Từ ý kiến của GS Lân Dũng, hóa ra quảng cáo toàn lừa khách hàng?

02/09/2012 07:46
Độc giả Nguyễn Lê My
(GDVN) - "Những ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng đã cho tôi thấy được một thực tế hiện nay, đó là sự chính xác về mặt khoa học của nhiều quảng cáo là không có, hay nói cách khác hóa ra các quảng cáo hiện nay toàn lừa khách hàng?", độc giả Nguyễn Lê My bày tỏ.
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết GS Nguyễn Lân Dũng: Quảng cáo nước tẩy rửa Vim thiếu tính khoa học , tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả gửi về. Một trong những ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Lê My (Hà Nội). Mời độc giả cùng theo dõi: Tôi đã xem đoạn quảng cáo sản phẩm nước tẩy rửa Vim trên truyền hình. Thực sự là không thể chấp nhận được. Những hình ảnh trong đó, quả thật là tạo cho người xem cảm giác thật ghê rợn, quá phản cảm.
Hình ảnh được cho là thiếu tính khoa học trong clip quảng cáo của Vim-nước rửa bồn cầu, khi kiếm tra vi khuẩn bằng cách dùng miếng thử cho vào hầm cầu (ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh được cho là thiếu tính khoa học trong clip quảng cáo của Vim-nước rửa bồn cầu, khi kiếm tra vi khuẩn bằng cách dùng miếng thử cho vào hầm cầu (ảnh cắt từ clip)

Có lẽ không phải nói nhiều thì ai cũng biết rằng, bồn cầu là nơi như thế nào rồi. Cho dù sản phẩm của Vim có làm, quét sạch vi khuẩn đến cỡ nào đi chăng nữa, thì việc người phụ nữ đó cho tay không vào quẹt bồn cầu như thế cũng là điều thực sự quá kinh khủng đối với gia đình tôi. 
Và điều còn làm cho gia đình tôi cảm thấy "sốc" hơn là không chỉ dùng tay không sử dụng dung dịch Vim để rửa bồn cầu rồi quẹt tay xuống bồn cầu, người phụ nữ đó còn đưa tay lên, thậm chí đập tay vào tay của cháu nhỏ bên cạnh. Thực sự quá là mất vệ sinh. Đó là chưa nói đến, cứ mỗi lần thấy có dấu hiệu của quảng cáo này là gia đình tôi và không ít ý kiến của các bà mẹ khác đã nêu lên là phải chuyển sang kênh khác hoặc tắt tivi đi vì sợ những đứa nhỏ xem và học theo. Điều này, không phải nói quá sâu thì chắc chắn tôi nghĩ, mọi người sẽ thấy được sự nguy hại của nó. Xem đoạn quảng cáo Vim này và được đọc những ý kiến của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khi nhấn mạnh quảng cáo nước tẩy rửa Vim thiếu tính khoa học, cá nhân tôi rất đồng tình với nhận định của Giáo sư. Đồng thời từ những ý kiến rất chính xác của Giáo sư, tôi cũng nhận thấy một thực tế đang đặt ra hiện nay, đó là sự chính xác về mặt khoa học của nhiều quảng cáo là không có, hay nói cách khác hóa ra các quảng cáo hiện nay toàn lừa khách hàng? Nếu đọc bài, chúng ta sẽ thấy, Giáo sư có nhắc tới một ví dụ liên quan đến quảng cáo nước mắm vô khuẩn - ở nồng độ muối của nước mắm thì mọi vi khuẩn nếu có đều chết hết vì tác dụng co nguyên sinh (plasmolysis) do áp suất thẩm thấu cao của nước mắm, đâu phải chỉ có loại nước mắm ấy mới vô khuẩn. Loại vi khuẩn ưa mặn (halophile) đâu có trong nước mắm. Tôi cũng còn nhớ, thời gian vừa qua, báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng về những quảng cáo thiếu tính khoa học, thậm chí là mang tính chất lừa đảo của các sản phẩm sữa dành cho trẻ em hay một số thiết bị gia dụng... Hay với chính quảng cáo nước tẩy rửa Vim này, GS Nguyễn Lân Dũng đã nhấn mạnh, đến việc dùng kính lúp hay một miếng thử quẹt để kiểm tra vi khuẩn đó là “cách lừa” của nhà quảng cáo, đứng ở góc độ khoa học không thể nhận biết được vi khuẩn bằng cách đơn giản như vậy... Rồi để người tiêu dùng yên tâm mua hàng, khi xem  đoạn kết các clip quảng cáo luôn là tên một tổ chức khoa học, một bệnh viện, một viên nghiên cứu nào đó có uy tín. Nhằm lấy danh tiếng của các tổ chức khoa học đó để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm của mình... Những điều này trên thực tế, thì đâu phải người tiêu dùng nào, chẳng hạn ngay chính tôi đây nếu không đọc được ý kiến của Giáo sư thì cũng đâu có thể biết được.
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip

Trong khi đó, nếu theo dõi các quảng cáo hiện nay, chúng ta có thể thấy một thực tế, đó là các nhà sản xuất, các nhà quảng cáo thì cứ nói vống lên, tô vẽ thêm nhằm khiến người tiêu dùng ấn tượng với sản phẩm, để bán hàng. Nói cách khác, tôi có cảm giác không ít các quảng cáo trên truyền hình của chúng ta hiện nay, giống như một ca sĩ, người mẫu "nửa mùa" muốn được nổi tiếng vậy. Thay vì đi bằng thực chất, đi bằng tính khoa học, hướng dẫn cho người tiêu dùng, họ lại đi bằng những "scandal", những chiêu "cực độc, cực phản cảm" để gây ấn tượng, lừa đảo khách hàng. Như tôi đã nói ở trên, phải chăng từ ý kiến của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cho thấy, có phải chăng các quảng cáo hiện nay đều lừa khách hàng?  Câu trả lời đúng sai thế nào thì theo tôi nghĩ, mỗi người tiêu dùng khi xem quảng cáo và sử dụng sản phẩm sẽ rõ nhất. Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc kiểm định, giám sát chất lượng thực tế của các sản phẩm, đồng thời chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, gỡ bỏ, thậm chí xử lý những quảng cáo phản cảm là điều vô cùng quan trọng trong lúc này. Cùng với đó, với chính người tiêu dùng, tôi nghĩ rằng, chúng ta hãy nên cùng nhau tẩy chay những đoạn quảng cáo phản cảm, lừa đảo này, để bảo vệ chính chúng ta. * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Nguyễn Lê My