Tuyển sinh vượt 4 lần cho phép, Học viện Hàng không Việt Nam xin lỗi sinh viên

03/02/2018 06:47
Phương Linh
(GDVN) - Thừa nhận tuyển vượt 4 lần so với chỉ tiêu, Học viện Hàng không Việt Nam đã lên tiếng, xin lỗi sinh viên chứ không đề cập đến việc đền bù thiệt hại người học.

Phụ huynh của lớp trung cấp nghề An ninh Hàng không thuộc Học viện Hàng không Việt Nam vừa tiếp tục gửi đơn tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin về việc đào tạo chậm trễ của nhà trường.

Học trung cấp 3 năm chưa hoàn thành

Theo phụ huynh cho biết, lớp trung cấp nghề An ninh Hàng không khóa 21, có tổng cộng 11 lớp được khai giảng vào ngày 2/1/2015.

Cho tới nay, dù đã 3 năm trôi qua, nhưng các sinh viên của lớp này vẫn chưa thể hoàn tất chương trình, mà có lớp vẫn còn 20 môn chưa học, lớp còn ít cũng phải 5 môn chưa hoàn thành.

Phụ huynh tính toán, với tiến độ học như hiện tại, sinh viên phải mất thêm từ 1 – 3 năm nữa để học xong khóa học, trong khi đúng ra, chương trình chỉ quy định đào tạo có 18 tháng.

Phụ huynh này đã chỉ ra rằng, chính vì việc một tháng có lớp chỉ học từ 2 – 4 buổi, có khi nghỉ 1, 2 tháng rồi mới học lại, học sinh đến lớp học theo lịch thì không có giáo viên rồi lại ra về.

Giáo viên thời khóa biểu có tiết thì lại không được điều động dạy, mà đi dạy hợp đồng – dịch vụ ở tỉnh, nên học sinh phải nghỉ học tiết của họ…đã làm cho việc học của sinh viên bị chậm trễ. 

Học viện Hàng không Việt Nam gây lãng phí thời gian học của sinh viên


Ngay sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Học viện Hàng không Việt Nam gây lãng phí thời gian học của sinh viên”, nhà trường đã dồn 4, 5 lớp với hơn 200 người vào học chung lý thuyết, dẫn tới việc học không chất lượng.

Tháng 1/2018, học sinh đi thực tập môn quan trọng của chương trình, với 120 tiết, nhưng nhà trường lại chỉ đạo gom 4 lại học chung với nhau. Thầy giáo dạy môn này lại không giám sát hoạt động, để học sinh muốn làm gì thì làm.

Trường đưa giáo viên không có chuyên môn, nghiệp vụ về chất nổ, an ninh, thiết bị soi chiếu vào dạy cho sinh viên, mà thực chất, giáo viên này có bằng cấp là luật.

Lớp trung cấp nghề của Học viện Hàng không Việt Nam phải kéo dài từ 18 lên hơn 36 tháng (ảnh: P.L)
Lớp trung cấp nghề của Học viện Hàng không Việt Nam phải kéo dài từ 18 lên hơn 36 tháng (ảnh: P.L)

Theo phụ huynh, việc kéo dài thời gian đào tạo như vậy đã làm cho các chi phí của sinh viên tăng cao, khiến rất nhiều gia đình không thể lo nổi, một số em phải bỏ lỡi việc học giữa chừng.

Ngoài ra, việc kéo dài thời gian đào tạo như vậy, cũng sẽ giết chết đi tương lai – cuộc đời của sinh viên, do không còn phù hợp với quy định độ tuổi trong việc tuyển dụng một số ngành nghề của hàng không.

Học viện Hàng không Việt Nam xin lỗi sinh viên

Ngày 26/1, ông Chu Hoàng Hà – Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiệp vụ hàng không thừa nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, những gì phụ huynh phản ánh là chính xác.

Ông Chu Hoàng Hà bác bỏ thông tin từ lãnh đạo Học viện Hàng không Việt Nam khi cho rằng, việc đào tạo chậm trễ so với thời gian quy định là vì thiếu giáo viên, nhưng theo ông Hà, thực tế là do khi bà Hải Hằng  mới lên làm Giám đốc Học viện, thì cơ chế quản lý quá lỏng lẻo. 

