Vụ cô gái tìm người cho con: 'Tôi không muốn hai mẹ con nó như tôi'!

14/03/2012 06:42
Hải Sơn - Thế Long
(GDVN) - Chuyện con gái tuổi 20 phải sinh con ngoài hôn thú như xát thêm muối vào lòng người mẹ vốn đã chịu nhiều đau khổ và nghiệt ngã của số phận…
Bi kịch của người phụ nữ vừa làm mẹ, vừa làm cha
Cô gái trẻ tên Lan một mình sinh con và tìm người cho con khi vừa tuổi đôi mươi mà báo Giáo dục Việt Nam đã đề cập gần đây, khiến mọi người không khỏi cầm lòng rơi lệ. Bởi gia cảnh của mẹ con Lan cũng vô cùng đáng thương và rất cần sự chia sẻ của cộng đồng.
Lan lên 1 tuổi thì cha mất
Lan lên 1 tuổi thì cha mất

“Con dại cái mang, suốt từ ngày biết tin cái Lan yêu đương, rồi trao thân cho thằng Cường để phải một mình sinh con, tôi đau như cắt từng khúc ruột. Số phận nghiệt ngã với những tấn bi kịch cuộc đời tưởng như chỉ mình tôi phải chịu, ai ngờ con tôi cũng phải chịu những nỗi đau như một kiếp luân hồi” - bà Hương (mẹ đẻ Lan) tâm sự trong nước mắt. 
Không giấu diếm số phận, bà Hương kể cho phóng viên nghe câu chuyện cuộc đời đầy nước mắt với nhiều suy ngẫm về cuộc đời mình.
Theo lời tâm sự tự đáy lòng của mình, bà Hương đã giãi bày về cuộc đời cũng đã bủa vây lấy bà từ tấm bé khi mới lên 3 tháng tuổi thì bà đã không còn nhìn thấy người cha của mình. Từ đó đến khi lập gia đình, bà luôn sống trong cảnh nghèo khó với cái đói cái nghèo và thiếu sự chăm sóc của người cha.
Tưởng như mọi bất hạnh sẽ trôi vào quá khứ quên làng nhưng khi bà lập gia đình thì những tấn bi kịch khác lại ập đến. Lấy chồng ở phố Kỳ Lừa (Lạng Sơn) khi hơn một năm người chồng đã đổ đốn nghiện ngập và bà đã nói với chồng: “Nếu ông không từ bỏ ma túy thì sẽ không có vợ, có con nữa nhưng ông vẫn chứng nào tật ấy”. 


Con của Lan sinh ra nhưng cha của bé cũng không đến nhận mặt
Con của Lan sinh ra nhưng cha của bé cũng không đến nhận mặt 

Thế rồi, không chịu được cuộc sống gia đình eo bần vì người chồng không thương đến vợ con và cứ bám riết lấy “nàng tiên nâu” nên bà đã bồng con về quê ngoại ở Thanh Oai – Hà Nội sinh sống. Không lâu sau thì chồng bà cũng không qua khỏi vì ma túy đã là ông suy nhược và về với ông bà tiên tổ. Nỗi đau ấy thật là ai oán, nỗi khổ cực lại nhân lên gấp bội. Bà phải một mình lặn lội thân cò nuôi con khôn lớn với bao mong ước rạng ngời ở phía trước.
Được biết hiện tình hình sức khỏe đứa con trai của Lan rất tốt. Cháu rất kháu khỉnh, ngoan và chịu ăn. Hiện tại cháu đã được gần 4kg, Lan cho biết, cô cũng chưa nghĩ ra cái tên nào hay để đặt cho cậu con trai...
Cuộc đời với những bi kịch cứ đeo đẳng cuộc đời bà như những cơn sóng khổ đau đua nhau trùm lên người phụ nữ “biến tướng” giống như người đàn ông này. Điều đó lý giải vì sao, dáng bà giống như đàn ông với mái tóc ngắn và một cách nói bất cần về cuộc đời. Cũng dễ hiểu bởi một người phụ nữ vừa đảm đương vai của một người cha lại vừa là chỗ dựa, hơi ấm tình thương của một người mẹ khi Lan mới hơn một tuổi.

