Vụ Giáo sư xúc phạm Việt Nam:

“Việt Nam không phải là một quốc gia hung hăng như ông Giáo sư nói”

28/02/2013 12:56
Viết Cường
(GDVN) - Thưa ông giáo sư kính mến! Tôi viết những lời này để cho ông thấy một điều rằng, những điều ông nói về con người, về đất nước chúng tôi chỉ là cái nhìn mang tính phiến diện, chủ quan và hoàn toàn… sai bét. Việt Nam từ lâu đã “nổi tiếng” trong mắt du khách quốc tế bởi sự mến khách, nhiệt tình và đặc biệt là tính đôn hậu.

Liên quan đến bài viết có nhiều nội dung mang tính quy chụp khi nhận định về con người Việt Nam được đăng tải trên tờ Chicago Tribune với tựa đề: “Dù ngày càng giàu có nhưng khẩu vị của người Việt chẳng giống ai” của giáo sư Joel Brinkley, hiện giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford (Mỹ) và là phóng viên tờ New York Times, GS Ngô Đức Thịnh từng bày tỏ sự đáng tiếc và thất vọng: “Đây là chuyện hết sức sai lầm với một nhà khoa học ăn nói thế là không được. Cực kỳ đáng tiếc cho một nhà khoa học”.

Mặc dù ngay sau đó, trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế, vị giáo sư Stanford đã công khai xin lỗi nhưng đến thời điểm này, nhiều độc giả vẫn tiếp tục bày tỏ cảm nhận về bài viết trên qua những phản hồi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Dân tộc chúng tôi không "hung hăng" mà chỉ để bảo vệ tổ quốc 


Nước chúng tôi trải qua 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua biết bao cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trước những kẻ thù đến xâm lược, Việt Nam đã bị tàn phá nặng nề và cũng có hàng triệu con người Việt Nam phải hi sinh trong những cuộc chiến tranh đó.

Ông là giáo sư đồng thời là một phóng viên của một tờ báo danh tiếng trên thế giới chắc hẳn khi tìm hiểu về lịch sử nước tôi chắc ông biết rõ về điều này. Ông đã nghe qua Anh hùng Phan Đình Giót, lấy thân mình để lấp lỗ châu mai để ngăn cản làn đạn quân thù, giúp đồng đội tiến công? Ông có từng nghe đến người anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám, tự đốt mình để lao vào phá kho xăng của địch hay chị Võ Thị Sáu, bị địch đem ra xử bắn vẫn ung dung mỉm cười, không hề sợ hãi?...

Còn nhiều lắm, những con người Việt Nam kiên cường, mạnh mẽ đã không tiếc thân mình hi sinh vì sự độc lập tự do của tổ quốc. Tôi lấy những dẫn chứng này để cho ông thấy rằng, người Việt chúng tôi không phải hung hăng mà đó là những hành động dũng cảm để bảo vệ đất nước, mạnh mẽ trước những kẻ thù xâm lược. Nếu không có những con người "hung hăng" ấy theo như cách nói của ông, nước Việt Nam có lẽ đã không còn tồn tại trên bản đồ thế giới cho đến ngày nay!

Giáo sư Joel Brinkley (Ảnh: Internet
Giáo sư Joel Brinkley (Ảnh: Internet

Thịt chỉ đứng thứ 4 trong cơ cấu bữa ăn người Việt 

Thưa ông, người Việt chúng tôi rất coi trọng việc ăn uống do đó mọi hoạt động của người Việt từ xưa đến

