Xe buýt, có đi mới biết:

“Vợ dặn ra đường tránh “ông” xe buýt”

29/10/2011 15:02
Theo PLXH
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với tài xế, dù ngắn ngủi nhưng cũng thấy được những "ấm ức" mà cánh tài xế xe buýt bao năm chỉ biết "nuốt" vào trong...

Tiếp tục hành trình, chúng tôi bắt xe tuyến 22 từ Hà Đông đi Gia Lâm, chả "ngó nghiêng" được gì bởi bị hút vào câu chuyện của một em sinh viên kể về nạn móc túi. Xe gần đến Gia Lâm mới làm quen được anh phụ xe có tên Phạm Hồng Quân, anh Quân cho biết thu nhập tất tần tật một tháng cũng chỉ được 3 - 3,5 triệu trong khi những "án phạt" luôn rình rập bên mình, chỉ lơ là một chút là mất toi vài trăm ngàn tiền phạt.

Cuộc trò chuyện của PV và tài xế xe buýt.
10g30 chúng tôi lên xe 30T- 4877 của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội tuyến 03 từ Gia Lâm đi Giáp Bát. Xe đẹp, điều hoà mát lạnh, bước lên rồi mà còn ngơ ngẩn, chả lẽ xe buýt mà "xịn" thế này sao. Tôi đặc biệt chú ý đến phụ xe có đeo biển trước ngực mang tên Tạ Đình Dũng, anh này ứng xử với khách hàng quá đỗi dịu dàng ngay cả trong trường hợp người bình thường có thể phát khùng.
Ví dụ một thanh niên khi ngồi xuống ghế, ngả người rồi thượng cả 2 chân lên thành ghế trước sát đầu người ngồi trên. Anh Dũng đến nhỏ nhẹ: Chân anh bị đau à? Người thanh niên thụt vội chân xuống với lời đáp cũng rất văn hoá: Xin lỗi, tôi mỏi chân quá.
Xe đến Giáp Bát, khi hành khách đã xuống hết, chúng tôi lại gần tài xế "xin" hỏi vài câu, khi biết chúng tôi là nhà báo, dường như "ấm ức” lâu ngày, bác tài "mặc cả": Báo chí cứ "mắng" chúng tôi xa xả, đâu có hiểu nỗi khổ của chúng tôi. Tôi trả lời nhưng không được bỏ bớt đâu nhé. Vậy thì tốt quá còn gì. Cuộc trò chuyện này được thực hiện ngay trên xe:
-Anh có thể giới thiệu tên, tuổi, năm công tác và lương hiện giờ của mình được không?
-Tên tôi là Tạ Đình Quỳnh, năm nay 46 tuổi, có hơn10 năm làm tài xế xe buýt và lương hiện giờ của tôi 9, 5 triệu, nhưng phải đạt 26- 27 công. Còn phụ xe cũng khoảng 5 triệu nhưng phải hết bậc. Lương cơ bản theo hệ Nhà nước và được "tính" thêm theo ngày công của mình, càng làm nhiều, càng được hưởng nhiều.
- Cao vậy sao? Vậy mà phụ xe tuyến 22  tôi vừa hỏi, họ nói chỉ được khoảng từ 3- 3,5 triệu?
-Cái này phải xem công của người đó thế nào, làm lâu chưa, hoặc có thể dù các đơn vị đều thuộc Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) nhưng lại hạch toán riêng. Tuy lương thì trả theo chế độ của Transerco, nhưng mà phải theo từng sản phẩm và năng suất của từng đơn vị. Được thưởng phần trăm cao hay thấp nó cũng phụ thuộc vào số vé bán được nhiều hay ít. Do vậy có đơn vị lái, phụ xe được hưởng cao nhưng có đơn vị lại thấp.-Các anh có bị áp lực về thời gian không?
-Chúng tôi đã có lộ trình, chạy từ bến xe Giáp Bát sang Gia Lâm mất 50 phút. Tức là lộ trình của tôi được một tiếng, 50 phút chạy và 10 phút nghỉ. Còn trong giờ cao điểm thì 55 phút chạy và 5 phút nghỉ. Dù không bị áp lực nhiều phải chạy đúng giờ nhưng nếu mà chạy bị âm giờ thì chúng tôi phải bỏ lượt, nếu bỏ lượt thì bị "tính" vào túi tiền của mình, chạy lượt nào tính tiền lượt ấy, một lượt được từ 25-27.000 đồng.-Có phải vì thế mà lái xe buýt nhiều khi bỏ điểm đỗ, mặc hành khách?
-Về quy định thì chúng tôi không được phép, nhưng có những lúc vì xe quá đông không có chỗ nữa, nếu dừng xe thì hành khách lại nhào lên, chúng tôi xuống giải thích thì mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến giờ chạy. Giờ này các anh đi là vắng, nên có 10 phút nghỉ ngơi, nếu các anh đi đúng giờ cao điểm thì giờ nghỉ cũng không có, thậm chí không còn thời gian đi vệ sinh.-Xí nghiệp mình có mức phạt như thế nào đối với lái xe và phụ xe khi bỏ điểm đỗ?