"Tôi không muốn cháu bé phải khổ như số phận của tôi và cái Lan"

Nhưng cuộc đời lại thật trớ trêu, bao mong mỏi con cái trưởng thành sẽ báo đáp công nuôi dạy dỗ thành người đã biến nó thành một bi kịch mà bà chẳng bao giờ bà dám nghĩ tới. Ấy thế, cuộc sống như một kiếp luôn hồi, đời cha ăn mặn đời con khát nước nhưng với hoàn cảnh của bà Hương nó giống như một chuỗi bi kịch thật là ai oán, đớn đau và đầy bất hạnh.
Nói về hoàn cảnh của người con gái tuổi 20 một mình sinh con và tìm người cho con để mong mỏi sẽ tìm lại hạnh phúc, bà Hương không giấu nổi những giọt nước mắt trào dâng: “Thương con, thương cháu, không muốn cho cháu bé nhưng vì tương lai của cái Lan còn ở phía trước còn quá trẻ nên tôi cũng đành phải đồng ý tìm người cho cháu như cách của cái Lan nghĩ và muốn tìm chỗ gửi gắm cháu cho nhà người”.
Khi phóng viên đề cập đến việc nên giữ cháu bé ở lại vì con không thể thiếu mẹ, đừng để cháu sau này lớn lên phải chịu tiếp những bi kịch mà bà và Lan đã phải chịu. “Tôi nuôi nó từ nhỏ đến giờ làm sao không nuôi được nữa. Nhưng nuôi thì cũng để ngoài nơi làm việc của tôi chứ không thể mang về nhà vì hàng xóm dân làng dị nghị bỗng dưng lại bế một cháu bé thì chẳng biết nói với dân làng thế nào” - bà Hương phân trần.
Buồn vì con cái không nghe bà đã nhiều lần ngăn cản và không muốn con vương vấn vào yêu đương sớm nhưng những lời khuyên can của bà không có tác dụng. Cũng bởi vì cuộc sống mà bà đã không có thời gian chăm lo cho con. Thương xót con vì đã không nghe bà để rồi phải sinh con một mình.

Một bi kịch dường như nối tiếp đeo đẳng gia đình người phụ nữ này!
Một bi kịch dường như nối tiếp đeo đẳng gia đình người phụ nữ này!

Tàn cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Hương ước nguyện duy nhất là con gái bà sẽ sớm ổn định tâm lý và mong muốn gửi gắm cháu ngoại của cho một gia đình nào đó thương yêu cháu như con mình. Bởi theo bà, cho cháu đi  tiếc lắm, vì đó là máu mủ ruột già của mình nhưng vì hoàn cảnh nên cũng đành phải vậy.
“Cho cháu về nhà người ta tôi chỉ mong một năm từ một đến hai lần bà cháu, mẹ con được gặp nhau cho đỡ nhớ. Tôi không muốn hai mẹ cháu nó phải khổ như tôi” – bà Hương chia sẻ.

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin này đến bạn đọc…

Được biết, hiện đã có một nhà hảo tâm là Việt kiều và một số độc giả đã ngỏ lời nhận giúp đỡ cho Lan trong lúc khó khăn này. 

Mọi tấm lòng hảo tâm, sự ủng hộ của quý vị độc giả đối với hoàn cảnh của cô gái trẻ tên Lan được nêu trong bài viết xin gửi về: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Hoặc quý vị nào mong muốn được giúp đỡ hoặc nhận đứa trẻ (con của Lan) làm con nuôi xin liên hệ với tòa soạn Báo điện tử GDVN. Chúng tôi sẽ là cầu nối giữa quý độc giả và cô gái Lan.
Hải Sơn - Thế Long