Vụ "ép" BN phong ăn thịt sống: PGĐ trung tâm thừa nhận do mình chỉ đạo

11/05/2012 07:00
Viết Cường - Hoàng Lực
(GDVN) - Ông Vũ Văn Trình, Phó giám đốc trung tâm Da liễu Hà Đông cho biết việc phát thịt sống cho 21 bệnh nhân phong là quyết định của mình?.
Phó giám đốc trung tâm chỉ đạo phát thịt sống cho bệnh nhân?

Liên quan đến sự việc báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải về một số y tá hiện đang trực tiếp làm việc tại Khoa Điều Trị Nội Trú – Trung tâm Da Liễu Hà Đông (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) phản ánh về tình trạng 21 bệnh nhân bệnh nhân mắc bệnh phong, bị tàn phế nặng đã bị các hộ lý của Khoa ngược đãi một cách thậm tệ?. Sáng 10/5 đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo trung tâm này.

Cùng ngày, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại Khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da liễu Hà Đông để tìm hiểu về sự việc. Trả lời báo chí về sự việc hơn 20 bệnh nhân phong bị bỏ đói và “ép” ăn thịt sống, ông Vũ Văn Trình, Phó Giám đốc Trung tâm (phụ trách Khoa điều trị nội trú) đã thừa nhận sự việc nêu trên là hoàn toàn có thật.

Ông Vũ Văn Trình, PGĐ Trung tâm giải thích nguyên nhân xảy ra sự việc trên là do...hết gas
Ông Vũ Văn Trình, PGĐ Trung tâm giải thích nguyên nhân xảy ra sự việc trên là do...hết gas

Ông Trình cho biết: “Ngày 4/5, tôi có cuộc họp tại Sở nên không có mặt tại Trung tâm. Trên đường đi, tôi nhận được điện thoại thông báo về việc bếp ăn bị hết gas. Ngay lập tức tôi đã chỉ đạo nhân viên lấy số điện thoại ghi trên bình để gọi gas vào. Nhưng sau đó, họ lại không báo cáo lại dẫn đến sự việc đáng tiếc trên”. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lại phương án phát thịt sống, rau sống, gạo cho bệnh nhân là của ai thì ông Trình lại lúng túng cho rằng, đó là quyết định của mình nhưng chỉ là giải pháp tình thế do… không có gas. "Sự việc trên tôi đã báo cáo toàn bộ với Sở Y tế và nhận khuyết điểm rồi...”, ông Trình cho hay. Trao đổi với PV, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, chiều ngày 6/5, Sở Y tế cùng các phòng ban đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo và cán bộ trực tại Trung tâm để giải trình về sự việc này. Sở Y tế cũng đã xác nhận việc phát gạo và thực phẩm tươi sống cho các bệnh nhân được chăm sóc toàn diện tại phòng khám thuộc khoa Điều trị nội trú để tự nấu ăn như báo Giáo dục Việt Nam nêu là có thật. Các đồng chí tại Trung tâm đã nhận khuyết điểm và sau đó tổ chức họp, rút kinh nghiệm”.

Cũng theo bà Liên, sở dĩ có sự việc trên là do Trung tâm mới triển khai đun nấu bằng gas cách đây hai tuần, trước đây, việc đun nấu hoàn toàn bằng củi: “Trước đây, Trung tâm hoàn toàn đun nấu bằng củi nên tình huống hết gas chưa được nghiên cứu và đưa quy định trong nội quy. Vì vậy, khi trục trặc xảy ra đã dẫn tới việc xử lý không đúng”, bà Liên nhấn mạnh.

Bệnh nhân phong quanh năm chỉ được tắm bằng nước lạnh?

Trò chuyện với các bệnh nhân ở đây phóng viên báo GDVN được biết thêm là ở Trung tâm Da liễu Hà Đông không hề có nước nóng cho bệnh nhân tắm, kể cả là mùa đông. Trả lời về việc này, ông Vũ Văn Trình giải thích: “Do ở đây hầu hết là người già và là bệnh nhân phong nên họ cũng ngại tắm, có tắm cũng chỉ tranh thủ tắm nước lạnh buổi trưa?”.

Khi PV đặt câu hỏi, việc bệnh nhân không được tắm nước nóng có phải do Trung tâm thiếu kinh phí hay do người bệnh không có nhu cầu (?), ông Trình cho rằng: “Hiện tại Trung tâm chưa có hệ thống nước nóng tắm giặt cho bệnh nhân phong vào mùa đông. Nguyên nhân là hệ thống nhà điều dưỡng của trung tâm còn thiếu, đội ngũ điều dưỡng viên còn thiếu...”.

Tuy nhiên ông Trình lại khá tự hào về thành tích của Trung tâm: “Hàng ngày Trung tâm vẫn đảm bảo có nước nóng cho bệnh nhân phong uống...?”.

Sau khi tham dự cuộc họp, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp vào phòng một số bệnh nhân để hỏi thăm. Qua phòng cụ Vũ Thị Bớt (89 tuổi, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP Hà Nội), chúng tôi thấy cụ đang ngồi rúm ró trên chiếc giường một với những vết băng bó kín mít ở tay và chân.

Khi được giới thiệu chúng tôi bên Đoàn thanh niên vào thăm, cụ tỏ ra khá tỉnh táo và gửi lời cảm ơn tới Đoàn thanh niên đã quan tâm, thăm hỏi. Tuy nhiên cụ chợt òa lên giọng nghèn nghẹn: “Tôi bây giờ ông trời ông ấy cướp hết cả rồi, con cái thì chẳng có, cháu thì xa, giờ ông trời cho tôi đi sớm ngày nào thì tôi đỡ khổ ngày ấy...”. 

Cụ Bớt với những vết băng bó chằng chịt ở tay và chân bởi những vết lở loét do căn bênh phong quái ác gây nên.
Cụ Bớt với những vết băng bó chằng chịt ở tay và chân bởi những vết lở loét do căn bênh phong quái ác gây nên.

Trước sự “vỡ òa” của cụ Bớt, mọi người đi cùng phóng viên ai nấy đều thấy xót xa cho hoàn cảnh của cụ. Đáng lẽ ở cái tuổi này cụ phải được sum vầy vui vẻ bên con, bên cháu. Nhưng không, vì căn bệnh quái ác nên cụ không lập gia đình. Những lúc đau ốm cụ chẳng biết kêu ai chỉ biết cắn răng chịu đựng, một mình vật vã với cơn đau.

Khi được hỏi về thái độ của các hộ lý ở đây với các cụ như thế nào sau khi báo chí thông tin về việc bệnh nhân ở đây bị bỏ đói và “bỏ” ăn thịt sống, cụ Bớt hồ hởi và phấn khởi nói: “Từ hôm xảy ra sự việc và báo chí phản ánh tới giờ thì tốt lắm, cứ cách một ngày lại tắm cho một lần còn trước đó thì không được chăm chỉ như thế...?”.

Cụ Bớt cho biết thêm là: “Trước kia thì chả có ai tắm rửa cho, khi nào tắm thì tôi cứ bò ra cái thùng ở đằng kia để tôi tắm rồi giặt giũ luôn ở đấy. Mắt tôi mù nên cứ phơi linh tinh ở lan can đây này...”.  

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này...

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy.

- Swift Code: VBAAVNVX

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn
Viết Cường - Hoàng Lực