Vụ 'ép' BN phong ăn thịt sống: "Ông PGĐ cần phải học lại hai từ Y Đức"

14/05/2012 07:18
Độc giả Nguyễn Thanh Phong (Hà Nội)
(GDVN) - "Những chỉ đạo của ông PGĐ trung tâm với các hộ lý trong việc đối xử, phát gạo sống, thịt sống, rau sống cho những bệnh nhân phong bị tàn phế nặng rồi bỏ mặc họ là không thể chấp nhận được, đi ngược lại với đạo đức của người thầy thuốc, của ngành y..."
Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải những thông tin liên quan đến sự việc 21 bệnh nhân bệnh nhân mắc bệnh phong, bị tàn phế nặng đang điều trị tại Khoa điều trị nội trú, trung tâm da liễu Hà Đông (Hà Nội) đã bị các hộ lý theo chỉ đạo của ông Vũ Tiến Trình, Phó Giám đốc kiêm phụ trách Khoa điều trị nội trú ngược đãi một cách thậm tệ, chỉ đạo cho các hộ lý phát gạo, rau, thịt sống, toàn soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ của bạn đọc.

Trong đó có lá thư của độc giả Nguyễn Thanh Phong (Hà Nội) muốn thông qua báo gửi tới ông Vũ Tiến Trình, Phó giám đốc kiêm phụ trách khoa điều trị nội trú một bức thư ngắn. Báo điện tử GDVN xin được đăng tải nguyên văn bức thư. Mời bạn đọc cùng theo dõi:  


Gửi ông Phó Giám đốc Vũ Văn Trình.
Chắc hẳn khi đọc được lá thư này, ông sẽ rất ngạc nhiên và tò mò khi không biết tại sao trong lúc mình đang bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm thế này lại có người viết thư cho mình đúng không?. 
Vâng, thực sự khoảng hai tuần trước đây thôi, tôi cũng không biết ông là ai và cũng không nghĩ rằng, hôm nay, tôi lại ngồi đây để viết những dòng này cho ông, nếu không vì những hình ảnh hết sức thương cảm của hơn 20 bệnh nhân phong đang điều trị tại trung tâm da liễu Hà Đông, nơi ông làm Phó giám đốc, phụ trách khoa điều trị nội trú cứ ám ảnh trong tâm trí của tôi.
Ông Vũ Văn Trình, PGĐ Trung tâm da liễu Hà Đông vừa bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm trong việc cấp phát gạo, thịt sống cho 21 bệnh nhân phong đang điều trị tại đây.
Ông Vũ Văn Trình, PGĐ Trung tâm da liễu Hà Đông vừa bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm trong việc cấp phát gạo, thịt sống cho 21 bệnh nhân phong đang điều trị tại đây.

Tôi còn nhớ, đó là vào giờ cuối chiều, khi chuẩn bị kết thúc một ngày làm việc, tôi có vào mạng Internet và đọc được thông tin từ báo điện tử GDVN từ một người bạn gửi cho đường link của bài viết cùng với những lời chua chát: "Đạo lý xã hội, tình người, y đức là như thế sao...". Mới chỉ click vào đường link, đọc lướt qua phần nội dung đã làm cho tôi phát hoảng.
Và càng đọc sâu vào nội dung, tôi càng bức xúc hơn khi biết rằng, những hành vi "ép" bệnh nhân ăn gạo, thịt sống, bỏ đói... lại do chính ông, một người lãnh đạo, một người vẫn được nhân dân, người bệnh kính trọng gọi bằng hai chữ "thầy thuốc" chỉ đạo các nhân viên hộ lý ở dưới gây ra với những bệnh nhân đều đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Ông có biết rằng hàng ngày, sự đau đớn do căn bệnh phong, của những nỗi đau về tinh thần vẫn đang hàng ngày, hàng giờ hành hạ trên cơ thể họ. Cũng từ đây, cái tên Vũ Văn Trình đã khiến cho tôi thực sự bị ám ảnh. Quả thật, khi được biết tới những điều mà các bệnh nhân phong nặng ở trung tâm đã phải trải qua, tôi không dám nghĩ rằng, trong xã hội văn minh như ngày nay, lại còn có những con người, những người được xã hội kính trọng gọi bằng hai từ "thầy thuốc" lại có cách hành xử vô tình như vật... Sau khi đọc xong rất nhiều các bài viết tôi đã cắn chặt hai hàm răng để khỏi phải thốt lên sự bức xúc trong người. Và tôi đã không ít lần tự đặt câu hỏi có phải chăng ông và những hộ lý thực hiện những hành vi vô cảm đó đều là người "không có trái tim" (?). Chưa vội xét ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, mới chỉ xét ở đạo đức xã hội, ứng xử của con người với con người trong xã hội thôi thì những hành vi của ông và các hộ lý cũng đã đủ để cho dư luận phải bức xúc. Những người bệnh nhân phong kia, không chỉ bị nỗi đau của căn bệnh quái ác hành hạ về mặt thể xác, bị tàn phế nặng, nhiều người không thể tự phục vụ mà về mặt tinh thần họ cũng rất đáng thương, gia đình không có, nỗi cô đơn, trống vắng của tuổi già cũng đang đè nặng lên họ... Đứng trước những mảnh đời, số phận bất hạnh đó, tôi dám chắc chắn rằng, dù chỉ là một con người bình thường trong xã hội, có trái tim thôi cũng sẽ có những sự cảm thông, thương xót và cố gắng dùng mọi cách có thể để bù đắp những nỗi đau cho các bệnh nhân này. Thế nhưng cách cư xử của ông và những người thực thi dưới quyền của ông thật là đáng buồn. Nếu xét tuổi tác của các bệnh nhân ở đây thì họ cũng đáng tuổi bố, tuổi mẹ của ông? Vậy mà ông lỡ vô tâm đối xử với họ như vậy? Và nếu những người lớn tuổi nhà ông còn khi biết chuyện con, cháu mình đã chỉ đạo làm những việc thiếu tính người, vô nhân đạo như vậy, thì tôi nghĩ rằng, họ sẽ phải đau lòng đến biết chừng nào. Rồi thì cả những đứa trẻ nhà ông nữa, tôi thực sự rất đau lòng khi nghĩ tới việc chúng sẽ có những suy nghĩ lệch lạc thế nào, khi biết được người bố của mình lại có những hành vi thiếu tình người đến như vậy. Tôi thực sự rất đau lòng khi nghĩ tới điều này.
Độc gải bày tỏ mong muốn ông Trình nên đi học lại đạo đức ngành y.
Độc gải bày tỏ mong muốn ông Trình nên đi học lại đạo đức ngành y.

