Với quảng cáo phản cảm, doanh nghiệp đang tự tay "giết" mình

03/09/2012 07:14
Hà Nhi
(GDVN) - Những quảng cáo phóng đại, được sử dụng một cách thái quá phát sóng thường xuyên trên truyền hình đang dần đánh mất đi niềm tin của người tiêu dùng (NTD). Quảng cáo như vậy, doanh nghiệp không chỉ tự “giết” mình mà còn vô hiệu hóa chính phương tiện tiếp thị hiệu quả nhất trong hoạt động kinh doanh ngày nay.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) về “vấn nạn” quảng cáo hiện nay.
Quảng cáo phản cảm, "lợi bất cập hại"
“Nhiều NTD phàn nàn có hôm đang trong bữa ăn hoặc có trẻ em, trên tivi lại phát những quảng cáo phản cảm, buộc phải chuyển sang kênh khác” – Ông Hùng chia sẻ. Quảng cáo ngày nay từ chỗ thừa hưởng thành quả công nghệ thông tin, có tác dụng  kết nối giữa người bán với người mua, giới thiệu cho người mua những sản phẩm cần bán một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, lại đang bị sử dụng một cách thái quá  khiến NTD mất lòng tin vào quảng cáo. Như vậy, từ chỗ “lợi” lại “bất cập hại”, doanh nghiệp đang tự mình giết mình cũng bằng cách đó” - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vinastas nhận xét.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vinastas:“Mỗi lần xem tivi, thấy những quảng cáo phản cảm, tôi thường tắt đi luôn. (Ảnh: internet)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vinastas:“Mỗi lần xem tivi, thấy những quảng cáo phản cảm, tôi thường tắt đi luôn. (Ảnh: internet)
Những ngày gần đây, cư dân mạng liên tục lên tiếng vì quảng cáo nước tẩy rửa bồn cầu Vim với hình ảnh đang được nhiều người cho rằng khá phản cảm. Để chứng minh cho chất lượng tẩy rửa của Vim, nhà quảng cáo đã cho nhân vật chính quẹt tay xuống bồn cầu vì…không còn phải lo đến vi khuẩn xâm hại?! Không ít người cảm thấy “ghê ghê” vì quảng cáo này thường phát vào đúng những lúc bữa cơm đang ngon lành, đó là buổi trưa và buổi tối. “Có người bạn đã nói với tôi: “cứ thấy quảng cáo là tôi đã thấy bức xúc lắm, tắt đi luôn”. Như vậy, quảng cáo rất công phu, xây dựng phóng sự, ghi hình rất tốn kém trong khi đó, khán giả lại không xem, như thế, chẳng phải doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đó đã tự mình lại vô hiệu hóa thành quả (quảng cáo - pv) đã làm ra của mình?” – ông Hùng nhấn mạnh.Nhiều doanh nghiệp đang tự "giết" mình Cuối năm 2009, nhiều người dân bỏ ra gần triệu bạc mua vòng titan "Phật Quan âm" được quảng cáo trên một số phương tiện truyền thông là chứa gần 100% titan và germanium, gắn đá từ tính, có khả năng chống bức xạ, mệt mỏi. Tuy nhiên, điều tra của cơ quan chức năng cho thấy vòng chứa hơn 70% sắt, chỉ có 2,8% titan, còn lại là tạp chất và có giá gốc chỉ tương đương 4 nghìn đồng/ bộ. Đáng tiếc, đầu năm 2011, nhiều kênh truyền hình của các đài truyền hình địa phương lại quảng cáo vòng “vàng nano”, “kim cương nhân tạo”, với giá 1.380.000 đồng. Nhiều NTD lại bị trả giá cho sự nhẹ dạ, cả tin khi theo điều tra của cơ quan chức năng, chiếc vòng này toàn đồng, sắt và kẽm, được nhập khẩu về với giá bình quân khoảng 400 ngàn đồng/sản phẩm.
Theo ông Hùng, với những quảng cáo phản cảm, người tiêu dùng vừa thấy xuất hiện trên tivi đã vội tắt, như vậy, chẳng khác nào, doanh nghiệp đang tự giết mình vì đánh mất đi người xem.
Theo ông Hùng, với những quảng cáo phản cảm, người tiêu dùng vừa thấy xuất hiện trên tivi đã vội tắt, như vậy, chẳng khác nào, doanh nghiệp đang tự giết mình vì đánh mất đi người xem.
“Tôi cho là quảng cáo có lợi cho cả 2 bên, cả người bán và người mua nhưng thông tin phải trung thực, tránh thổi phồng...". Theo vị Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vinastas: Đã tới lúc, nhiều NTD dị ứng với các quảng cáo thái quá.  Do đó, quảng cáo cần siết chặt lại về nội dung liên quan tới tính năng, tác dụng của sản phẩm. Phải được pháp luật điều chỉnh chặt chẽ hơn. Vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD VN rất hoan nghênh Quốc Hội ngày 21/6/2012 đã thông qua Luật Quảng cáo mà trong quá trình các cơ quan có thẩm quyền lấy ý tham vấn chuyên gia hoàn thiện dự án Luật, Hội đã tích cực đóng góp ý kiến. Trong một số đóng góp được bổ sung trong dự thảo, có trách nhiệm của bên thứ ba, cụ thể là của người phát hành quảng cáo. Theo ông Hùng, đây là sự công bằng, vì quảng cáo có mục đích sinh lợi là một hoạt động dịch vụ. Người phát hành quảng cáo không thể “vô can” khi phát hành những sản phẩm quảng cáo thiếu trung thực, gây thiệt hại cho người tiếp nhận quảng cáo do mình không kiểm tra kỹ trước khi phát hành.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi