Vụ 'ép' BN nhân phong ăn thịt sống:"Ông PGĐ không thuộc 12 điều y đức"

16/05/2012 06:51
Độc giả Hoàng Văn Điện (Hải Dương)
(GDVN) - "Với những việc ông làm đã đi ngược lại hoàn toàn so với 12 điều y đức đã được Bộ Y tế quy định, và chắc chắn ở nơi xa xôi khi biết việc này chắc chắn người đã dành tâm huyết để xây dựng nên các điều này sẽ rất buồn và phẫn nộ..."
Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải những thông tin liên quan đến sự việc 21 bệnh nhân bệnh nhân mắc bệnh phong, bị tàn phế nặng đang điều trị tại Khoa điều trị nội trú, trung tâm da liễu Hà Đông (Hà Nội) đã bị các hộ lý theo chỉ đạo của ông Vũ Tiến Trình, Phó Giám đốc kiêm phụ trách Khoa điều trị nội trú đối xử, chỉ đạo cho các hộ lý phát gạo, rau, thịt sống, toàn soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ của bạn đọc.
Trong đó có lá thư của độc giả Hoàng Văn Điện (Hải Dương) muốn thông qua báo, tiếp tục gửi tới ông Vũ Tiến Trình, Phó giám đốc kiêm phụ trách khoa điều trị nội trú một bức thư ngắn. Báo điện tử GDVN xin được đăng tải nguyên văn bức thư. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Gửi ông Vũ Tiến Trình. Chắc chắn khi đọc được bức thư này, ông cũng sẽ không biết tôi là ai và lẽ ra, như bình thường thì tôi cũng như vậy, không biết ông là ai. Nhưng từ khi theo dõi các thông tin trên báo chí với hoàn cảnh hết sức đáng thương của 21 bệnh nhân phong, bị tàn phế nặng đang điều trị nơi ông giữ vai trò quản lý và những hành vi đối xử tàn nhẫn, vô cảm của ông và các hộ lý với họ thì cái tên Vũ Tiến Trình đã thực sự để lại dấu ấn của nỗi ám ảnh trong tôi.
Độc giả bày tỏ sự phẫn nộ trước những việc làm vô nhân đạo của ông Phó giám đốc và các hộ lý ở đây.
Độc giả bày tỏ sự phẫn nộ trước những việc làm vô nhân đạo của ông Phó giám đốc và các hộ lý ở đây.

Và tôi đã tự đặt ra cho mình thật nhiều câu hỏi: Tại sao trong một xã hội văn minh như thế này, lại vẫn có những hành động, việc làm tàn ác như vậy xảy ra (?); Tại sao giữa con người với nhau lại có thể đối xử một cách vô cảm đến như vậy (?)...
Nhìn hình ảnh của những bệnh nhân đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, đáng tuổi ông bà, cha mẹ mình đang phải chịu nỗi đau của bệnh tật, của tuổi già, nay lại phải chịu thêm sự đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo từ chính những người được nhân dân kính trọng gọi bằng hai chữ "thầy thuốc" thì tôi càng xót xa, đau từng khúc ruột. Tôi không phải là một nhà định lượng nào cả nhưng theo suy nghĩ của tôi thì nếu đứng trước những mảnh đời bất hạnh như thế này thì chắc chắn dù chỉ là người có trái tim bình thường trong xã hội sẽ không bao giờ cư xử vô nhân đạo giống ông và các hộ lý. Không chỉ tôi mà chắc chắn rất nhiều độc giả khác cũng rất phẫn nộ với những việc làm của các hộ lý và người lãnh đạo ở trung tâm là ông. Phẫn nộ với những hành động mà ông đối xử với chính những người bệnh nhân hết sức đáng thương, tội nghiệp mà đáng ra ông và những y bác sỹ ở đây phải có trách nhiệm chăm sóc chu đáo, ân tình. Bất bình, phẫn nộ với những hành vi trái với y đức mà ông và các hộ lý gây ra, tôi lại càng thấy trân trọng những hình ảnh đầy lăn xả, thân thiện với bệnh nhân, dù mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh lạ... của Bộ trưởng Bộ Y tế hiện tại, bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Là người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng đã giữ và phát huy được cái tâm, cái đức của một vị "lương y như từ mẫu". Là người đừng đầu ngành, bà đã lặn lội đi nhiều nơi, đến những vùng khó khăn, những địa phương xuất hiện các căn bệnh lạ, chưa có lời giải để thăm hỏi, động viên người bệnh và cùng các y, bác sĩ của mình đưa ra những phương hướng tối ưu nhất cho việc chữa trị. Tôi còn chưa quên và thực sự ấn tượng với những hình ảnh đầy thiện cảm của bà Bộ trưởng, khi không chút đắn đo, tận tay mình vào kiểm tra, tìm hiểu bệnh rồi trò chuyện, động viên các bệnh nhân mắc đang phải căn "bệnh lạ" ở Quãng Ngãi vừa qua. Và ngay sau đó, những phác đồ điều trị đầu tiên đã bắt đầu được đưa ra. Rồi hình ảnh của bà xuống từng giường bệnh kiểm tra, đồng cảm với những nỗi khó khăn mà người bệnh gặp phải khi nằm điều trị trong cảnh quá tải của các bệnh viện...  So sánh hai câu chuyện này ở đây có phần khập khiễng nhưng qua đó cũng thấy rõ rằng, trách nhiệm, bổn phận của người quản lý mà cao hơn là người đã được nhân dân kính trọng gọi bằng hai từ "thầy thuốc" là phải có cái tâm, cái đức, thường xuyên quan tâm, thân thiện, săn sóc tốt và từ đó thấu hiểu nỗi khổ của các bệnh nhân của mình. Điều này tôi xin được gửi đến ông, thưa ông Trình!.
Những bệnh nhân bị "ép" ăn thịt sống.
Những bệnh nhân bị "ép" ăn thịt sống.