Thực sự, tôi cũng hết sức bất bình, trước lý do mà ông đưa ra khi chỉ đạo bỏ đói, phát gạo, thịt sống cho các bệnh nhân vì "hết gas". Một lý do rất vô lý, ngờ nghệch, không thể chấp nhận được. Nếu xét theo lẽ thông thường hết gas thì phải gọi gas, không lẽ ở gần trung tâm lại không có lấy một cửa hàng gas nào hay muốn gọi một bình gas tới phải mất vài ngày đường để mang vào (?). Thêm vào đó, hết gas thì sẽ có nhiều thứ khác có thể sử dụng để đun nấu được như điện, củi... tại sao không sử dụng (?). Nhiều người cũng đặt một câu hỏi ngược lại, nếu nhà ông hết gas thì ông sẽ làm gì đây, chẳng lẽ mang gạo, thịt sống ra cứ thế mà ăn (?). Nghề Y trong quan niệm của mọi người là một nghề cao quí. Ngày xưa, người ta cho rằng thầy thuốc có vai trò như một “thánh nhân”, người luôn hy sinh để cứu người mà không hề vụ lợi. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một trong những người thầy thuốc vĩ đại nhất của Việt Nam trong thời kỳ phong kiến đã đưa ra tới 9 điều y đức và 8 tội nên tránh đối với người thầy thuốc, trong đó nhấn mạnh đến cái tâm, cách cư xử với những người bệnh dù là nghèo khó nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết thư cho cán bộ, nhân viên ngành y cũng đã căn dặn "lương y phải như từ mẫu".  Là một người làm quản lý trong một trung tâm y tế, trực tiếp phụ trách một Khoa quan trọng của trung tâm da liễu Hà Đông nằm ngay trên địa bàn thủ đô, tôi nghĩ rằng chắc chắn ông sẽ phải được đào tạo rất bài bản, được học nhiều lớp nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với những hành vi chỉ đạo các hộ lý phía dưới "ép" các bệnh nhân phong già cả, nhiều người không còn khả năng tự phục vụ mình phải ăn gạo, thịt sống, bỏ đói họ như vậy thì thử hỏi, những điều đó có còn đúng với đạo đức của ngành, đúng với những lời căn dặn của các bậc tiền bối đi trước. Câu trả lời này chắc chắn ông sẽ hiểu hơn tôi rất nhiều. Giờ đây, khi đang chịu hình thức đình chỉ công tác tạm thời để làm rõ các chỉ đạo liên quan đến việc cấp phát gạo, thịt sống cho bệnh nhân, tôi không hiểu ông có suy nghĩ lại về những việc làm của mình không. Có thể sắp tới đây, ông sẽ đứng lên xin lỗi những người bệnh, xin lỗi nhân dân nhưng lời xin lỗi muộn màng liệu có đủ không?. Tôi nghĩ rồi đây sẽ có những kỷ luật thích đáng với những hành vi của ông và các hộ lý đã gây ra cho những bệnh nhân phong ở trung tâm da liễu Hà Đông này, nhưng trước khi có những điều đó thì tôi cho rằng, thưa ông Phó giám đốc Vũ Văn Trình, ông cần phải đi học lại hai chữ Y ĐỨC. Mọi ý kiến xin gửi về: toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Nguyễn Thanh Phong (Hà Nội)