-Cái này theo quy định chung của cả Transerco, nếu như tôi bỏ điểm dừng, điểm đỗ mà bị bắt thì bị phạt ngay 300.000 đồng, chỉ có lái xe chịu, còn phụ xe thì không sao. Ngoài ra  trong tháng còn bị hạ thi đua  mất 500.000 đồng, cuối năm thưởng tết cũng bị "teo". Thời gian gần đây là tháng an toàn giao thông; chẳng hạn như đỗ sai điểm dừng thì bị cảnh sát giao thông và Sở GTVT xử phạt, tiền túi bỏ ra mà nộp.-Anh đánh giá như thế nào về hiện tượng gian lận của phụ xe?
-Riêng tuyến của tôi thì không bao giờ có, còn một số tuyến khác thì có. Phụ xe gian lận bằng cách khi khách lên xe thì phụ xe thu tiền nhưng không xé vé. Nếu tính ở Hà Nội nói chung thì vấn đề tiêu cực này ở đâu cũng có, nhưng nhiều hay ít thôi. Riêng tuyến số 3 này thì không có. Trường hợp này nếu thanh tra bắt được thì đuổi việc luôn, một vé hay mười vé cũng thế.-Nhiều hành khách đi xe buýt bị móc túi khiến họ rất sợ, tuyến của anh có hiện tượng này không?
-Tất nhiên là có rồi, không tránh khỏi được, một số kẻ lưu manh thậm chí còn mua vé tháng, chúng tôi không thể ngăn cản không cho bọn chúng lên được, chúng tôi cũng biết mặt những kẻ đó.-Sao các anh không báo công an?
-Chúng tôi cũng có những lực lượng thanh tra giám sát, nhưng chúng tôi cũng không thể kịp báo được, vì nếu có điện cho lực lượng 113 đến thì bọn chúng đã xuống điểm khác rồi. Nạn móc túi thì tuyến nào cũng có chứ không phải riêng tuyến này.-Theo anh để đáp ứng được nhu cầu vận tải thì có nên tăng xe không?
-Để tăng xe thì nó phụ thuộc nhiều yếu tố lắm, như đường sá, như tuyến của tôi cứ 10 phút một lượt, nên không thể tăng chuyến được nữa. Nếu có muốn tăng chuyến thì phải cải tạo lại hệ thống đường thì chúng tôi mới đi được. Còn nếu cứ đường sá như thế này thì cực kỳ khó đi vì nó ùn tắc nên dẫn đến lãng phí.-Một số người dân có ý kiến ra đường là sợ xe buýt, vì tài xế lái rất ẩu, anh thấy ý kiến đấy như thế nào?
-Tôi cũng rất lấy làm buồn và đau lòng về việc này. Thậm chí vợ tôi còn dặn với con  ra đường phải nhớ tránh "ông" xe buýt. Nhưng mà nhiều khi chúng tôi cũng phải ở tư thế cực chẳng đã. Ví dụ như tôi bị áp lực về thời gian, giả sử như tôi muốn đàng hoàng thì bị chậm giờ, mà bị chậm giờ thì bị đánh vào túi.  Ngoài ra cũng một phần ý thức của người tham gia giao thông. Ví như xe của tôi dài 12m, khi tôi xi nhan để rẽ vào điểm đỗ thì không thể ngay ngắn được, mà một số xe vẫn cứ ngoi lên do vậy tôi phải ép vào để chặn người ta lại. Khi đấy thì xe không được ngay ngắn vì đầu xe thì vào trong còn đuôi xe thì vểnh ra ngoài. Do vậy cũng phần nào gây ách tắc giao thông, tôi biết nhưng không biết làm thế nào được-Nhiều hành khách có phàn nàn về thái độ phục vụ của lái xe cũng như phụ xe chưa được tốt, anh có buồn không?
-Tôi cho rằng chuyện này hành khách nói cũng đúng, nhưng cũng ở hai phía, chứ không phải một phía. Chúng tôi như "làm dâu trăm họ", tài xế hay phụ xe cũng có người thế này, người thế khác. Nếu chỉ vì một vài tài xế, phụ xe có thái độ không đúng mực với hành khách mà sổ toẹt công lao của bao nhiêu người phục vụ tốt thì không công bằng chút nào.Chúng ta nói rất nhiều về văn hóa, như văn hóa giao thông, văn hóa xe buýt. Nhưng để làm được điều này thì tất cả mọi người phải có văn hóa. Cuộc trò chuyện buộc phải dừng lại vì đã hết 10 phút nghỉ, hành khách đã yêu cầu mở xe để lên. Chúng tôi bắt xe về Nhổn, hành trình chạy qua Cầu Giấy nơi được cho là điểm nóng của nạn móc túi. Trong đầu đã "vạch" ra kế hoạch "câu" lấy tay móc túi nào đó. Nhưng than ôi, "cá" thì chả được mà lại mất cả "mồi" và "lưỡi".

Ngày 26-10, Phòng PC45 CATP đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc lăng mạ, đánh hành khách của hai lái, phụ xe buýt là Đỗ Hữu Long và Nguyễn Chí Thanh, nguyên nhân viên Xí nghiệp xe điện Hà Nội thuộc Tổng Cty vận tải Hà Nội. Hai cá nhân này là lái, phụ xe buýt tuyến bến xe Mỹ Đình - Gia Lâm đã có hành vi lăng mạ, bắt quỳ mới mở cửa xe cho hành khách Nguyễn Ngọc Phúc xuống. Nếu xét thấy có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự, cơ quan CSĐT sẽ khởi tố vụ án, xử lý nghiêm theo pháp luật..

còn nữa...
Theo PLXH