nay luôn gắn liền với từ ăn như: Ăn uống, ăn mặc, ăn nói, ăn chơi…

Ăn uống đối với người Việt là một nét văn hóa, chính xác hơn, đó là văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên cho nên, sẽ không có gì ngạc nhiên khi cư dân các nền văn hóa gốc du mục (như phương Tây, hoặc như Bắc Trung Hoa) thiên về ăn thịt, còn trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam chúng tôi thì lại bộc lộ rất rõ dấu ấn của truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Đó là một cơ cấu ăn thiên về thực vật và trong thực vật thì lúa gạo là thành phần đứng đầu bảng. Tục ngữ của Việt Nam có những câu như: Người sống về gạo, cá bạo về nước/Cơm tẻ mẹ ruột/Đói thì thèm thịt thèm xôi, hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường… Quê hương của cây lúa là vùng Đông Nam Á thấp ẩm, trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nơi cây lúa rất phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà bữa ăn của người Việt Nam được gọi là bữa cơm. Không phải ngẫu nhiên mà cây lúa trở thành tiêu chuẩn cái đẹp của người Việt Nam :Em xinh là xinh như cây lúa… (câu hát). Cũng không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt có vô số từ khác nhau để phân biệt các giai đoạn trưởng thành khác và các bộ phận chuyên biệt của cây lúa.

Còn nhỏ là cây mạ, lớn lên là cây lúa, ngọn lúa sắp đơm bông gọi là đòng, hạt lúa nếp non rang lên làcốm, hạt lúa già là thóc, bông lúa gặt về thì phần còn lại ngoài đồng là rạ, đập tách hạt lúa ra rồi thì phần còn lại của bông lúa là rơm, sau khi xay giã xong thì hạt thóc chia hành gạo – cám – trấu, gạo gãy gọi là tấm. Gạo nấu lên thành cơm, xôi, nấu cho nhiều nước thành cháo, chế biến thành món quà là bỏng… Cây lúa theo đặc tính hạt thóc thì có lúa nếp, lúa tẻ, theo thời vụ thì có lúa mùa, lúa chiêm…

Trong bữa ăn của người Việt Nam, sau lúa gạo thì đến rau quả. Nằm trong khu vực của một trong những trung tâm trồng trọt, Việt Nam có một danh mục rau quả mùa nào thức ấy, phong phú vô cùng. Đối với người Việt nam thì đói ăn rau, đau uống thuốc là chuyện tất nhiên. Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không kèn trống/ Ăn cơm không rau như đánh nhau không có người gỡ.

Đứng thứ ba trong cơ cấu ăn và đứng đầu trong hàng thức ăn động vật của người Việt Nam là các loại thủy sản, sản phẩm đặc thù của vùng sông nước. Sau “cơm rau” thì “cơm cá” là thông dụng nhất. Có cá đổ vạ cho cơm/ Con cá đánh ngã bát cơm là thế.

Từ các loại thủy sản, người Việt Nam đã chế ra một thứ đồ chấm đặc biệt là nước mắm và mắm các loại. Thiếu nước mắm thì chưa thành bữa cơm Việt Nam. Cơm mắm không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với bình dân : Các bà phi tần nhà Nguyễn từng đặt các địa phương làm hàng trăm lọ mắm để tiến vua. Từ tiếng Việt, danh từ “nước mắm” đã đi vào ngôn ngữ loài người, có mặt trong nhiều cuốn từ điển bách khoa Đông – Tây.

Cuối cùng, chiếm một vị trí rất khiêm tốn trong cơ cấu bữa ăn Việt Nam mới là thịt. Phổ biến như thịt gà, lợn (heo), trâu… Đặc sản bình dân thì như là thịt chó (tục ngữ : Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm/ Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?), sơn hào hải vị thì như gân hổ, yến sào…

Chính vì mọi hoạt động của người Việt Nam đều gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước từ việc ăn, ở, đi lại nên đã có nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam đã nhận định rằng: “Việt Nam là đất nước có nền văn hóa thực vật”.

Thưa ông giáo sư kính mến! Tôi viết những lời này để cho ông thấy một điều rằng, những điều ông nói về con người, về đất nước chúng tôi chỉ là cái nhìn mang tính phiến diện, chủ quan và hoàn toàn…sai bét. Việt Nam từ lâu đã “nổi tiếng” trong mắt người dân quốc tế bởi sự mến khách, nhiệt tình và đặc biệt là tính đôn hậu.

Có lẽ ông cần phải xem lại về những kiến thức về văn hóa của mình, đồng thời cũng cần phải trau dồi thêm về kỹ năng, nghiệp vụ khai thác, thẩm định  thông tin khi làm báo. Thực sự tôi thấy không ổn. 

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Viết Cường