Cũng liên quan đến việc này, ngày 25/1/2018, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao Đông Thương binh và Xã hội đã có đã có thông báo (lần 2) tới Học viện Hàng không Việt Nam.

Tổng Cục nhắc lại yêu cầu báo cáo sự việc như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nêu, do tới ngày 10/1, Tổng cục vẫn chưa nhận được báo cáo từ phía Học viện.

Theo ông Hà, bản thân Trung tâm đào tạo nghiệp vụ hàng không có đầy đủ cả một hệ thống quản lý, phục vụ cho các lớp học này, nhưng khi bà Hằng lên làm Giám đốc, mọi việc thay đổi hết, san sẻ cho các đơn vị khác của Học viện, còn Trung tâm thì chỉ đi dạy.

Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiệp vụ hàng không nói, việc sinh ra quá nhiều đơn vị, công việc bị phân tán, bị can thiệp quá nhiều, nên sẽ dẫn tới đào tạo bị lâu, bị muộn và hay bị sai sót.

Ông Chu Hoàng Hà cũng xác nhận, có tình trạng giáo viên dạy không đủ chuẩn, bằng cấp không liên quan đến môn học, nhất là đối với môn soi chiếu hành khách, chất nổ sẽ thành rất nguy hiểm.

Giáo viên hướng dẫn thực tập cũng không đủ chuẩn, khiến cho việc thực tập không được công nhận, càng làm thời gian kéo dài hơn.

Ngày 30/1, bà Nguyễn Thị Hải Hằng – Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, sở dĩ có tình trạng đào tạo muộn là do chỉ tiêu tuyển trung cấp nghề An ninh hàng không chỉ hơn 100 em, nhưng Học viện lại tuyển hơn 400 em, có nghĩa là vượt 4 lần so với mức cho phép.

Các lớp bị muộn này được tuyển sinh vào nhiều đợt khác nhau trong năm 2015. Bà Hằng giải thích, tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu đã diễn ra trong suốt các năm từ 2013 đến 2015, dẫn đến tình trạng đào tạo muộn xuất hiện từ năm 2014, và cho tới nay thì đã bị “dồn toa”.

Để đảm bảo tiến độ học của sinh viên, từ năm 2016, Học viện đã quyết định không tuyển sinh mới đối với trung cấp nghề này, mà chỉ xét tuyển số hồ sơ mới đã đăng ký học từ năm 2015.

Với tiến độ như đang thực hiện, sẽ có khoảng gần 200 sinh viên được thi tốt nghiệp ngay sau tết Nguyên Đán Mậu Tuất, còn đến tháng 6/2018, các lớp còn lại bị chậm chương trình đào tạo cũng sẽ được thi tốt nghiệp.

Bà Hằng cũng lên tiếng, bác bỏ thông tin ông Chu Hoàng Hà nói là đang xé lẻ nhiệm vụ của Trung tâm đào tạo nghiệp vụ hàng không, mà nói đây là thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn bộ máy, chức năng đối với từng việc cụ thể trong Học viện.

Đảm bảo tất cả đầy đủ, đúng theo quy định của Nhà nước, và được ban hành trong Học viện vào tháng 3/2016.

Toàn bộ hệ thống đào tạo của trường vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định này. Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cũng bác ý kiến cho rằng giáo viên đào tạo không có đủ chuẩn, học sinh bị dồn lớp khi học lý thuyết, cũng như nói đã có kế hoạch xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ phận liên quan khi để xảy ra việc này.

Đối với quyền lợi của sinh viên bị đào tạo muộn, bà Nguyễn Thị Hải Hằng chỉ nói sẽ tạo điều kiện tối đa cho sinh viên sử dụng phòng thực hành, thực tập chuyên ngành để rèn thêm kỹ năng nghề (không thu phí).

Còn lại, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cũng đã gửi lời xin lỗi đến phụ huynh và sinh viên hệ Trung cấp nghề An ninh hàng không về việc đào tạo chậm tiến độ so với quy định.

Người đứng đầu Học viện này nhấn mạnh: Cam kết tập trung giải quyết dứt điểm việc này trong năm 2018.

Phương Linh