Vụ BN phong bị “ép” ăn thịt sống: Bệnh nhân đã từng nghĩ đến cái chết

10/05/2012 11:00
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Những nỗi đau về mặt thể xác và tinh thần cộng với việc đối xử của các hộ lý tại trung tâm da liễu Hà Đông khiến những bệnh nhân này nhiều lúc muốn chết đi để giải thoát cho cuộc đời mình.
Đã từng nghĩ đến cái chết để giải thoát cuộc đời
Trong khi tìm hiểu về vụ việc 21 bệnh nhân mắc bênh phong đang điều trị tại trung tâm Da liễu Hà Đông bị bỏ đói và “ép” ăn thịt sống, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã chứng kiến những nỗi đau đớn cả về mặt thể xác và tinh thần. Những bệnh nhân này phần lớn đã tuổi cao sức yếu, có người có gia đình, cũng có người vì mắc căn bệnh quái ác này nên không dám đi tìm hạnh phúc của đời mình. 

Trung tâm da liễu Hà Đông nơi xảy ra sự việc mang thịt sống đến cho bệnh nhân phong
Trung tâm da liễu Hà Đông nơi xảy ra sự việc mang thịt sống đến cho bệnh nhân phong

Tiếp xúc với phóng viên, cụ Nguyễn Bá Đăng (SN 1939, quê ở huyện Quốc Oai, Hà Nội), thuộc diện bệnh nặng, được chăm sóc hoàn toàn tâm sự: "Bệnh phong đã cướp đi của tôi tất cả từ thể xác đến tâm hồn. Đã có nhiều lúc tôi cảm thấy mình hoàn toàn bị cô lập, không tài sản, không người thân. Nhiều đêm, tôi đã cố dằn lòng mình không được khóc, bởi khóc là yếu đuối, nhưng không hiểu sao nước mắt vẫn cứ trào ra trong vô thức.
Tôi đã từng nghĩ đến cái chết để mong giải thoát cuộc đời này nhưng mỗi khi được gặp người thân, một lời động viên, an ủi khiến tôi quên đi cái ý nghĩ dại dột đó để sống tiếp dù không biết sau này sẽ ra sao. Mỗi lần khi có các đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm, các bạn sinh viên tình nguyện… về thăm, những lúc đó, tôi rất vui như được tiếp thêm nghị lực để sinh tồn, đấu tranh với căn bệnh quái ác đang ngày đêm ăn mòn từng bộ phận trên cơ thể tôi.

Khi đó, tôi có người để tâm sự, bớt đi sự cô đơn lạnh lẽo, đói khổ khi phải ở nơi đây. Tôi mong sao, những người bệnh như chúng tôi được xã hội quan tâm nhiều hơn nữa phần nào đó giúp chúng tôi xóa đi sự mặc cảm với đời". 
Còn cụ Vũ Thị Bớt (89 tuổi, trú tại xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) thuề thào nói: "Khổ lắm các chú ạ! Nhiều lúc nghĩ sao thấy số phận của mình bất hạnh quá. Tôi bị mắc căn bệnh phong quái ác này từ những năm 1960, đến năm 1969, khi bệnh tình có dấu hiệu nặng tôi được chuyển về Khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da liễu Hà Đông để điều trị theo tiêu chuẩn của nhà nước cho đến nay.

Cũng vì mắc phải căn bệnh quái ác này, nên cái ước muốn được lấy chồng rồi sinh con đẻ cái đã trở thành điều quá xa vời, nhiều lúc nghĩ thấy tủi thân, ứa nước mắt. Nhất là những lúc ốm đau, không có ai bên cạnh, một mình vật lộn với cơn đau, không biết kêu ai đành phải cắn răng chịu đựng. Những lúc đó, tôi chỉ ước ao dù chỉ có một người thân ở bên cạnh, chăm sóc, an ủi thì tôi cũng an lòng!".

Cụ Bớt tâm sự với phóng viên
Cụ Bớt tâm sự với phóng viên

Sẽ cho kiểm điểm nghiêm túc và báo cáo lên Sở Y tế.

Còn bà Nguyễn Thị Yến, 89 tuổi, tuy may mắn hơn một số bệnh nhân khác là đã xây dựng gia đình và có con cái. Thế nhưng có gia đình, con cái mà không được ở cạnh bên càng làm cho bà dằn vặt, đau khổ. Nhớ lại, biểu hiện của căn bệnh quái ác bắt đầu từ khi trên cánh tay bà (lúc đó bà mới 25 tuổi) xuất hiện những nốt đỏ li ti.

