Vụ mất xe ở My Way: Câu hỏi lớn về đạo đức kinh doanh của nhà hàng?

08/05/2012 06:20
Nguyễn Tiến
(GDVN) - "Ngay cả việc tôn trọng sự thật khách quan mà phía My Way còn chối bỏ, thì thực chất cái gọi là “đạo đức kinh doanh” mà đại diện My Way nhắc tới ở đây phải chăng chỉ là một thứ đạo đức giả?"_Anh Vũ Song Toàn bày tỏ sự bức xúc.
Thừa nhận sơ suất nhưng không nhận trách nhiệm
Ngày 13/2/2011, anh Vũ Song Toàn (trú tại phường Láng Hạ, Quận Ba Đình, Hà Nội) sau khi vào nhà hàng My Way (địa chỉ tại tầng 1 tòa nhà 24T2, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính) đã bị mất chiếc xe PS. Được biết trước khi để xe ở đó anh Toàn cho biết có hỏi nhân viên nhà hàng về việc để xe ở đó và nhân viên này đã gật đầu đồng ý.

Sau khi ra về, phát hiện ra chiếu xe của mình đã không cánh mà bay, anh Toàn đã khẩn trương thông báo cho nhà hàng biết về việc mình bị mất xe, đồng thời sau đó thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân là tới công an phường Trung Hòa để trình báo sự việc. 

Cửa vào nhà hàng My Way lại do anh Toàn chụp lại sau khi mất xe (không hề thấy tấm biển cảnh báo phải lấy vé xe đặt ở vị trí thuận lợi cảnh báo khách hàng).
Cửa vào nhà hàng My Way lại do anh Toàn chụp lại sau khi mất xe (không hề thấy tấm biển cảnh báo phải lấy vé xe đặt ở vị trí thuận lợi cảnh báo khách hàng).

Về phía nhà hàng My Way khi đó, đại diện ban lãnh đạo (ông Kiều) và tổ phó tổ bảo vệ (ông Lưu) thừa nhận sơ suất của nhà hàng và sẽ có trách nhiệm giải quyết thoả đáng. Tuy nhiên, chờ đến hơn hai tháng kể từ khi xảy ra vụ việc trên, công ty My Way vẫn phớt lờ trách nhiệm bồi thường khách hàng.

Ngày 28/4/2012 anh Toàn đã có đơn khởi kiện gửi tới TAND quận Cầu Giấy để yêu cầu Công ty này phải bồi thường thiệt hại cho anh tương đương với giá trị chiếc xe tại thời điểm mất là 80.000.000 đồng do không đảm bảo tài sản của khách hàng trong khi sử dụng dịch vụ tại nhà hàng. Hơn 1 năm sau ngày đâm đơn khởi kiện, anh Toàn cho biết TAND quận Cầu Giấy sẽ chính thức đem vụ án ra xét xử vào ngày 10/5/2012.

Sau khi vụ án được thụ lý giải quyết đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xửvào ngày 10/5/2012, TAND quận Cầu Giấy đã tiến hành giải ba phiên hòa giải. Tuy nhiên, qua cả ba phiên hòa giải hai bên vẫn không thể thống nhất quan điểm để giải quyết vụ việc.
Phía Công ty cổ phần My Way Hospitality (chủ sở hữu nhà hàng My Way) chấp thuận đền bù một nửa giá trị chiếc xe cho anh Vũ Song Toàn, song không nhận trách nhiệm của mình đối với vụ việc mất xe. Lấy lý do anh Toàn không có hợp đồng gửi giữ xe máy với nhà hàng mà cụ thể là không có vé xe nên phía My Way không chấp nhận bồi thường.

Tuy nhiên,họ cho rằng trên phương diện đạo đức kinh doanh, anh Toàn là khách quen của nhà hàng nên phía My Way sẵn sàng hỗ trợ rủi ro cho anh Toàn với điều kiện anh Toàn phải rút đơn khởi kiện?
Trước quan điểm giải quyết vụ việc như trên của phía My Way, trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Toàn cho rằng thái độ này của phía bị đơn chẳng khác nào phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của mình với khách hàng, người đã tới sử dụng dịch vụ, mang lại lợi nhuận cho nhà hàng, thứ đạo đức mà My Way đề cập là thứ “đạo đức giả”.

Điều anh Toàn mong muốn là My Way phải thẳng thắn nhận trách nhiệm trong vụ việc và việc bồi thường cần có sự chứng kiến của đại diện toà án. “Tôi không câu nệ hình thức, nhưng lẽ phải thì cần được tôn trọng. Trong quá trình hoà giải, tôi cũng không quan tâm đến việc họ đền cho tôi bao nhiêu tiền. Cái tôi cần ở đây là thiện chí và thái độ ứng xử của họ đối với khách hàng của mình”, anh Toàn cho biết.


Hiện trường vụ mất xe do anh Toàn chụp lại
Hiện trường vụ mất xe do anh Toàn chụp lại

Gian nan đi tìm công lý.

Bày tỏ quan điểm trong vụ việc này, luật sư Lương Văn Tuấn (VP luật sư Tân Luật) đưa ra ý kiến như sau: “Khoản 1 Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng nhiều hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể...

Trong trường hợp này, Bộ luật Dân sự không quy định hợp đồng gửi giữ xe phải lập thành văn bản do đó việc khách vào nhà hàng gửi xe có nhân viên trông xe nhưng không đưa vé được coi là hai bên đã xác lập hợp đồng (thể hiện qua lời nói, hành vi chỉ dẫn, hướng dẫn của nhân viên bảo vệ, địa điểm gửi xe). Quan hệ gửi giữ chỉ kết thúc khi người gửi nhận lại xe.

Tại Khoản 4 Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Bên giữ tài sản có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”. Khoản 2 Điều 561 Bộ luật Dân sự cũng nêu rõ: Bên gửi giữ tài sản có các quyền sau đây: Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng"...

Như vậy, trong trường hợp này, anh Toàn hoàn toàn có quyền yêu cầu phía nhà hàng bồi thường thiệt hại do họ đã để mất chiếc xe của anh.
Còn luật sư Trương Anh Tú (VP luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư TP.Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi cho anh Toàn. Ông Tú cho biết: “Tôi và thân chủ đã phải trải qua một hành trình vô cùng gian nan trong việc đi tìm công lý.

Sau 5 tháng chính thức đâm đơn khởi kiện, Toà án quận Cầu Giấy mới thụ lý vụ việc. Trước đó họ nêu ra những yêu cầu thật khó chấp nhận, đến nỗi chúng tôi phải đề nghị thay thẩm phán. Rồi đến cả 3 phiên hoà giải với bị đơn đều bất thành. Lấy lý do anh Toàn không có hợp đồng gửi giữ xe máy với nhà hàng, nên phía My Way không chấp nhận bồi thường.

Tuy nhiên, họ lại nói rằng trên phương diện đạo đức kinh doanh, anh Toàn là khách quen của nhà hàng nên phía My Way sẵn sàng hỗ trợ rủi ro một nửa giá trị chiếc xe với điều kiện anh Toàn phải rút đơn khởi kiện?
Nếu phía My Way nói không xác nhận việc anh Toàn mất xe nhưng lại chấp nhận hỗ trợ rủi ro cho anh Toàn thì đây đã là điều hết sức vô lý, vì nếu không có sự việc mất xe thì anh Toàn cũng không có rủi ro gì trong ngày 13/02/2011 để My Way phải hỗ trợ. Vì vậy, phía nguyên đơn cảm thấy vô cùng hoài nghi về cái gọi là “đạo đức kinh doanh” từ phía My Way.

"Ngay cả việc tôn trọng sự thật khách quan mà phía My Way còn chối bỏ, thì thực chất cái gọi là “đạo đức kinh doanh” mà đại diện My Way nhắc tới ở đây phải chăng chỉ là một thứ đạo đức giả? Quan điểm của chúng tôi là thiện chí, nếu My Way thừa nhận lỗi của mình và việc họ bồi thường được sự chứng kiến của toà thì chúng tôi hoàn toàn chấp thuận. Nhưng rất tiếc người đại diện theo ủy quyền của phía My Way lại luôn tỏ ra là người thích cãi vã, tranh luận hơn là việc tìm kiếm một giải một pháp hữu ích, có lợi cho cho cơ quan mình để từ đó hai bên có thể tìm được tiếng nói chung”_Anh Toàn chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo như thông tin mà anh Toàn cung cấp thì một số điều khó hiểu ở vụ án này là phải đến hơn 1 năm sau khi xảy ra sự việc, việc thực nghiệm hiện trường mới được tiến hành. Các nhân chứng quan trọng của vụ án cũng không một lần được toà án hay cơ quan công an mời gặp để lấy lời khai làm tài liệu cho quá trình điều tra...
Nguyễn Tiến