Vụ "bố chồng dính con dâu": Nỗi xót xa của cây viết nổi tiếng Việt Nam

24/09/2012 07:25
Viết Cường
(GDVN) - “Thông tin nào trên báo mà nếu sai, cũng cần phải xử lý. Ngành nào sai cũng cần xử lý. Nhất là khi cái sai đó làm ảnh hưởng đến xã hội. Báo chí không là ngoại lệ”. Đó là quan điểm riêng của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về việc đưa thông tin sai lệch trong vụ “Bố chồng ‘dính’ nàng dâu”.

Những ngày qua dư luận đang xôn xao về bài báo “Cha chồng quan hệ tình dục với con dâu bị dính không tách rời được” đăng trên một số trang báo ngày 18/9. Tuy nhiên cũng ngay sau đó, các báo đăng tải bài viết trên đã lên tiếng cải chính thông tin sai sự thật do phóng viên "thiếu sót trong nghiệp vụ, nghe thông tin một chiều mà không xác minh" và xin lỗi độc giả.

Tuy đã giải quyết nhưng sự việc đã làm dấy lên nỗi bức xúc của dư luận trước những thông tin không đúng trên báo chí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. 
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Về việc này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về việc xác minh tính xác thực thông tin trên báo chí qua bài báo “Bố chồng dính chặt con dâu”.

PV: Anh cho biết quan điểm của mình đối với việc báo chí đưa thông tin sai lệch vụ bố chồng - nàng dâu? Và theo anh, với “lỗi” này thì trách nhiệm của người phóng viên và tòa soạn như thế nào thì hợp lí?


Nhà Báo Đỗ Doãn Hoàng:
Thật ra câu hỏi của bạn cũng rất… mênh mông. Tôi nghĩ thế này: thông tin nào trên báo mà nếu sai, cũng cần phải xử lý. Ngành nào sai cũng cần xử lý. Nhất là khi cái sai đó làm ảnh hưởng đến xã hội. Báo chí không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, vụ việc vừa rồi nó có cái cần nói hơn ở chỗ này: Giả dụ cái sai kia là sai thật. Tôi không bình luận về cái đúng cái sai trong cái tin cái bài tôi không hề viết, không hề điều tra và cũng rất ít quan tâm đó. Giả dụ cái sai đó là sai thật như bạn nói thì tôi chỉ bình luận ở góc độ nghiệp vụ làm báo.

Thì chuyện đáng bàn luận ở góc độ nghiệp vụ nằm ở đây: thứ nhất, người viết cái tin bố chồng nàng dâu “bị dính chặt” và đi bệnh viện “gỡ ra” đó có định bịa tạc 100% chuyện đó hay không? Hay là họ bị sơ xuất nghiệp vụ? Thứ hai, hay là đằng sau có uẩn khúc gì nữa?

Tôi xin nhấn mạnh, tôi không bình luận đúng sai trong vụ này. Giả dụ là sai. Thì cũng rất khó để cái sai tương tự không xảy ra, nếu ai đó còn bất cẩn. Bởi tin đó quá nóng và có tiềm năng câu viu (như bạn nói) với báo lá cải. Họ xông lên và lấy tin.

Tin đó sốc, khó tin. Và đặc biệt, hình như người viết còn dẫn nguồn là lãnh đạo bệnh viện đó, ông ấy có tên tuổi hẳn hoi xác nhận là chuyện có thật, và các bệnh nhân “dính nhau” là “bố chồng nàng dâu” thật và “cặp đôi” đã được chuyển lên tuyến trên.

Ý tôi là, nếu ban biên tập chót mê cái tin “hót” không đáng khuyến khích, không tốt đẹp gì kể trên, thì chỉ một chút lơ là chủ quan là họ mắc phải “niềm tin” vào khả năng “dẫn nguồn”, và “trói buộc sự kiện” vào người phát ngôn tưởng như có thể tin cậy được kia.

Người duyệt rồi đưa ra công luận cái tin, nếu nó sai, thì rõ ràng họ liên đới trách nhiệm rồi. Nhưng nếu là tôi duyệt, chưa chắc tôi đã không mắc. Lý do: người viết đó đã bịa rất “có nghề”. Nếu người viết đó có uy tín với tòa soạn rồi, thì việc đòi kiểm tra kỹ thông tin, gọi điện kiểm tra thêm từ cơ sở, không phải bao giờ ban biên tập cũng làm được với từng vụ cụ thể.

Đôi khi niềm tin dành cho người viết đã gây tai họa như thế đó. Nữa: thí dụ, ông lãnh đạo bệnh viện kia là có thật, tôi từng gặp ông ta, biết là có cái BV đó thật. Ông ta được dẫn lời về vụ việc tày trời kia thế kia, có vẻ như rất đáng tin cậy đó chứ. Thế là cùng sai. Đấy, tôi chỉ cảm thông với người duyệt tin đó một chút như thế thôi. 

PV: Anh có suy nghĩ gì về thực trạng hiện nay có một số phóng viên, tờ báo chỉ chăm chăm đến giật tít sốc câu view mà xao nhãng việc xác minh, kiểm chứng thông tin?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: “Tôi thật sự không biết nói thế nào. Vì tôi chả nhân danh gì để bình luận về sự lựa chọn của người ta. Vì cái gì cũng có giá của nó. Chỉ tiếc cho nhiều nhà báo trẻ, được đào tạo tử tế, ra nghề vớ phải cái lối làm báo đó, rồi cứ tưởng mình đã làm ông bà nhà báo rồi nhờ những trò “thổi kèn khen lấy” đó.

