Từ vụ cướp dưới cầu Sài Gòn:Tự cứu mình, tránh bị cướp giật trên đường

28/09/2012 07:14
Kiếng Cận/vnexpress
Chứng kiến nhiều vụ cướp giật đau lòng, một độc giả gửi thư về tòa soạn chia sẻ kinh nghiệm đề phòng, ứng phó trên đường.

Vụ cướp trắng trợn nơi ngã tư

6h sáng, tôi chạy xe và dừng đèn đỏ ngay ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Trương Quốc Dung (TP HCM), chứng kiến một vụ cướp xảy ra mà không thể tin vào mắt mình.

Lúc đó có khoảng 5 chiếc xe xe máy, bất ngờ có một thanh niên đeo khẩu trang, chạy từ phía ngược lại lấn tuyến hẳn qua bên phía đường ngược chiều và giật mạnh túi xách của một phụ nữ. Tuy vậy hắn giật không được và té ngã, túi xách vẫn còn trên xe của người phụ nữ.

Tình trạng cướp giật lộng hành trên đường phố. Ảnh chụp từ video của bạn đọc SBG 345
Tình trạng cướp giật lộng hành trên đường phố. Ảnh chụp từ video của bạn đọc SBG 345

Nhưng thật kinh khủng là tên cướp này đã quay đầu xe lại với thái độ hung hăng chửi và tát vào mặt người phụ nữ, sau đó thật nhanh hắn giật túi xách và phóng xe đi trong chớp nhoáng.

Nạn nhân chỉ lí nhí gì đó không rõ. Tôi chỉ kịp la lên: "Chị bị cướp hả?".

Lúc này có một thanh niên khác, cũng dừng xe cạnh chị ấy từ lúc xảy ra vụ việc, bất ngờ dùng tay giật mạnh sợi dây chuyền của chị đang đeo trên cổ và dùng chân đạp mạnh vào xe chị, sau đó phóng xe đi rất nhanh. Mọi việc diễn ra chớp nhoáng trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Vì không ai tin sự việc lại xảy ra một cách trắng trợn như vậy.

Nói thật là tâm trạng tôi hôm ấy rất nặng nề và khó chịu, vì chứng kiến sự việc mà không giúp được gì.

Ứng phó khi bị cướp

Cung đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - quanh Công viên Hoàng Văn Thụ - đường Hòa Bình là những nơi có nhiều tuyến giao nhau, nhiều ngõ ngách, và bọn cướp hoành hành nhiều nhất vào những giờ sáng sớm - giữa trưa - đêm khuya. Vì vào thời gian đó đường tương đối vắng, ít người qua lại.

Chúng thường đi ít nhất là 2 xe máy, có khi một nam chở một nữ và hay kiếm chuyện chửi bất cứ ai. Thật ra thì có nhiều cung đường bọn cướp hoành hành nhưng tôi chỉ chứng kiến nhiều vụ trên đường đi làm của mình, nên mọi người cẩn thận bất cứ nơi nào khi ra ngoài.

Cô gái bị cướp ngã lăn ra đường. (ảnh cắt từ clip).
Cô gái bị cướp ngã lăn ra đường. (ảnh cắt từ clip).

Tôi đã chứng kiến không dưới 10 vụ cướp giậtt xảy ra trên cung đường này. Sinh viên của tôi đi thực tập, đứng đón xe trên vỉa hè cũng bị cướp túi xách.

Chính vì vậy mọi người cần cẩn thận hơn. Càng ngày chúng càng xem thường pháp luật. Hay do chúng biết được độ thờ ơ của con người với con người trên đường mà lộng hành đến vậy?

Lưu ý với nhóm cướp với chiêu bài "đánh ghen"

Hiện nay có những nhóm cướp chuyên dựng cảnh "đánh ghen giả" để cướp (nạn nhân của chúng là phụ nữ). Chúng thường đi một nhóm người có cả nam nữ và rất hung dữ (có mang theo cả đồ nghề là chai nước như axit, kéo, dao lam...). Những tên cướp này diễn rất tinh vi, đóng cả vai "chồng" vai "vợ" rất ngọt, do đó nhiều người phụ nữ "ngoan hiền" đã trở thành "miếng mồi" ngon của chúng.

Chính vì vậy, khi gặp tình huống này, nạn nhân không được yếu đuối, sợ và khóc là sẽ trúng bẫy của nhóm cướp này và người đi đường sẽ không hỗ trợ được gì cho bạn vì trông "bộ dạng của bạn lúc này chẳng khác gì đang bị đánh ghen thật".

Vì thế, khi rơi vào hoàn cảnh này, nạn nhân nên nhanh nhẹn, bình tĩnh và tri hô lớn: "Cướp ! Cướp! Dàn cảnh đánh ghen để cướp! Cứu tôi ...Gọi công an! Gọi công an", rồi vừa tri hô vừa chạy đến chỗ đông người nhờ giúp đỡ. (Tôi chứng kiến một phụ nữ đã thành công với cách này).

Nếu mọi người đi đường chưa biết rõ sự việc, bạn nên nhờ gọi cảnh sát khu vực đến giải quyết. Bạn nhân cũng đừng quên nhanh tay lấy điện thoại gọi cho người thân nói bạn đang gặp nạn ở đâu. Phải nhanh và tinh ý nếu không điện thoại sẽ vào tay "đánh ghen".

Bọn cướp "đánh ghen" khi nghe hơi cảnh sát, hoặc người thân của bạn đang tới sẽ tẩu tán hoặc xin lỗi vì đánh ghen nhầm. Khi thấy bạn quá lanh lợi ứng phó thì chúng sẽ biết ngay bạn là "miếng mồi thật khó xơi".

Còn nếu chúng ta là những người đi đường (không phải nạn nhận) chúng ta nên giúp đỡ những nạn nhân này bằng cách cùng đám đông tìm tiếng nói chung. Khi có tiếng nói chung thì đám đông sẽ là sức mạnh.

Người Việt mình đa số ngại chủ động, sợ hệ lụy hoặc sợ không ai ủng hộ sẽ mang họa. Nhưng thực tế người Việt chúng ta lại hiếu kỳ, tò mò, "rất quan tâm chuyện của người khác" chỉ cần bạn mạnh mẽ kêu gọi mọi người sẽ giúp bạn. Ưu khuyết điểm của chúng ta là đấy!

Tôi vẫn giữ vững quan điểm ủng hộ những người quan tâm và giúp đỡ nạn nhân trên đường. Hãy thử nghĩ thế này nếu người thân của bạn hoặc giả chính bạn là người đang gặp nạn và bị thờ ơ hoặc không được giúp đỡ thì bạn thấy thế nào? Trong khi cái xấu đang diễn ra trước mắt của biết bao người mà ai cũng bàng quan, lơ đi liệu xã hội này còn có niềm tin nào để chia sẻ?

Tôi tin là sẽ có và chắc chắn có những nguời đấu tranh chống lại cái xấu! Tôi vẫn thầm ca ngợi các "Hiệp sĩ đường phố ". Họ là thần tượng của tôi. Không cần chúng ta phải được như hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến, Nguyễn Thanh Hải , các hiệp sĩ SBC...mà chỉ mong rằng chúng ta đừng quá thờ ơ và vô cảm trước những nguy hại của người khác.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Kiếng Cận/vnexpress