Những nốt đỏ ấy ngày càng lở loét và lan rộng, dùng kim châm không thấy đau. Những ngày tháng  tiếp theo những nốt đỏ ấy lan khắp người. Gia đình đã đưa bà đi khám, bác sĩ kết luận bà mắc bệnh phong. Nhưng đấy mới chỉ là mở đầu cho những tháng ngày đen tối trong cuộc đời bà. 
Cái tin bà bị mắc bệnh "hủi" lan nhanh như nạn dịch khiến mọi người trong làng ai cũng lánh xa bà, không dám tới gần vì sợ lây. Mặc dù gia đình động viên, an ủi nhưng cái mặc cảm "con hủi" mà người đời vẫn gọi khiến bà dường như không thể xóa nhòa.

Điều khổ tâm nhất của bà  lúc bấy giờ là mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai người chồng hay bệnh tật, cùng 3 đứa con nhỏ. Dù rất thương chồng con nhưng bà không biết làm gì, vì sợ nếu gần gũi sẽ lây bệnh cho mọi người.

Cụ Yến nhiều khi đã nghĩ tới cái chết để giải thoát cuộc đời mình
Cụ Yến nhiều khi đã nghĩ tới cái chết để giải thoát cuộc đời mình

"Có nỗi đau nào đau đớn hơn khi có chồng, có con mà mình không được yêu thương, chăm sóc. Nhiều đêm, nghĩ về số phận, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, không dám để chồng con biết vì sợ mọi người sẽ buồn. Đến năm 1969, khi cảm thấy bệnh tình có dấu hiệu nặng đi, tôi đã thuyết phục gia đình cho mình được chuyển đến Trung tâm Da liễu Hà Đông để điều trị.

Một phần để giảm bớt đi gánh nặng cho mọi người trong gia đình, mặt khác vào đây tôi sẽ tìm được những người cùng hoàn cảnh để bầu bạn, tâm sự bớt đi mặc cảm với đời…", nói đến đây, mắt bà ướt lệ, giọng nghẹn lại.
Theo tìm hiểu của PV, chế độ trợ cấp hàng tháng nhà nước đối với mỗi bệnh nhân tại đây gồm: 15 cân gạo và 300.000 đồng. Trong tổng số tiền 300.000 đồng đó, trung tâm sẽ giữ lại 240.000 đồng đưa cho hộ lý để mua thực phẩm hàng ngày cho người bệnh, 60.000 đồng còn lại sẽ giao trực tiếp cho từng bệnh nhân để họ mua các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày và ăn sáng. Tiền thức ăn cho hai bữa trưa và tối của các bệnh nhân tại đây chỉ là 8.000 đồng/người/ngày. 
Sau khi nhận được thông tin từ dư luận, chiều ngày 6/5, Sở Y tế Hà Nội đã cử một đoàn công tác xuống Khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da liễu Hà Đông để làm việc và kiểm tra tình hình. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xác nhận thông tin những hộ lý ở đây ngày 4/5 đã mang gạo và thịt sống xuống cho 21 bệnh nhân bị bệnh phong nặng. Trong khi đó đây là những bệnh nhân nặng nhất trong trung tâm không thể tự nấu ăn được và được chăm sóc đặc biệt.

"Chiều ngày 6/5, các ban ngành của Sở Y tế đã trực tiếp xuống Trung tâm Y tế Hà Đông để tìm hiểu về sự việc trên. Sự việc nhân viên hộ lý phát gạo và thịt sống xuống cho bệnh nhân là do ngày hôm đó trung tâm hết ga nên không nấu được. Sở đã yêu cầu lãnh đạo trung tâm phải xây dựng quá trình kiểm điểm nghiêm túc và báo cáo sở trước ngày 14/5. Về vấn đề này Sở cũng đã báo cáo UBND TP Hà Nội".

Khi được hỏi vì sao hết ga các hộ lý này không tìm biện pháp khắc phục để nấu ăn cho bệnh nhân, ông Cường cho biết, do nội bộ trung tâm có mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm, không ai chịu làm.

Được biết Trung tâm Da liễu Hà Đông trong thời gian qua có nhiều sai phạm đã được các cơ quan chức năng chỉ ra.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này…

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy.

- Swift Code: VBAAVNVX

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Điểm nóng
Nóng đề án thu phí giao thông Góc ảnh độc giả
Những kiểu ăn mặc lố lăng, phản cảm
Vẻ đẹp thanh tịnh ở những ngôi chùa đẹp nhất VN
Phì cười xem biển quảng cáo
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
Nguyễn Tiến