Thế là công cốc “tu luyện”, bỗng chốc thành cái “của nợ” cho xã hội. Mỗi lúc thấy ai đó ca cẩm về “nhà báo chộp giật”, tôi lại thấy xấu hổ. Thấy xót xa và kiêu hãnh cho sự chắt chiu với nghề của những nhà báo tử tế. Giá mà vụ nào lùm xùm cũng được xử lý nghiêm khắc.

Tất nhiên, tôi không tin là tôi và bạn sẽ không có ngày bị “xử lý nghiêm”, nếu chẳng may ta bỗng dưng trở nên chủ quan khinh địch. Nghề báo nó thế, còn làm còn sai, chỉ không làm thì mới không sai. Tuy nhiên, cái sai nào đáng khinh miệt và cái sai nào đáng cảm thông, đó mới là điều đáng nói.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trò chuyện với một nhà tu khổ hạnh trên đỉnh Yên Tử sau 3 ngày đi bộ leo núi
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trò chuyện với một nhà tu khổ hạnh trên đỉnh Yên Tử sau 3 ngày đi bộ leo núi

PV: Sự việc tuy nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là niềm tin của độc giả với báo chí. Báo chí chúng ta thường phanh phui cái xấu, cái chưa hay diễn ra trong xã hội trong khi đó khi chính báo chí làm sai thì chúng ta dường như đang thờ ơ và tìm cách lảng tránh. Vậy có phải chúng ta đang chơi không đẹp, không công bằng?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Chuyện này, tôi nghĩ bạn đã biết câu trả lời. Tôi không trả lời gì cả nhé.

PV: Theo anh, việc cho ra những “sản phẩm” bịa đặt như vừa rồi liệu có phải do một phần lỗi thuộc về nhà trường, giáo viên trong quá trình giảng dạy đã quá đi sâu vào lí luận mà thiếu tính thực tế cho sinh viên báo? 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ một số trường dạy làm báo đã quá xa rời thực tế, để giảng đường ở chót vót cái chỗ nó chả liên quan mấy đến dòng chảy cuộc sống và báo chí. Có nhiều cô cậu sau khi tốt nghiệp vẫn chưa bao giờ viết báo và cũng không thấy băn khoăn gì nếu xin được một thứ công việc mà suốt đời không phải (được) viết lách gì.

Đó là sự thật. Song sự thật đó ít liên quan đến vụ bịa đặt (nếu có) như bạn nói vừa rồi. Chuyện bịa đặt đó là do Đạo Đức chứ nó không liên quan quá nhiều đến nghiệp vụ. Thậm chí nghiệp vụ của người viết còn khá “cao tay” như tôi đã nói ở trên đấy chứ. Họ biết cài cắm, dẫn nguồn “bố chồng nàng dâu” khiến người biên tập và quá nhiều độc giả phải tin họ (lúc đầu) đấy chứ.

PV: Là một nhà báo đã chinh chiến trên mặt trận báo chí nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm. Xin anh chia sẻ môt số kinh nghiệm đối với những vụ việc như vừa rồi, (nếu có thật) là phóng viên thì chúng ta nên xử lí thế nào. Đây là đề tài có thể nói câu view rất tốt nhưng có nên đăng hay không và đăng thì xử lí thông tin như tên, tuổi người bị nạn như thế nào?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi biết, có nhiều vụ bố chồng nàng dâu sinh con với nhau. Quê tôi cũng có. Oái oăm là có thật, trớ trêu hay loạn luân là có thật. Dù tôi chả muốn kể chuyện đó ra làm gì! Nhưng tôi băn khoăn, liệu có nên viết về chuyện đó không? Viết ra để làm gì? Nếu có chuyện đó, họ và gia đình, xóm mạc của họ đau đớn chưa đủ sao?

Nếu tìm được lý do là nên viết về vụ việc này để nói chuyện gì đó “cao siêu” hơn, thì liệu có nên thay tên đổi họ cho người ta không? Hình như tôi đã đọc, anh Huỳnh Dũng Nhân khuyên là không nên viết vụ đó. Tôi nghĩ nhà báo lão luyện Huỳnh Dũng Nhân rất có lý.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Xin chúc anh mạnh khỏe và ngày càng có nhiều bài báo hay gửi tới độc giả.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, tại Ba Vì. Tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, hiện là phóng viên báo Lao động. Đã xuất bản 16 cuốn sách, trong đó một tập truyện ngắn, một tập truyện vừa, một tập tạp văn (in cùng em trai); và 12 tập bút ký, phóng sự: Trần gian còn một thứ nghề, Ký sự đồng rừng, Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha, Nến cong và lửa thẳng,…

Đã công tác tại các cơ quan báo chí: Tạp chí Thanh Niên, báo Thanh Niên, Báo An ninh Thế giới, báo Lao Động. Đoạt 3 giải Báo chí Quốc gia và nhiều giải thưởng báo chí, văn chương khác.

Tham gia thỉnh giảng môn phóng sự, bút ký, phóng sự điều tra ở một số trường Đại học, cơ quan báo chí ở Hà Nội và nhiều Hội Báo chí, các Đài PTTH, Báo các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời là cố vấn dự án, thiết kế các chương trình Hành trình Việt Nam xanh.

Viết Cường