Tôi cũng được biết, vào những năm 1996 của thế kỷ XX, dưới thời Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương, ngành Y tế đã đưa ra 12 điều quy định về y đức của cán bộ, nhân viên, y bác sĩ trong ngành với mong muốn: "Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Lương y phải như từ mẫu". Phải thật thà đoàn kết, khắc phục khó khǎn, học tập vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền Y học Việt Nam. Y đức phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận...". Và tôi cũng được biết, cùng với những lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về cái tâm, đức của người y, bác sĩ, thì 12 điều y đức này cũng đã được giáo dục, được quán triệt rất rộng rãi đến các cán bộ, nhân viên toàn ngành Y. Như vậy, chắc chắn với chức vụ ông đang đảm nhiệm thì việc được học, nắm vững 12 điều y đức này là điều đương nhiên. Tuy nhiên, với những việc làm vô nhân đạo của ông và các hộ lý dưới quyền của mình đã làm thì nó đi ngược lại hoàn toàn so với 12 điều y đức mà Bộ Y tế đã quy định. Thực sự, tôi dám chắc rằng, ở một nơi xa xôi nào đó khi biết đến những việc làm của ông và các hộ lý đối với các bệnh nhân phong, bị tàn phế nặng, người đã dành rất nhiều tâm huyết để xây dựng lên các điều y đức này là cố Bộ tưởng Đỗ Nguyên Phương sẽ rất buồn và phẫn nộ.  Tới đây, sau khi làm rõ trách nhiệm của ông, chắc chắn Sở Y tế Hà Nội sẽ có những hình thức kỷ luật thích đáng với những việc làm trái với y đức, đi ngược lại y đức của người thầy thuốc này. Nhưng trước, khi có những hình thức kỷ luật đó thì tôi cho rằng, ông nên tự vấn lại lương tâm của mình và nên học lại toàn bộ những điều y đức đối với nhân viên ngành y. Hơn thế, với suy nghĩ cá nhân của mình, tôi cũng mong muốn, ông nên thực hiện một văn hóa văn minh đó là công khai xin lỗi dư luận, xin lỗi người bệnh và từ chức thì sẽ tốt nhất đối với ông và dư luận, thưa ông Vũ Tiến Trình!.
12 điều y đức

(Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế)

(Ban hành kèm theo quyết định số: 20881BYT-QĐ ngày 06 tháng 11nǎm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

1. Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

2. Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.

 

3. Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

 

4. Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.

 

5. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.

 

6. Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.

 

7. Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.

 

8. Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chǎm sóc và giữ gìn sức khỏe.

 

9. Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.

 

10. Thật thà, đoàn kết tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.

 

11. Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước.

 

12. Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.
Độc giả Hoàng Văn Điện (Hải Dương)