá phí 1.8 triệu đồng/xe/ tháng tại tầng hầm của tòa nhá.
Sau khi dọn về ở, không ít người dân ở chung cư N05 đã buộc phải ký hợp đồng gửi xe với mức giá phí 1.8 triệu đồng/xe/ tháng tại tầng hầm của tòa nhá.

Đơn cử, tại cụm chung cư N05 (Vinaconex) khi được hỏi, hầu hết các cư dân đều cho rằng, trước khi chuyển về đây sinh sống, họ chỉ nắm được giá trị của căn hộ, phần sở hữu chung... còn mức giá dịch vụ cụ thể sẽ được áp dụng như thế nào thì thực tế họ không nắm được và các qui định trong phụ lục hợp đồng cũng rất không rõ ràng. Chính vì vậy sau khi dọn về đây ở một thời gian, họ mới "ngớ người" trước các mức giá phí dịch vụ, giá gửi xe cao "ngất trời" được chủ đầu tư, đơn vị quản lý đưa ra, trong khi thực tế chất lượng của các dịch vụ đó không được đảm bảo. "Trước khi về cụm chung cư N05 này, đọc hợp đồng chúng tôi mới chỉ biết sơ qua về giá dịch vụ, chứ còn giá thực thu, chất lượng thực tế ra sao thì không được biết, ngay cả phần trông giữ xe, tôi cũng nghĩ là sẽ không mất phí vì đã có nơi để xe là tầng hầm 3, khu vực sở hữu chung rồi. Đến khi dọn về đây ở xong xuôi rồi, chủ đầu tư, đơn vị quản lý mới thông báo mức giá sẽ phải trả cao như thế trong khi chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo thì mọi người mới ngớ ra", một cư dân ở đây cho hay. Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci (Hà Nội) cũng cho rằng: "Thực tế hiện nay, trong các hợp đồng mua bán chung cư giữa chủ đầu tư và người dân, phần giá phí dịch vụ thường không có hoặc có nhưng rất mập mờ, thiếu rõ ràng. Và chỉ khi nào người dân đã dọn về ở tại các căn hộ của mình rồi thì các mức giá dịch vụ này mới được chủ đầu tư, đơn vị quản lý đưa ra và thường là rất cao, khó chấp nhận. Điều này là một kẻ hở và đồng thời vi phạm bộ Luật dân sự, bởi hợp đồng phải được xây dựng trên nguyên tắc của sự thỏa thuận giữa hai bên chứ không phải là sự áp đặt từ một bên". Luật sư Tú cũng đưa ra lời khuyên: "Người dân khi ký kết hợp đồng mua - bán căn hộ cần phải yêu cầu có những điều khoản ràng buộc về mức phí vận hành các dịch vụ để hết sức tránh thiệt hại khi xảy ra tranh chấp sau này".
Xem thêm:

Thành Chung